Không khí chuẩn bị đón Tết bây giờ có vẻ không còn rạo rực, rộn ràng như trước nữa…
Câu đối mỗi khi Tết về: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh..." thì vẫn còn, nhưng không còn trở nên quan trọng, cấp thiết và đôi khi là cả niềm tự hào đối với mọi nhà. Mọi vật phẩm cho Tết của từng nhà ngày nay được chuẩn bị sẵn ở "chợ mạng" và siêu thị, chỉ cần một tin nhắn hay cuộc gọi video là có ngay vật phẩm như ý. Những năm 2000 về trước, có lẽ tháng chạp là những ngày hối hả, bận rộn và vất vả nhất trong năm; không chỉ nhà tôi mà hầu như cả làng bận tới mức "tối mặt tối mày" để chạy vạy lo toan sắm sửa cho một cái Tết với ý nghĩa linh thiêng và trang trọng nhất.
Nỗi lo trước tiên của tháng chạp là phải gieo cấy cho xong mùa vụ đông - xuân. Từ gà gáy khi chưa thấy mặt người, cả nhà từ ông bà cha mẹ cho tới con cháu đều phải tất bật cho vụ cấy, vụ khoai đông; mỗi người một việc, người lớn ra đồng làm đất, cày cấy, người già lo việc nhà, trẻ em lo học hành và phụ việc quét dọn, chăn trâu cắt cỏ...
Người Việt Nam vẫn giữ tập tục gói và nấu bánh chưng, bánh tét vào những ngày sát Tết. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Thường thì, tháng chạp, người dân ở quê tôi vừa đi làm đồng cày cấy vừa phải lo sắm chuẩn bị Tết. Trước hết là việc chuẩn bị củi nấu bánh chưng, củi để giữ lửa. Cái khó nhất của chuẩn bị củi là gặp trời không có nắng. Củi mà không được hong khô thì kéo theo những gian nan của tháng chạp sang tận tháng giêng. Người người, nhà nhà lo chuẩn bị củi, cái đun từ đầu chạp. Củi chặt trong vườn nhà hoặc kéo xe cải tiến lên trên rú Hống (dãy Hồng Lĩnh) vào trong cửa Trẹm để lấy củi, lấy cái đun cho qua Tết đến hết tháng giêng. Gặp năm trời mưa, không có nắng thì buộc phải đem củi dựng khắp mọi xó nhà rồi gác lên giàn bếp để hong. Năm nào củi không thật khô thì khi nấu bánh chưng, ủ bếp giữ lửa khói bay đặc nhà…
Không chỉ nhà tôi mà hầu như cả làng bận tới mức "tối mặt tối mày" để chạy vạy, lo toan sắm sửa cho một cái Tết với ý nghĩa linh thiêng và trang trọng nhất.
Tết là phải lo lá dong, lá chuối gói bánh chưng, bánh tét, rồi lo bánh mứt, rim gừng, xôi chè. Ai cũng lo dự trữ ít lít mật mía, vài ký đường để nấu đủ thứ phẩm vật dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà; chuẩn bị mọi gia vị, mì chính, hành khô, hạt tiêu, ớt tỏi, chục ký nếp, chục ký gạo, đậu xanh, lạc, trầm hương… Từ mùng mười tháng chạp, nhà nhà rộn ràng chuẩn bị mọi việc cho Tết. Trước đây còn lo cuốn pháo, đi đào cây trầm trên núi Hống về cuộn hương trầm; đi dọc đường làng mũi ngào ngạt hương vị hương trầm, rim gừng, bánh kẹo xen lẫn mùi khói đốt dọn ngõ, vườn.
Cuối cùng là cái quan trọng bậc nhất và khâu cuối cùng thường được cha bàn với mẹ sắp đặt đâu vào đấy là rượu, thịt. Rượu Tết do mẹ tôi tự mua men về ủ với cơm nếp lứt, khi lên men, cơm rượu chín, chưng cất qua nồi cách thủy truyền thống. Ngày xưa người ta không uống rượu bia nhiều như bây giờ, nhưng ba ngày Tết mà không có rượu thì "vô tửu bất thành lễ". Rượu cho ta cảm giác thăng hoa. Tết nhất không rượu, khách tới nhà dù có nhiệt tình đến đâu vẫn có cảm giác thiếu mặn mà. Rượu được chưng qua nồi cách thủy, để nguội rồi cho vào chai thủy tinh, dùng lá chuối khô làm nút rồi vùi vào rương lúa. Rượu mẹ tôi nấu trong vắt như nước suối trên đại ngàn Trường Sơn, nhấp một chút cảm giác cay mà ngọt, nồng nồng, chỉ vài chén mắt trâu là khuôn mặt hồng hào lên trông rất khí thế, nói năng trở nên mạnh mẽ, đầy dũng khí ngày xuân! Cái hay và tuyệt vời của rượu chưng cất từ nếp theo phương pháp cổ truyền xưa là uống say mà ngủ tỉnh dậy không đau đầu và sớm có được cảm giác tỉnh táo sau khi uống vài giờ.
Còn thịt, thì có thị gà, thịt bò hoặc thịt trâu, thịt lợn và cá. Thịt gà nhà nuôi được thì càng ngon, không nuôi được thì đặt nhà hàng xóm, bí quá thì ra chợ mua. Thịt bò (thịt trâu), thịt lợn là chung đụng (xưa thì hợp tác xã chia) cùng bà con lối xóm. Thường nhà tôi mỗi Tết khoảng 2 ký thịt bò hoặc thịt trâu, 5 con gà chừng 10 ký, cá biển hoặc cá đồng chừng 2 ký. Thịt lợn thì nhiều hơn, cha tôi chung với 3 gia đình khác mua một con lợn rồi mổ ra chia làm bốn phần bằng nhau, mỗi phần ai cũng có xương, thịt, lòng để làm giò chả, canh xương, hầm nhừ, phay lụi… Những ngày trước 30 Tết là mổ bò, mổ trâu, mổ lợn chia nhau, lũ trẻ chúng tôi hết đi xem mổ trâu chỗ này đến xem mổ bò chỗ kia. Hằng đêm, khi tiếng gà gáy canh đầu lẫn tiếng lợn la eng éc… lũ trẻ cũng được gọi dậy để ăn lòng, ăn cháo và tranh nhau cái bong bóng lợn để làm bóng đá. Không biết do đói và khát hay lý do gì mà ngày đó ăn miếng lòng lợn sao mà ngon đến lạ, ngon hơn bất cứ món gì tôi ăn hôm nay...
Có thịt, cha tôi cặm cụi làm đủ món, thịt đông, giò nạc, thịt rim, kho tàu, phần để gói bánh chưng… tất thảy được ông làm hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, chỉn chu.
Để có một cái Tết đúng chất cổ truyền, tháng chạp bao nỗi lo toan vất vả của rất nhiều người, nhưng thấy ai cũng hết sức phấn chấn, háo hức với tinh thần cao nhất, tất cả để có một cái Tết đủ đầy và tươm tất, ấm áp nhất.
Nguyễn Bá Thuyết