Những 'bông hồng thép' trên thao trường tập luyện diễu binh

Những 'bông hồng thép' trên thao trường tập luyện diễu binh
4 giờ trướcBài gốc
Con lớn lên sẽ tự hào về mẹ
Người dân có mặt trực tiếp tại TP. HCM hay xem qua màn hình lễ diễu binh, diễu hành chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra sáng 30/4/2025 tại đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM có lẽ rất ấn tượng với 9 khối nữ tại lễ diễu binh. Sau nhiều tháng vất vả tập luyện ngoài thao trường, những “bông hồng thép” với bước chân và động tác dứt khoát, đều tăm tắp, và gương mặt tỏa sáng trong ánh nắng của hòa bình đã góp phần tạo nên một khung cảnh hoàng tráng trong lễ diễu binh, diễu hành, tạo ra hình ảnh đẹp và để lại ấn tượng khó quên đối với mỗi người dân.
Góp mặt trong khối nữ gìn giữ hòa bình do Quân khu 3 đảm nhiệm huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện Quốc gia TB4, Đại úy Cồ Phương Thanh, Ban CHQS phòng thủ khu vực 3 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) vinh dự được giao vác quân kỳ. Đây là lần thứ hai, Thanh tham gia luyện tập diễu binh, diễu hành. Lần đầu cách đây 10 năm, vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. 10 năm đã qua mà Thanh vẫn chưa vẫn chưa quên cảm xúc vỡ òa đầy vinh dự, tự hào khi tiếng nhạc vang lên, mình bước từng bước qua lễ đài. “Lúc đó tim em đập mạnh như lần đầu đứng trên sân khấu. Em cảm nhận rõ niềm tự hào dân tộc, tự hào là người lính. Bao nhiêu ngày tập luyện gian khổ, đổ mồ hôi, thậm chí cả nước mắt, đều dồn lại trong khoảnh khắc đó. Lúc nhìn về hàng ghế có quốc kỳ, có lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia lễ kỷ niệm, em thấy mình đang góp một phần nhỏ bé vào niềm vinh dự lớn lao của đất nước”, Thanh rưng rưng nhớ lại.
Đại úy Cồ Phương Thanh, Ban CHQS phòng thủ khu vực 3, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (người đứng giữa, hàng đầu) vinh dự được giao vác quân kỳ
Chính vì vậy, Cồ Phương Thanh lại viết đơn tình nguyện tham gia tập luyện cho lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong hoàn cảnh 2 con còn nhỏ, bé thứ 2 mới hơn 17 tháng tuổi, chồng làm trong lực lượng vũ trang thường xuyên vắng nhà. May có gia đình nội, ngoại yêu thương hỗ trợ chăm sóc 2 cháu nhỏ, dặn Thanh không phải lo lắng chuyện nhà, cứ yên tâm lên đường tập luyện cho tốt.
Xa con mấy tháng trời, nhiều lúc Thanh nhớ con, thương con đến rơi nước mắt. Tối nào Thanh cũng tranh thủ gọi điện về nhà dặn dò từng bữa ăn, giấc ngủ của con. Thấy con kêu nhớ mẹ, Thanh lại quay đi giấu giọt nước mắt và tự nhủ: Mẹ đi làm nhiệm vụ, mẹ con mình cùng cố gắng nhé, con lớn lên sẽ tự hào về mẹ!
So với lần đầu tiên, Thanh đã quen hơn với cường độ luyện tập, tác phong và yêu cầu của đội hình. Tuy vậy, nỗi vất vả trong luyện tập thì lần nào cũng như nhau. Càng tập luyện về sau càng vất vả bởi yêu cầu kỹ thuật cao hơn, phải rèn từng động tác sao cho đồng đều, chính xác. Nhưng nhờ đã có kinh nghiệm, Thanh chủ động hơn trong cách điều tiết sức khỏe, giữ tinh thần, và cả việc giữ gìn kỷ luật tập thể.
Đại úy Cồ Phương Thanh (người vác quân kỳ, hàng 3 người trong buổi hợp luyện cụm ngày 9/7.
