Những bước tiến vững chắc trong Dự án phát triển mỏ khí Lô B

Những bước tiến vững chắc trong Dự án phát triển mỏ khí Lô B
18 giờ trướcBài gốc
Những bước tiến lớn
Với mục tiêu có Dòng khí đầu tiên (FG) vào tháng 08/2027 được Tập đoàn và các Bên phê duyệt, trong năm 2024, PQPOC đã tập trung triển khai khối lượng công việc rất lớn bao gồm các gói thầu EPCI#1 và EPCI#2 giai đoạn trao thầu hạn chế (LLOA) và sau đó trao thầu đầy đủ (Full LOA), đồng thời tiến hành công tác đấu thầu gói thầu FSO và các gói thầu phụ trợ khác; hoàn thành chiến dịch thu nổ địa chấn 3D trước thời hạn, chuẩn bị các gói thầu khoan.
Ông Phạm Xuân Phúc - Tổng Giám đốc PQPOC thông tin về tiến độ triển khai Dự án phát triển mỏ khí Lô B tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 của Petrovietnam.
Thông tin cụ thể về Dự án Phát triển mỏ Khí Lô B, Tổng giám đốc PQPOC Phạm Xuân Phúc cho biết, đến thời điểm 13/12/2024, tiến độ tổng thể gói EPCI#1 đạt 12,82%, gói EPCI#2 đạt 24,39%; các công tác thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, chế tạo đang theo đúng kế hoạch tiến độ đề ra. Giữa tháng 12/2024, Dự án đã đạt cột mốc 01 triệu giờ an toàn đầu tiên; trước đó, Lễ khởi công chân đế giàn CPP (gói EPCI#1) và các dự án thành phần (thuộc gói EPCI#2) đã diễn ra thành công vào ngày 18/09/2024. PQPOC cũng đã hoàn thành 2900 km2 công tác thu nổ và xử lý tài liệu địa chấn 3D vào cuối tháng 8/2024; dự kiến sẽ hoàn thành công tác xử lý PSTM vào tháng 04/2025 và PSDM vào tháng 11/2025.
PQPOC triển khai chiến dịch thu nổ địa chấn 3D tại khu vực phát triển ngoài khơi của Lô B, 48/95 và 52/97.
Về hệ thống quản trị, lãnh đạo PQPOC cho biết công ty đã không ngừng cải thiện và hoàn thiện các quy trình, quy chế theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời xây dựng và áp dụng hệ thống ISO một cách bài bản. PQPOC tập trung mạnh vào việc thiết lập khung và hệ thống quản trị rủi ro, đảm bảo phù hợp với chiến lược và chương trình quản trị rủi ro của Tập đoàn. Song song đó, Công ty kiên định thực hiện chương trình chuyển đổi số theo định hướng chiến lược. Các phân hệ quan trọng như Tài chính kế toán (FICO), An toàn sức khỏe môi trường (HSE), Quản trị tài sản doanh nghiệp (Enterprise Asset Management), Quản lý nhân sự (HRIS), và phần mềm quản lý Chương trình Hoạt động - Ngân sách (BMS) đều được triển khai đồng bộ. Ngoài ra, PQPOC cũng đầu tư phát triển các phần mềm chuyên ngành hỗ trợ địa chất, công nghệ mỏ, khoan và hoàn thiện giếng, với trọng tâm là ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin luôn vận hành an toàn và bảo mật.
PQPOC cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, với 586 lượt cán bộ nhân viên tham gia 61 khóa học nhằm cập nhật kiến thức, nâng cao chuyên môn, phát triển kỹ năng làm việc và kỹ năng lãnh đạo. Các chương trình đào tạo nội bộ được khuyến khích, song hành cùng việc ứng dụng công nghệ mới và phát huy sáng kiến khoa học trong công việc. Song song đó, các công tác Đảng, Đoàn, Công đoàn cũng được công ty thực hiện một cách nghiêm túc và trách nhiệm. Các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì sôi nổi và tích cực, kết hợp chặt chẽ cùng việc triển khai Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam. Với phương châm hành động “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả” và tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”, PQPOC không ngừng lan tỏa giá trị văn hóa tích cực trong toàn thể cán bộ, nhân viên.
PQPOC thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số và ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa công tác quản lý và vận hành dự án.
Nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ
Trong năm 2024, Dự án phát triển mỏ khí Lô B đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 của PQPOC, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã đánh giá cao những thành tựu mà đơn vị đạt được trong năm vừa qua, thể hiện nỗ lực tập trung vào các mục tiêu dài hạn của tập thể lãnh đạo, CBNV-NLĐ PQPOC.
