Một chiếc máy bay có dán dòng chữ Trump hạ cánh ở Nuuk, Greenland, vào ngày 7/1. Ảnh: AFP.
Nếu ông Donald Trump thực sự quyết tâm kiểm soát hòn đảo lớn nhất thế giới, ông có thể cố gắng mua hoàn toàn hòn đảo này nếu nó tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch. Ông có thể tìm cách biến nó thành một khối thịnh vượng chung như Puerto Rico. Hoặc ông có thể đưa Greenland vào một thỏa thuận giống như Mỹ đã thực hiện với Micronesia và Quần đảo Marshall, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận tự do để đổi lấy hỗ trợ quốc phòng và tài chính.
Nếu không thể mua Greenland, ông có thể cố gắng bổ sung thêm nhiều căn cứ để theo dõi Nga và Trung Quốc gần đó. Và nếu người dân Greenland đồng ý – cũng có thể không – ông có thể tìm cách thực thi nhiều quyền lực hơn trên hòn đảo này.
Đây là những gì vị Tổng thống sắp nhậm chức có thể làm để thay đổi mối quan hệ của Mỹ với Greenland - và những rào cản mà ông đang gặp phải.
Mua lại hòn đảo
Alex Gray, Chánh văn phòng Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Trump đầu tiên, cho hay, những người trong vòng thân cận của ông Trump thực sự đang bắt đầu suy tính nghiêm túc về các cuộc đàm phán để biến hòn đảo này trở thành lãnh thổ của Mỹ, một phần trong nỗ lực định hướng lại chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Tây bán cầu khi Trung Quốc và Nga để mắt về khu vực này.
“Tôi không nghĩ rằng ông ấy có thể mua nó trực tiếp được”, ông Gray nói.
Ông chỉ ra việc Đan Mạch mua lại St. Croix từ Pháp vào thế kỷ 17. Lãnh thổ này được Mỹ mua như một phần của hiệp ước năm 1916 và hiện là một phần của Quần đảo Virgin.
Mua Greenland không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới. Nhiều thập kỷ trước, Mỹ đã đề nghị mua lại hòn đảo này từ Đan Mạch, một kế hoạch bí mật nhưng được tiết lộ vào những năm 1990.
Nhưng kể cả khi Greenland được bán, nhiều người dân trên đảo vẫn đặt câu hỏi liệu họ có muốn trở thành một phần của nước Mỹ hay không. Thủ tướng của hòn đảo, người đã kêu gọi độc lập khỏi Đan Mạch trong thập kỷ tới, đã nói rằng Greenland “không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán”.
Ngay cả các đồng minh của ông Trump cũng thừa nhận rằng cuộc đàm phán về số phận của Greenland sẽ gặp khó khăn vì những tác động kinh tế to lớn: Greenland có hàng tỷ khoáng sản và hydrocarbon chưa được khám phá bị chôn vùi bên dưới những tảng băng Bắc Cực đang tan chảy.
Trên giấy tờ, Greenland đã có nhiều quyền lực của một quốc gia độc lập. Đây là khu vực tự trị của Đan Mạch, bởi vậy hòn đảo quyền tự trị rộng rãi. Điều này có nghĩa là họ có thể bầu ra các nhà lãnh đạo của chính mình trong khi Copenhagen xử lý chính sách đối ngoại và quốc phòng.
“Tôi khá tin tưởng rằng chính phủ Đan Mạch, như chúng ta đã nghe họ nói, không nghĩ rằng họ có thẩm quyền pháp lý để bán Greenland cho bất kỳ ai”, Scott Anderson, cựu luật sư Bộ Ngoại giao Mỹ và chuyên gia an ninh quốc gia, cho biết. “Đan Mạch không sở hữu nó”.
Thủ tướng Greenland Mute Egede phát biểu trong cuộc họp báo ở Nuuk, Greenland, vào ngày 15/3/2024. Ảnh: AFP.
Mỹ đã không mua lãnh thổ kể từ khi giành được Philippines từ tay Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19. Và luật pháp quốc tế đã quy định việc mua, bán hoặc chiếm lãnh thổ là điều cấm kỵ - nếu không muốn nói là hoàn toàn bất hợp pháp.
