Năm 2024, toàn tỉnh có 86.000 hộ chăn nuôi đạt tiêu chí chuồng trại hợp vệ sinh. Cùng với đó, trên 20% hộ đã đầu tư hệ thống biogas, 100% cơ sở chăn nuôi quy mô lớn có công trình xử lý chất thải… Những con số không chỉ phản ánh sự cải thiện về kỹ thuật sản xuất, mà còn cho thấy một quá trình thay đổi trong nhận thức, thói quen - bắt đầu từ chính nơi từng bị xem là dễ bỏ qua nhất trong các tiêu chí môi trường nông thôn.
Trang trại Hiếu Thảo (thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy) được thiết kế đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, đủ ánh sáng và không gian vận động cho vật nuôi.
Từ kỹ thuật đến thói quen
Chăn nuôi chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hòa Bình. Toàn tỉnh hiện có khoảng 120.000 hộ chăn nuôi, trong đó 86.000 hộ - tương đương hơn 70% đã đạt tiêu chí chuồng trại hợp vệ sinh theo quy định. Đây không chỉ là con số tích lũy kỹ thuật, mà còn là kết quả của nhiều năm tuyên truyền, hỗ trợ cải tạo hạ tầng chăn nuôi từ cấp xã đến hộ. Đáng chú ý, 100% cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đã xây dựng công trình xử lý chất thải, nước thải theo hướng tuần hoàn, khép kín. Trong khối hộ cá thể, hơn 20% đã chủ động đầu tư hệ thống biogas - giải pháp giúp xử lý phân thải tại chỗ, đồng thời cung cấp nhiên liệu sạch cho sinh hoạt gia đình. Ngoài ra, tỉnh hiện có 28 điểm giết mổ tập trung và 22 cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Việc khuyến khích chuyển đổi từ giết mổ nhỏ lẻ sang mô hình tập trung vừa đảm bảo vệ sinh, đồng thời giúp kiểm soát tốt hơn nguồn thải ra môi trường.
Những con số cho thấy một chuyển động đáng mừng trong nhận thức: những tiêu chí môi trường không còn là yêu cầu từ bên ngoài, mà trở thành lựa chọn của chính người dân.
"Từ khi có hầm biogas, nhà tôi không phải đun củi nữa, sân chuồng cũng bớt bẩn. Làm xong rồi mới thấy cái lợi không chỉ ở môi trường mà cả sức khỏe người trong nhà”, ông Vũ Quang Thụy, hộ chăn nuôi tại xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình chia sẻ.
Tỷ lệ hộ dân có hầm biogas tăng nhanh trong 2 năm gần đây là tín hiệu đáng mừng. Theo đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, khi người dân nhìn thấy lợi ích thiết thực từ việc xử lý chất thải họ sẽ chủ động làm, không cần vận động nhiều. Từ kỹ thuật đến thói quen, đó là bước chuyển lớn nhất trong hành trình giữ gìn môi trường nông thôn bền vững.
Chuyển biến ấy dù chưa đều khắp, nhưng dần hình thành nếp sống mới - nơi chăn nuôi không chỉ là làm ra sản phẩm, mà còn đi cùng trách nhiệm với môi trường sống xung quanh.
Khi giữ môi trường là lựa chọn sống
Trong 129 xã của tỉnh Hòa Bình, đến cuối năm 2024 đã có 107 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, chiếm gần 83%. Đây là một trong những tiêu chí được đánh giá là khó, đòi hỏi cả hạ tầng kỹ thuật, hành vi sản xuất và nhận thức cộng đồng.
Những chuyển biến này là đáng ghi nhận, bởi chính những con số đó đã cho thấy nỗ lực không nhỏ trong cải thiện điều kiện sống ở nông thôn. Nhưng nếu bóc tách từng nội dung cụ thể, có thể thấy mức độ đạt chuẩn vẫn chưa đồng đều. Như tỷ lệ hộ chăn nuôi có hầm biogas toàn tỉnh hiện đạt trên 20%. Mức này cao hơn trung bình nhiều tỉnh miền núi, nhưng đồng nghĩa vẫn còn khoảng 80% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tiếp cận được công nghệ xử lý chất thải tại chỗ. Ở cấp cơ sở, 100% cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đã xây dựng công trình xử lý chất thải. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ tổng số hộ, chủ yếu tập trung tại các huyện: Lương Sơn, Yên Thủy, Cao Phong. Việc mở rộng mô hình này đến các hộ quy mô nhỏ, lẻ - vốn chiếm đa số, vẫn là khoảng trống cần lấp đầy…
Theo đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chuyển biến lớn nhất không phải là bao nhiêu hầm biogas được xây, mà là "bao nhiêu người tự nguyện thay đổi cách chăn nuôi sạch - bền”. Đồng chí nhấn mạnh: "Nếu coi môi trường là tiêu chí để đạt thì thay đổi chỉ đến một chừng mực. Nhưng nếu coi đó là lựa chọn sống thì mới giữ được lâu dài”.
Ở những vùng quê đang từng bước thay đổi, môi trường không còn là chuyện của riêng ngành nông nghiệp - môi trường. Đó là chuyện của từng hộ dân, từng cách xử lý chất thải, từng bãi rác được gom gọn lại và từng thói quen mới được hình thành.
Khi lựa chọn sống xanh được lặp lại đủ lâu, ở đủ nhiều người thì đó không còn là chuyển biến mà là nền nếp. Và có lẽ, nền nếp ấy mới chính là thứ sẽ bền hơn bất kỳ tiêu chí nào
Minh Vũ