Ảnh minh họa
Tôi từng ngồi ngẫm nghĩ, tại sao hầu hết người cao tuổi như mẹ tôi đều thích gắn bó với chùa chiền, đình đền. Khi đình làng tôi cần gì, mẹ tôi có thể mang hết đồ của nhà ra phục vụ. Mỗi lần tôi về vào dịp lễ, mẹ đều hỏi đã ra đình công đức chưa?
Mẹ tôi là người có tâm với đình chùa, với việc chung của làng nước. Có lẽ, người cao tuổi đã qua mọi đắng cay, vui buồn của cuộc đời, đã có những chiêm nghiệm, bài học đúc kết để thấm thía tâm hồn cần bao dung, hướng thiện.
Và cũng có thể, trong cuộc sống, trái tim cần tin vào điều gì đó để neo lòng mình. Niềm tin ấy giúp người ta sống tốt hơn.
Trong một lần du xuân, tôi đã đến đền Vạn Chài ở Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Với cảnh sắc phong thủy hữu tình, núi bọc phía sau, biển mở phía trước, đền được ấp ôm tứ phía bởi tán các cây gạo nhiều năm tuổi.
Không làm sao diễn đạt được cảm giác của tôi khi ngồi lặng ngắm hình dáng cao sừng sững, vỏ xù xì, từng cành như những ngón tay dài đan xen, kết chặt, xoải ra thật rộng lớn của các cây gạo cổ thụ.
Tôi vừa thấy mình thật nhỏ bé, vừa có cảm giác bình an khi lọt thỏm dưới bóng cây lồng lộng. Vào đầu xuân thì cây gạo trơ trụi cành. Người duy nhất tôi gặp ở ngôi đền Vạn Chài là ông già với phong thái hiền hậu, ung dung ngồi trên chiếc ghế nhựa ngay cổng, lối ra vào.
Ông làm tôi nhớ đến mẹ. Ông bảo với tôi, đền được xây dựng vào giữa thế kỷ 19, thờ Tứ vị Thánh Nương, các bậc Thánh bảo hộ, che chở cho những cư dân làm ăn trên biển. Ngay sau khi xây dựng, người dân Vạn Chài đánh bắt hải sản được mùa nhiều năm liên tiếp.
Chính vì vậy mà mọi người càng có lòng tin vào sự linh thiêng của ngôi đền. Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, đền được tu sửa nhiều lần, vẫn là một công trình kiến trúc cổ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân.
Ảnh minh họa
Tôi không phải người đi biển, cũng chẳng phải dân gốc ở đây. Nhưng từ duyên gặp gỡ lần thứ nhất, ông già làm tôi nhớ mẹ, ngôi đền làm tôi nhớ đình làng tôi nên thỉnh thoảng tôi lại ghé. Mỗi lần quay lại, tôi đều tìm được chính mình ở một khoảnh khắc nào đó.
Đền vắng lặng, vắng đến mức khi ngồi ở chiếc ghế nhựa ngoài cổng, tôi có thể nghe thấy tiếng thì thầm của gió, tiếng khẽ chạm đất của chiếc lá vừa rơi… Mùa nào đền Vạn Chài cũng có nét đẹp riêng nhưng riêng tháng Ba, lòng tôi phải òa lên nức nở khi ánh mắt chạm vào muôn sắc hoa đỏ rực cửa đền.
Muôn "ngọn đuốc" thắp bừng rực khoảng trời bao la, muôn búp đỏ cháy sáng mặt đất, ngập lối cửa vào…Tôi đã từng ngắm hoa gạo giữa phố, từng thấy hoa gạo rạo rực ven sông, nhưng chưa bao giờ thấy toàn màu hoa gạo đỏ bọc lấy ngôi đền thiêng.
Cảm ơn người đã chọn trồng những cây gạo ở chốn này mà không phải là loài cây nào khác. Màu đỏ tràn đầy cho người cảm giác bội thu, no đủ. Tôi tin rằng, ai đến đây thăm quan, chiêm bái đúng thời điểm sẽ được truyền ngọn lửa hi vọng, giúp trái tim thức dậy khát vọng với cuộc đời.
Theo cái nhìn của riêng tôi, chính những cây gạo hơn trăm tuổi đã làm cho đền Vạn Chài đặc biệt, muôn bông hoa đỏ kia tạo vẻ đẹp huyền bí của đền. Đời hoa gạo rất ngắn, chỉ nở ít hôm sẽ rụng, muốn thấy được đất trời quấn quyện trong sắc đỏ linh thiêng cửa đền thì bước chân phải tìm đến đền Vạn Chài đúng dịp và tôi sẽ chẳng chần chừ trước sắc đỏ tuyệt vời ấy.
Tản văn của Trần Ngọc Mỹ