“Nếu nó không được quốc tế công nhận là hợp lệ và hợp pháp, thì điều đó sẽ gây ra đủ loại rắc rối trong việc thực sự được hưởng lợi từ mối quan hệ đó với Greenland”, ông Anderson nói.
Chiếm đảo bằng vũ lực
Một cuộc xâm lược quân sự, điều mà ông Trump không loại trừ, sẽ khiến thế giới phẫn nộ.
Brian Finucane, cựu cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao dưới ba đời Tổng thống Mỹ, cho biết: “Lời hùng biện này của ông Trump là đáng lo ngại vì ông ấy là Tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ và bản thân lời nói của ông ấy đã gây ra những hậu quả trong quan hệ đối ngoại”.
Đạt được một thỏa thuận
Ngay cả khi Greenland quyết định độc lập, Mỹ vẫn có thể tìm cách thực hiện quyền kiểm soát nhiều hơn đối với hòn đảo này.
Mỹ có những thỏa thuận được gọi là Hiệp ước Liên kết Tự do với Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau ở các đảo phía tây Thái Bình Dương.
Một thỏa thuận tương tự với Greenland sẽ mang lại cho Mỹ quyền tiếp cận quân sự độc quyền và quyền quyết định quốc gia nào khác có thể đóng quân ở hòn đảo này. Nó có thể mang lại cho Lầu Năm Góc một chỗ đứng lớn hơn trong khu vực, đồng thời ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các tuyến đường vận chuyển ở Bắc Cực khi băng ở khu vực tan chảy, cũng như các căn cứ không quân và hải quân của Nga ở Murmansk, trên Bán đảo Kola gần đó.
Nó tương tự như mối quan hệ giữa Greenland với Đan Mạch hiện nay, ngoại trừ việc cả ba quốc gia ở Thái Bình Dương đều là những quốc gia độc lập. Chính quyền Trump trước đây đã cân nhắc ý tưởng ký liên kết như vậy với Greenland trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Một số cựu quan chức Mỹ cho rằng mô hình này có thể giảm bớt áp lực lên Copenhagen vì hòn đảo này có diện tích gấp khoảng 50 lần diện tích Đan Mạch. Quân đội của Đan Mạch thậm chí còn nhỏ hơn lực lượng cảnh sát thành phố New York.
“Đan Mạch hiểu rằng Greenland sắp giành được độc lập”, ông Gray nói. “Họ hiểu rằng họ không có khả năng bảo vệ Greenland sau độc lập”.
Nhưng sau khi lời đe dọa ngầm của ông Trump về hành động quân sự nhằm chiếm Greenland gây ra cảnh báo từ cả Đức và Pháp, việc Mỹ thậm chí giúp hòn đảo này tách ra khỏi Đan Mạch cũng có thể gây ra những hậu quả về mặt ngoại giao.
Những ngôi nhà của người dân trên đảo Greenland. Ảnh: Reuters.
Phô diễn một chút sức mạnh cơ bắp
Nếu ông Trump không thể mua Greenland hoặc đưa nó vào một thỏa thuận quốc phòng, Tổng thống đắc cử có thể bổ sung thêm nhiều căn cứ của Mỹ ở đó.
Các đồng minh của Mỹ và NATO có những lỗ hổng đáng kể trong phạm vi giám sát ở các khu vực của Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Mỹ có thể bổ sung thêm các hệ thống cảm biến phức tạp hơn vào các radar cảnh báo sớm mà Lầu Năm Góc đã lắp đặt tại Căn cứ Không gian Pituffik, trên mũi phía tây bắc của Greenland.
Jim Townsend, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, người từng làm việc về chính sách phòng thủ của NATO và Bắc Cực, cho biết: “Na Uy giám sát nó, chúng ta cũng giám sát nó. Điều này sẽ lấp đầy một khoảng trống. Nó rất quan trọng”.
Ông Gray, cựu quan chức chính quyền Trump, cho rằng việc ngăn chặn Nga và Trung Quốc khai thác Greenland là vì lợi ích của nước Mỹ. “Đan Mạch hiểu rằng một Greenland dễ bị ép buộc không có lợi cho họ cũng như lợi ích của chúng ta”, ông nói.
Huyền Chi