“Em vẫn nhớ tối hôm làm lễ tổng duyệt tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) 10 năm trước, trời mưa rất to nhưng cả khối vẫn giữ nguyên đội hình. Khi diễu hành qua các đường phố, người dân đứng rất đông hai bên đường, mặc cho mưa lớn để cổ vũ chúng em. Lúc đó, em cảm thấy xúc động lắm. Lần tập luyện này, em bị đau chân gần một tháng do đi duyệt liên tục, nhưng em thấy vui vì lần này mình chịu trận giỏi hơn. Người ta nói “đi lính mới hiểu tình đồng đội”, và đúng thật, trong những ngày tháng này, em cảm nhận rõ hơn bao giờ hết tình đồng đội. Việc có người hiểu mình, cùng chia sẻ từng chặng đường luyện tập, từng bữa cơm, từng lần đau chân rã rời khiến hành trình tập luyện trở nên bớt nặng nhọc hơn rất nhiều. Chúng em nhắc nhở nhau giữ quân dung, động viên nhau lúc mệt, cùng cười với những khoảnh khắc ngớ ngẩn khi tập sai nhịp… Có đồng đội bên cạnh, em thấy mình không đơn độc, mà đang là một phần của một tập thể gắn bó, đoàn kết và đầy tinh thần kỷ luật”, Thanh chia sẻ.
“Em coi đây là cơ hội để rèn luyện bản thân, trau dồi bản lĩnh và kỷ luật quân đội. Em cũng mong qua hình ảnh của mình, của đồng chí, đồng đội; các em nhỏ và người dân sẽ thấy được nét đẹp của quân nhân và thêm yêu quý màu áo lính”, Đại úy Cồ Phương Thanh.
Lần đầu tham gia luyện tập, Thanh là khối trưởng khối nữ tự vệ do Bộ Tư lệnh Thủ đô đảm nhiệm huấn luyện. Lần này, Thanh lại được vinh dự vác quân kỳ, Thanh cảm thấy áp lực lớn hơn. “Quân kỳ là biểu tượng thiêng liêng, tay mình phải giữ chắc lại phải bước thật đều, thật chuẩn trong tư thế vai thẳng. Quân kỳ thì nặng, đặc biệt khi có gió mạnh, việc giữ cho cờ không lệch, không lắc là một thử thách. Vì em là người đi đầu, mỗi bước chân phải khớp hoàn toàn với nhịp đội hình phía sau. Ngoài ra, việc giữ quân dung tuyệt đối trong thời gian dài, dù mồ hôi ướt đầm lưng áo, tay đau nhức, chân sưng tấy, cũng đòi hỏi một ý chí và tinh thần kỷ luật rất lớn”, Thanh cho biết.
Bởi mang trách nhiệm nặng nề, Thanh phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với nhiệm vụ được giao. Đồng đội của Thanh cho biết, Thanh rất chăm chỉ, không biết Thanh dậy từ mấy giờ sáng mà lúc cả đội tập trung tập thể dục, Thanh đã chạy về, quần áo ướt sũng mồ hôi.
Mình mà nghỉ lại không theo kịp đồng đội
Cùng tập luyện với Thanh có Thiếu tá Nguyễn Thị Bắc, Đoàn 285, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu Bắc tham gia luyện tập nên thấy cường độ luyện tập rất cao. Trong thời gian huấn luyện, Bắc thấy khó khăn nhất là nội dung ke chân. Để đi nghiêm được phải có thể lực tốt và đôi chân vững chắc nên đội hình phải tập ke chân nhiều giờ. Hết giờ ke chân, hai chân Bắc đau ê ẩm, cảm giác tê liệt.
Thời tiết mùa hè năm nay mưa nắng thất thường càng làm tăng nỗi vất vả cho những người lính tham gia luyện tập. Bắc vẫn nhớ khi mới tập trung luyện tập được 3-4 hôm, trời mưa to nên chị em cứ nghĩ là mưa to thế sẽ được nghỉ huấn luyện. Mọi người cứ ngó vào điện thoại để xem có thông báo nghỉ hay không, nhưng hôm đó không được nghỉ mà mọi người phải đứng ke chân ở hành lang. Từ hôm đó, Bắc và mọi người biết, họ sẽ tập luyện không nghỉ, bất kể thời tiết mưa nắng ra sao.
