Những báu vật gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P2): Chuyện tấm bản đồ của má Sáu

Những báu vật gắn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (P2): Chuyện tấm bản đồ của má Sáu
7 giờ trướcBài gốc
Tấm bản đồ má trao
Nếu tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được coi là "bộ não chiến lược" thì những nét vẽ giản dị ở tấm bản đồ của má Sáu chính là "trái tim nồng ấm" âm thầm góp sức vào đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Nhớ lại ngày 26/4/1975 - thời điểm chiến tranh đang diễn ra khốc liệt - Trung đoàn 27 Triệu Hải Anh hùng (thuộc sư đoàn 320B) do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy đã vượt 1.700 cây số hành quân thần tốc từ Ninh Bình vào đến Đồng Xoài và bắt đầu nổ súng hạ các mục tiêu của địch dọc trục đường 16 và tiến sát đến Búng, bắc Lái Thiêu. Nhiệm vụ của Trung đoàn lúc đó là tiến công đập tan tuyến tử thủ Bắc Sài Gòn, chiếm cầu Vĩnh Bình.
Đến ngày 29/4, Trung đoàn 27 được lệnh đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Gò Vấp, phối hợp cùng các mũi tấn công khác tiến vào đánh tan nhiều cứ điểm trọng yếu của địch, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào trưa ngày 30/4/1975.
Thế nhưng, khó khăn lớn nhất đối với vị chỉ huy Trung đoàn lúc này là quân ta chưa nắm được địch và tình hình khu vực. Trong lúc khó khăn, một nguồn tin của ta cho biết, cách khu vực Lái Thiêu vài cây số có một gia đình là cơ sở cách mạng. Ngay trong đêm đó, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng Chính ủy Trịnh Văn Thư và tổ trinh sát đã thâm nhập liên hệ với cơ sở cách mạng.
Cuộc trò chuyện trong căn nhà của má Sáu.
Qua khu rừng cao su đến nghĩa địa, cả nhóm phát hiện ngôi nhà có ánh đèn le lói, tổ trinh sát tiến vào ngay. Cửa hé mở, trinh sát phát tín hiệu: "Hồ Chí Minh"; trong nhà đáp lại "Muôn năm", vậy đúng đây là cơ sở cách mạng. Vào đến nhà, khi tấm bản đồ chỉ huy được mở ra, má nói không rành tấm bản đồ này. Má liền đi thẳng vào buồng và đem ra tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn do chồng má là ông tư Ca (ông Đinh Quang Kỳ) cất giữ từ năm 1961.
Trên tấm bản đồ mộc mạc ấy, má Sáu Ngẫu đánh dấu chính xác các mục tiêu quân địch phòng ngự có công sự vững chắc và công sự lộ thiên tại chi khu quận lỵ Lái Thiêu, trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương và các mục tiêu quân địch bố phòng theo quốc lộ 13 về Sài Gòn…
Dưới ánh đèn le lói, má nhớ tường tận đường đi, ngõ hẻm và đã tham mưu cho Trung đoàn 27 rất nhiều điều quan trọng. Má thậm chí ngỏ ý cùng hai con nhỏ ngồi lên xe tăng dẫn đường, nhưng vị trung đoàn trưởng đã nghẹn ngào từ chối vì má già rồi và hai em còn nhỏ!
Tấm bản đồ được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Chẳng ai ngờ, người phụ nữ gầy gò, hiền lành lại là mắt xích quan trọng giúp lực lượng cách mạng có được những thông tin quý giá để tiến vào Sài Gòn an toàn, hiệu quả. Tấm bản đồ của má Sáu dù đơn sơ, mộc mạc nhưng đã trở thành "chìa khóa mở cửa" cho những mũi tiến công vào nội đô khi ấy.
Chính tấm bản đồ của má đã dẫn đường cho Trung đoàn Triệu Hải tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng các đơn vị khác góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.
Nhớ về má Sáu Ngẫu
Tấm bản đồ năm xưa đã được Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu gìn giữ như một kỷ vật vô giá. Về sau, ông trân trọng trao tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, để hậu thế có thể tận mắt nhìn thấy một phần ký ức sống động của chiến thắng mùa xuân 1975. Hôm nay, dù bản đồ chẳng còn nguyên vẹn, dù thời gian và mưa nắng đã làm phai màu giấy cũ. Nhưng câu chuyện về tấm bản đồ má trao thì vẫn được nhắc nhớ, lưu truyền.
Nhìn ngắm tấm bản đồ đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội), cựu chiến binh Nguyễn Đức Khâm (Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đứng lặng hồi lâu.
Cựu chiến binh Nguyễn Đức Khâm chia sẻ về tấm bản đồ.
Ông chia sẻ: "Năm đó tôi tham gia giai đoạn cuối của chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi nhìn thấy tấm bản đồ này, tôi cảm nhận được sự quyết liệt, quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta. Giữa lúc bom đạn như vậy mà có những người mẹ cách mạng như má Sáu, sẵn sàng mở cửa nhà để chỉ cho bộ đội ta từng đường đi nước bước. Thực sự trân quý vô cùng. Quân với dân như cá với nước, có được thắng lợi hôm nay là nhờ tình sâu nghĩa nặng ấy đấy!
Với tình cảm đặc biệt dành cho má Sáu, sau ngày giải phóng, nhạc sĩ Văn Thành Nho đã sáng tác bài hát "Tấm bản đồ má trao" gợi nhớ câu chuyện cảm động về tấm bản đồ ngày ấy. Ghi nhận công lao của má Sáu, năm 2024, Thành ủy Thuận An cũng đã tổ chức truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất của Chủ tịch nước cho má Huỳnh Thị Sáu.
Và hôm nay, nếu có ai ghé qua thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương thì đừng quên vào thăm khuôn viên tượng má, nghe chuyện kể về ngôi nhà lá năm nào, về tấm bản đồ giản dị và về một thời Sài Gòn máu lửa.
(Phần cuối: Bảo vật xe tăng 843 và chiếc dao găm cắt hạ lá cờ ngụy quyền)
Bài và ảnh: Phan Ngân
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nhung-bau-vat-gan-voi-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-p2-chuyen-tam-ban-do-cua-ma-sau-16925043002040711.htm