Những bài học quý từ tuyến metro số 1

Những bài học quý từ tuyến metro số 1
3 giờ trướcBài gốc
Metro lăn bánh mang theo bao cảm xúc, sự kỳ vọng của người dân thành phố dọc tuyến về việc đi làm, đi chơi thuận tiện, sạch sẽ, văn minh, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, hạn chế xe cá nhân... Những kinh nghiệm từ tuyến metro số 1 sẽ giúp chúng ta thực hiện tốt hơn nhiều công trình giao thông trọng điểm khác.
Tuyến metro số 1 khởi công năm 2012, khi trước đó một thời gian, giá nhà, đất tụt dốc, đóng băng thê thảm. Lúc dự án được khởi động, hàng loạt dự án nhà chung cư rầm rộ xuất hiện, quảng cáo ăn theo metro. Giá nhà cứ tăng không ngừng nghỉ theo hình hài rõ dần của metro. Theo thống kê, khoảng 30.000 căn hộ đã mọc lên dọc tuyến metro số 1. Lợi nhuận bất động sản "ăn theo" lại chảy vào túi chủ đầu tư các dự án và người mua đi bán lại, trong khi Nhà nước trích ngân khố trên 40.000 tỷ đồng thực hiện dự án. Ngoài ra dọc tuyến metro này chỉ có một quỹ đất công duy nhất tại khu vực ga Phước Long (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) nằm trong danh sách sẽ đưa vào khai thác.
Một hình ảnh quen thuộc của các tuyến metro trên thế giới: nhà ga gắn với trung tâm thương mại nhiều tầng, sầm uất, là nơi lý tưởng để mua sắm, ăn uống, giải trí… Còn tại metro số 1, đến lúc này, toàn bộ hạng mục thương mại ngầm của nhà ga trung tâm Bến Thành, được dự kiến đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, xây dựng dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc đường Lê Lợi, vẫn là câu chuyện của tương lai. Chúng ta đều biết, chợ Bến Thành là biểu tượng của thành phố, kết nối với các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… nhộn nhịp du khách cả ngày lẫn đêm. Nếu khai trương tuyến metro số 1 cùng lúc trung tâm thương mại ngầm đi vào hoạt động, sẽ hết sức lý tưởng cho ngành du lịch, dịch vụ và đóng góp không nhỏ cho kinh tế thành phố.
Hai câu chuyện nói trên sẽ là bài học cho các dự án metro tương lai. Metro số 1 lăn bánh, mọi ánh mắt sẽ nhìn về các tuyến metro tiếp theo. Đầu tiên, tuyến metro số 2, số 3… khi nào khởi công, có rút ngắn thời gian hoàn thành, không kéo rê như tuyến metro số 1? Trong việc khai thác các quỹ đất ven tuyến metro, làm thế nào đảm bảo Nhà nước là nhà đầu tư lớn nhất cũng được hưởng lợi lớn nhất?
Về chính sách, thành phố có thể xin Trung ương cơ chế “đặc biệt” như cách làm thần tốc của đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Bình đến Hưng Yên. Nếu cùng lúc triển khai tuyến metro số 2 và số 3, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin trong nhiệm kỳ sắp tới thành phố sẽ có thêm 2 dự án metro mới đi vào vận hành. Về vốn, việc khai thác quỹ đất sẽ là lợi thế tuyệt đối.
Điều đáng mừng là thành phố đã chọn 9 vị trí để thí điểm khai thác đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bao quanh metro số 1, 2 và đường Vành đai 3 TPHCM. Công việc trước mắt là nhanh chóng ra đề bài về quy hoạch, tổ chức thi tuyển thiết kế để chọn được mô hình tối ưu về đô thị. Sau khi có kết quả sẽ tổ chức đấu giá rộng rãi, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây chính là nguồn kinh phí rất lớn để làm metro và các công trình hạ tầng khác. Là địa phương thu hút nguồn kiều hối lớn nhất nước, thành phố cũng đã ban hành Đề án phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối.
Nguồn lực này nên được phát huy càng sớm càng tốt. Nếu vay vốn ODA, chúng ta sẽ phải trả lãi và chịu ràng buộc khác; còn khi huy động nguồn kiều hối, chỉ cần trả lãi suất tiền USD bằng với lãi vay nguồn ODA thì chắc chắn sẽ thu hút nguồn lực không hề nhỏ. Bởi đó không chỉ là vấn đề kinh doanh mà còn là tấm lòng của kiều bào mong muốn quê hương phát triển.
Chắc chắn khi thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể nói trên, các công trình giao thông trọng điểm sẽ không bị kéo rê dẫn tới đội vốn, làm suy kiệt nguồn lực. TPHCM sớm hoàn thành các công trình giao thông quan trọng, đồng nghĩa tháo được điểm nghẽn hạ tầng, tạo đà bứt tốc phát triển.
LƯƠNG THIỆN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/nhung-bai-hoc-quy-tu-tuyen-metro-so-1-post773766.html