Những bất cập trong kiểm soát an toàn thực phẩm

Những bất cập trong kiểm soát an toàn thực phẩm
10 giờ trướcBài gốc
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của tỉnh kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mì tại Siêu thị Go! Đà Lạt
NHIỀU NỖ LỰC TRONG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM
Theo báo cáo công tác bảo đảm ATTP năm 2024 của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có hơn 18.000 cơ sở thực phẩm. Trong năm 2024, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra ATTP là trên 13.000 (tăng hơn 1.000 cơ sở năm 2023). Kết quả số cơ sở đạt hơn 11.600 cơ sở, trên 1.400 cơ sở vi phạm (giảm 29 cơ sở so cùng kỳ) và hơn 550 cơ sở vi phạm bị xử lý phạt tiền với tổng số tiền phạt khoảng 3 tỷ đồng. Công tác giám sát mối nguy, xét nghiệm nhanh mẫu thực phẩm được duy trì thường xuyên. Số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc giảm so với cùng kỳ, năm 2024 có 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 2 người mắc trong khi cùng kỳ năm 2023 có 4 vụ với 212 người mắc.
Kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, quy định về ATTP được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện, góp phần thay đổi nhận thức của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát chất lượng sản phẩm thực phẩm được chú trọng, từng bước đưa công tác bảo đảm ATTP vào nền nếp. Các thủ tục hành chính lĩnh vực ATTP được thực hiện đúng trình tự, thời hạn, đem lại sự hài lòng cho người dân.
Việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, diện tích sản xuất theo VietGAP, 4C, UTZ, HACCP… có tiến bộ, Nhân dân ngày càng tham gia tích cực. Lâm Đồng là tỉnh có diện tích sản xuất theo VietGAP lớn, sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng nhanh, nhất là rau, củ, quả. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã áp dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc như: sử dụng mã số mã vạch, mã QR...
Công tác bảo đảm ATTP được các cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm. Công tác thông tin truyền thông được triển khai đến từng cơ sở, từng hộ gia đình. Từ đó, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đã có sự chuyển biến tích cực; ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm từng bước được thay đổi rõ rệt.
CÒN NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ
Số liệu thống kê cho thấy vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định dẫn đến nguy cơ mất ATTP. Cụ thể, toàn tỉnh có 6.435 cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nhưng mới chỉ cấp cho 5.437 cơ sở (chiếm 84,5%). Việc quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (2.367 cơ sở), dịch vụ nấu ăn lưu động, sản xuất bún, nước cốt, rượu thủ công gặp nhiều khó khăn do phần lớn là các cơ sở nhỏ lẻ. Đặc biệt, chưa quản lý được hoạt động kinh doanh thực phẩm trên mạng, rao bán thực phẩm tại các tài khoản cá nhân (zalo, facebook, tiktok...).
Số cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính còn thấp (554 cơ sở bị xử lý/ 1.491 cơ sở vi phạm, chiếm 37,16%); đa số chỉ được nhắc nhở, chủ yếu là các cơ sở thuộc tuyến huyện, xã quản lý.Về năng lực kiểm nghiệm ATTP, hiện tại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có một số cơ sở kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025. Tuy nhiên, chưa có đơn vị kiểm nghiệm nào được Bộ Y tế chỉ định làm cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP gây khó khăn trong việc gửi mẫu kiểm nghiệm trong hoạt động kiểm tra và các mẫu thực phẩm dùng để xác định căn nguyên khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn lưu thông trên thị trường mặc dù đã thực hiện tự công bố/đăng ký công bố sản phẩm theo quy định. Tuy nhiên, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP không quy định cụ thể về việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ. Vì vậy, rất khó có thể đảm bảo chất lượng của các sản phẩm thực phẩm được lưu thông trên thị trường. Các sản phẩm tự công bố không qua xét duyệt của các cơ quan chuyên môn, do đó vẫn còn tình trạng sản phẩm công bố không đúng, không đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định. Trong khi đó, hoạt động kiểm tra, hậu kiểm chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu so với thực tế, nhất là trong bối cảnh lượng sản phẩm tự công bố ngày càng phong phú. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn.
Việc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống còn nhiều bất cập (chỉ phù hợp với các cơ sở chế biến các món ăn với số lượng lớn trong một bữa như bếp ăn tập thể, nhà hàng tiệc cưới, cơm đoàn...; rất khó thực hiện đối với các nhà hàng, quán ăn phục vụ nhiều món ăn với số lượng ít; chưa có định nghĩa các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống).
Việc triển khai Hệ thống quản trị ATTP tại Việt Nam còn gặp khó khăn do có sự sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Lâm Đồng...
Ban Chỉ đạo về ATTP tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị, đề xuất đối với Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) tham mưu cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các văn bản có liên quan phù hợp với tình hình thực tế. Xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 31/3/2017 cho phù hợp, khả thi. Hoàn thiện hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam để thuận lợi cho công tác quản lý về ATTP các tuyến. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị đối với Bộ Công thương tham mưu Chính phủ ban hành các quy định phù hợp nhằm quản lý các đối tượng kinh doanh thực phẩm thông qua hình thức thương mại điện tử...
AN NHIÊN
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/doi-song/202504/nhung-bat-cap-trong-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-11626af/