Bắc tham gia huấn luyện cho đến nay đã hơn 2 tháng. Những người lần đầu tham gia huấn luyện đều cảm thấy cường độ luyện tập rất căng. Nhưng họ luôn động viện nhau và tự động viên mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. “2 tháng huấn luyện em chưa nghỉ hôm nào. Nhiều ngày huấn luyện dưới trời nắng, cảm giác kiệt sức nghĩ buổi sau chắc không tập được nữa. Nhưng sau một đêm nghỉ ngơi, sức khỏe ổn định lại bắt đầu một ngày luyện tập mới bởi nếu một ngày mệt sẽ kéo theo nhiều ngày mệt khác. Mình mà ốm nghỉ, không theo kịp lại ảnh hưởng đến đồng đội”, Bắc chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Thị Bắc, Đoàn 285, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một ngày của Bắc bắt đầu từ 4h30p dậy vệ sinh cá nhân, sắp xếp nội vụ; 5h15p ăn sáng rồi về thay trang phục; 5h45p lấy vũ khí ra thao trường để 6h bắt đầu huấn luyện; 10h hết giờ huấn luyện; 14h10p lấy vũ khí và đi huấn luyện buổi chiều. 17h30 kết thúc huấn luyện chiều, Bắc thường tự chạy bộ, rèn luyện thể lực thêm 1 tiếng nữa rồi về tắm giặt, ăn cơm tối. 20h30 điểm danh xong mới tranh thủ gọi điện về nhà xem con cái, bố mẹ ở nhà thế nào.
Con gái của Bắc đang bước vào tuổi dậy thì, rất cần mẹ ở bên thì Bắc lại vắng nhà. Bắc kể: “Lúc em đi con chuẩn bị thi học kỳ và chuyển cấp. Mấy ngày đó em thường học online cùng con. Ngày con tốt nghiệp tiểu học, lớp tổ chức chụp ảnh kỷ niệm mà mẹ không có nhà. Con gọi điện nói: “Mẹ ơi, mai con chụp ảnh mà không có ai tết tóc cho con”, em lại điện nhờ đồng nghiệp ở nhà giúp cháu để cháu đỡ tủi thân”.
Thiếu tá Nguyễn Thị Bắc (người thứ tư) tập luyện cùng đồng đội
“Con gái em bảo tuy nhớ mẹ nhưng con cũng tự hào có mẹ đi trong hàng ngũ diễu binh, diễu hành. Mẹ cố gắng luyện tập để ngày 2/9 con thấy mẹ trong khối diễu binh, diễu hành phát trên tivi. Khi đó con sẽ khoe với các bạn, có mẹ tớ trong đấy. Lời nói của con như tiếp thêm động lực để em luyện tập cho tốt, làm đẹp đội hình, đáp ứng sự kỳ vọng mà nhân dân cả nước đang trông đợi”, Thiếu tá Nguyễn Thị Bắc chia sẻ với sự quyết tâm.
Để được chọn vào đội diễu binh, nữ quân nhân phải qua khâu tuyển chọn rất kỹ lưỡng. Trước tiên là phải đảm bảo về quân dung: chiều cao, dáng đứng, tác phong chuẩn mực. Sau đó là đến yếu tố hình thể, tuổi dưới 40, sức khỏe phải tốt để đảm bảo chịu được quá trình luyện tập dài ngày dưới thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, thành tích trong công tác cũng là một tiêu chí quan trọng. Những người được chọn thường là người có tinh thần trách nhiệm cao, kỷ luật tốt và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bởi thế, khi được vào trong đội tuyển, ai nấy luôn cố gắng, nỗ lực luyện tập cho tốt. Với họ đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là vinh dự, tự hào.
Nguyễn Vân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/nhung-bong-hong-thep-tren-thao-truong-tap-luyen-dieu-binh-post1213507.vov