Những cánh bay chăm vườn

Những cánh bay chăm vườn
9 giờ trướcBài gốc
Với nhiều tiện ích, hiệu quả lớn trong chăm sóc cây trồng, đặc biệt là những diện tích cây trồng lớn, drone (máy bay không người lái) nông nghiệp đang được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng nhằm giải phóng sức lao động trong nông nghiệp.
Những người tiên phong
Ngoài 60 tuổi, hơn 40 năm gắn bó với nương rẫy, ruộng vườn, ông Trần Văn Chánh (thôn Xuân Lập, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm) chưa từng nghĩ có ngày ông lại sắm chiếc drone để chăm sóc rẫy xoài rộng hơn 4ha. Cũng như hầu hết nông dân nơi đây, gia đình ông đã quá quen thuộc với cuốc, xẻng, dao phát và bình xịt. Việc chăm sóc hàng nghìn cây xoài, trước đó là chuối, mì… trong hầu hết các công đoạn đều bằng sức người. Bây giờ thì đã khác, máy móc đã giải phóng rất nhiều sức lao động cho con người. Máy đào hố trồng cây, múc rãnh thoát nước, máy xới đất, vun gốc, làm cỏ… Và ít năm trở lại đây, chiếc drone nông nghiệp xuất hiện, làm được rất nhiều việc. Theo anh Trần Hoài Nhân, con trai ông Chánh, tùy vào công suất, drone có thể tải được 20 - 50 lít nước, phun được tất cả các loại thuốc phòng trừ dịch hại, sâu bệnh, dưỡng chất, phân bón lá…
Nhiều nông dân ở các địa phương đến tìm hiểu chiếc drone nông nghiệp của gia đình ông Chánh.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Xẽ ở thôn Va Ly, xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm cũng mua chiếc drone. Máy có thể "cõng" 40 lít nước, nhấn nút một cái là cất cánh bay đi phun theo lập trình, phun hết cơ số thuốc cần thiết lại tự động quay trở về để nông dân tiếp thêm. Trên màn hình tay cầm điều khiển drone là hình ảnh toàn cảnh khu vườn theo dạng bản đồ, được chia thành nhiều ô nhỏ. Nông dân chấm vào ô nào, máy sẽ làm ô đó với tần suất, lưu lượng, thời gian được cài đặt từ trước. Cứ 30 phút, chiếc máy phun tưới xong 1ha xoài.
Ngược lên cao nguyên Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, nơi có những vườn sầu riêng bạt ngàn tươi xanh. Những nông dân ở đây có diện tích cây trồng tương đối lớn đều đã sắm riêng cho mình những chiếc drone để chăm sóc. Tiếng vù vù cánh quạt đã dần trở nên quen thuộc ở các nương rẫy vùng đất này. “1 ngày, drone có thể làm xong từ 7 - 10ha, trong khi người làm có khi mất cả tháng. Ở đây bây giờ đã có hàng chục hộ nông dân sắm drone để chăm sóc sầu riêng” - ông Đào Văn Yến ở xã Sơn Bình, một trong những nông dân đầu tiên ở huyện Khánh Sơn mua drone nông nghiệp cho biết.
Theo các nông dân nơi đây, chiếc máy có thể lập trình theo từng vùng. Chỗ nào phun ít, phun nhiều đều có thể tính toán, lập trình được. Không chỉ khoa học, hiệu quả, quan trọng hơn, nông dân không còn phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật như trước đây. Cây sầu riêng khá cao, việc chăm sóc gần như quanh năm. Chưa kể những lúc nảy chồi, đơm bông, dưỡng trái, sau đợt thu hoạch… đều phải chăm sóc nhiều hơn. Do vậy, chiếc drone giúp ích rất nhiều, nhất là trong bối cảnh công lao động nông nghiệp ngày càng khó tìm.
Thu hút người trẻ
Không chỉ phát huy hiệu quả trong chăm sóc cây trồng, chiếc drone - hay nói rộng hơn là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào nông nghiệp - đang là sợi dây, là một trong những hấp lực để kéo các bạn trẻ về lại với ruộng vườn. Như vườn xoài nhà ông Chánh, ông Xẽ đạt chuẩn VietGAP, được kinh doanh theo nhiều phương thức, trong đó có cả bán hàng online, được ứng dụng máy móc, thiết bị tự động vào sản xuất… đều có dấu ấn của người trẻ. Ông Chánh cho biết, chiếc drone như sợi dây kết nối ông với con trai. Mỗi đợt dùng máy, ông đảm nhận việc pha thuốc, châm nước; con trai ông cầm chiếc điều khiển, đưa chiếc drone như con thoi ngược xuôi chăm cây xoài. Các con cũng có mối quan hệ rộng hơn, lập thành nhóm, thành đội drone, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Anh Nguyễn Hữu Nhất mua drone về chăm lúa và bay dịch vụ cho bà con trong vùng.