Ngoài ra, ông Lê Mạnh Hùng cũng lưu ý PQPOC các vấn đề ưu tiên cho giai đoạn tới, bao gồm việc tăng cường nhận thức về vai trò, quy mô, và tầm quan trọng của dự án đối với mỗi cá nhân tham gia. Đơn vị cần tập trung vào quản trị toàn diện, bảo đảm tính đồng bộ giữa các thành phần dự án. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, phân tích dữ liệu địa chấn, là cần thiết để tối ưu hóa công tác triển khai và quản lý dự án.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhấn mạnh, những thách thức của dự án cũng là cơ hội để chứng minh năng lực nội tại của ngành Dầu khí Việt Nam. Sự đồng lòng, quyết tâm và quản trị hiệu quả sẽ giúp dự án cán đích đúng tiến độ, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công giàn CPP Dự án phát triển mỏ khí Lô B
Năm 2025, hoạt động SXKD của PQPOC sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố phức tạp. Nhu cầu gia tăng từ các dự án dầu khí và chuyển dịch năng lượng toàn cầu đẩy áp lực giá cả lên cao. Bất ổn địa - chính trị kéo dài gây gián đoạn chuỗi cung ứng, trong khi cạnh tranh nguồn lực trong khu vực, từ tài chính, lao động đến vật tư thiết yếu, cũng trở nên khốc liệt. Những thách thức này đòi hỏi PQPOC phải chủ động linh hoạt và có những chiến lược ứng phó hiệu quả.
Bám sát mục tiêu có Dòng khí đầu tiên (FG) vào tháng 8/2027, PQPOC đã đề ra Chương trình Hoạt động và Ngân sách 2025; trong đó tập trung vào triển khai mua sắm và chế tạo cho hai gói EPCI#1 và EPCI#2, đánh giá và trao thầu gói FSO, cùng các gói phụ trợ khác như IVS, CAR, MWS, QAQC. Công tác xử lý tài liệu địa chấn 3D dự kiến sẽ hoàn thành PSTM vào tháng 4/2025 và PSDM vào tháng 11/2025, cùng với nghiên cứu địa chất - công nghệ mỏ. PQPOC cũng đẩy mạnh đấu thầu phục vụ khoan và hoàn thiện giếng, chuẩn bị chiến dịch khoan vào Quý I/2026. Các công tác vận hành khai thác (Pre-OPS) sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng, song song với việc nâng cao năng lực quản trị, kiện toàn tổ chức và kiên trì thực hiện chuyển đổi số.
Cắt thép khởi công chân đế giàn CPP (gói EPCI#1) và các dự án thành phần (thuộc gói EPCI#2).
Để đảm bảo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong năm 2025, PQPOC tập trung triển khai một loạt giải pháp đồng bộ. Công ty ưu tiên xây dựng các cơ chế thu hút nhân sự phù hợp, đảm bảo đội ngũ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn sáng về đạo đức; xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, lấy chuyển đổi số làm nền tảng. Về mặt quản trị công việc, PQPOC tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: tiến độ, chi phí và giao diện. Công ty xây dựng kế hoạch đồng bộ giữa các khâu trong dự án, phân bổ nguồn lực hợp lý, giám sát chặt chẽ việc triển khai và chủ động quản lý các biến động có thể xảy ra. PQPOC không chỉ kiểm soát chi phí cơ bản mà còn bao gồm cả các khoản phát sinh. Quản trị chất lượng và an toàn cũng được chú trọng, với việc hoàn thiện đầy đủ các quy trình cần thiết, đảm bảo mọi khâu trong dự án đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn. Ngoài ra, đơn vị sẽ thường xuyên nhận diện đầy đủ các vấn đề liên quan giữa các dự án thành phần trong chuỗi, phân công đầu mối quản lý rõ ràng và giám sát thường xuyên để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả.
Đặc biệt, PQPOC cũng sẽ xây dựng cơ chế trao quyền tự chủ, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên nghiên cứu và phát huy các sáng kiến, sáng chế, nhằm tạo ra giá trị gia tăng tại từng khâu của dự án. Chiến lược chuyển đổi số tiếp tục được hoàn thiện và triển khai kiên trì, hỗ trợ quản lý điều hành dự án một cách thông minh và hiệu quả nhất.
PQPOC được tuyên dương đơn vị có thành tích xuất sắc, dẫn đầu trong công tác đầu tư năm 2024.
Với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”, vượt qua năm 2024 với nhiều dấu mốc quan trọng, PQPOC tiếp tục khẳng định quyết tâm vượt qua mọi thách thức, chung sức vì thành công chung của dự án. Đây không chỉ là động lực để phát triển mà còn là nền tảng vững chắc đưa PQPOC và Dự án phát triển mỏ khí Lô B tiến xa hơn, đóng góp tích cực vào tương lai xanh của ngành năng lượng và sự thịnh vượng chung của đất nước./.
Trúc Lâm
Nguồn PetroTimes : https://petrovietnam.petrotimes.vn/nhung-buoc-tien-vung-chac-trong-du-an-phat-trien-mo-khi-lo-b-722569.html