Tương tự, ở vườn xoài nhà ông Xẽ, chiếc drone là cú hích, giúp con trai ông “chịu” về vườn chăm 7ha xoài của gia đình. “Việc sử dụng máy cũng không quá phức tạp. Khi mua máy, cán bộ kỹ thuật của hãng đến tận nơi, cầm tay chỉ việc cho mình, vài bữa là nắm bắt được cơ bản, rồi mày mò học thêm. Nhiều công đoạn, nông dân có thể thiết lập cho drone làm việc tự động. Bây giờ không chỉ bay tưới ruộng vườn, lâu lâu tôi còn mang máy đi “cõng” cờ, phướn… bay trong các dịp lễ hội" - anh Nguyễn Sơn Trung, con trai ông Xẽ hồ hởi.
Thấy bố mẹ chăm lúa, chăm xoài khổ cực, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Nhất (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) đã tích cóp, vay mượn mua chiếc drone để giúp bố mẹ đỡ cực. Anh còn dùng drone bay dịch vụ cho người dân trong vùng. Mỗi năm, có đến hàng trăm héc-ta lúa, bắp, dưa, mía, xoài… sử dụng dịch vụ drone của anh, trở thành mô hình khởi nghiệp của chàng thanh niên này.
Phát triển nhanh
3 năm đó là quãng thời gian định hình và phát triển việc ứng dụng drone nông nghiệp của nông dân Khánh Hòa. Diện tích sản xuất nông nghiệp, nhất là cây ăn quả được drone chăm sóc đang ngày một lớn hơn. Tại vườn xoài của ông Chánh, có hàng chục nông dân từ các địa phương lân cận, huyện Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa… tìm đến để mục sở thị chiếc drone nông nghiệp. Ông Trịnh Vinh (thôn Cây Xoài, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm) cho biết, đối với cây xoài, hầu như tháng nào người trồng cũng phải phun các chế phẩm chăm sóc, thuốc trừ sâu hại, đặc biệt là bọ trĩ. Nhà ông có 800 cây xoài. Cây cao bình quân 3 - 4m nên việc chăm sóc trên đọt rất khó khăn. Ông phải dùng sào, buộc bình xịt thuốc lên đầu sào rồi phun. 800 cây xoài nhà ông cũng phải mất hàng chục công lao động mới làm xong một đợt phun thuốc. Nghe nói ở đây người ta mua máy bay chăm xoài nên ông tới tìm hiểu, nghiên cứu để về mua 1 chiếc.
Một chiếc drone đang chăm sóc mía.
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Diên Lộc, Diên Khánh cho biết, sau quá trình tìm hiểu, dự kiến bắt đầu từ mùa vụ 2025, 287ha lúa của hợp tác xã sẽ được drone chăm sóc ở một số công đoạn như: Phun chế phẩm, phun thuốc phòng trừ sâu hại vì máy quá tiện lợi và hiệu quả. Tương tự, ông Đoàn Văn Hưởng - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và thu mua nông sản Hiệu Linh ở xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh cũng khẳng định, hợp tác xã có hơn 20ha bưởi da xanh. Đây là cây trồng khá mẫn cảm với các loại sâu hại, chưa kể mỗi kỳ đơm bông, kết trái đều phải xử lý. Nông dân tốn nhiều công sức chăm sóc. Do vậy, hợp tác xã đã tìm hiểu và quyết định sẽ trang bị drone chăm cây.
Theo ông Trương Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu ứng dụng drone vào chăm sóc cây trồng. Đặc điểm của drone là đòi hỏi vùng sản xuất phải tương đối lớn. Do vậy, cùng với đồng hành, khuyến khích, hỗ trợ hội viên, nông dân nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, chi - tổ hội, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tập hợp nông dân, nâng cao quy mô sản xuất. Từ đó, tạo thuận lợi trong việc ứng dụng máy móc, công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp.
HỒNG ĐĂNG
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202501/nhung-canh-bay-cham-vuon-0a01d24/