Những câu chuyện giáo dục truyền cảm hứng năm 2024

Những câu chuyện giáo dục truyền cảm hứng năm 2024
3 ngày trướcBài gốc
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi thư tay tới học sinh lớp 8 sau phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"
Trong buổi tọa đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 tại Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông), em Nguyễn Trần Bảo Thức, học sinh lớp 8A5, Trường THCS Lương Thế Vinh đã vinh dự nhận được món quà của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi tặng từ Hà Nội. Món quà gồm 3 cuốn sách về lịch sử Việt Nam và thế giới, kèm theo một cuốn sổ, bên trong có lá thư viết tay của Bộ trưởng.
Tháng 9 vừa qua, em Nguyễn Trần Bảo Thức đã tham gia chương trình phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em".
Trong lá thư, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn viết: Thầy rất ấn tượng với câu trả lời của em Nguyễn Trần Bảo Thức tại phiên họp Quốc hội giả định dành cho trẻ em. Em đã có những suy nghĩ và cảm nhận rất đúng về vai trò mang tính quyết định của chính người học đối với các vấn đề của chính mình. Sự tìm kiếm hạnh phúc và sự thành công trước hết và luôn luôn ở nơi chính mình.
“Chúc em luôn bản lĩnh, tự tin và luôn luôn hạnh phúc, luôn luôn thành công. Em có thể gọi điện và trao đổi với thầy bất cứ lúc nào, về bất cứ vấn đề gì, cả bây giờ và mai sau”, Bộ trưởng viết trong thư.
Lá thư tay được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tặng em Nguyễn Trần Bảo Thức
Trước đó, tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", khi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt câu hỏi "Khi phòng chống bạo lực học đường, vai trò của ai là quan trọng nhất?", Bảo Thức trả lời, vai trò quan trọng nhất là ở chính bản thân mỗi học sinh.
Em đưa ra lý do, khi những người trong cuộc không dám lên tiếng thì không ai biết và sẽ làm vấn nạn bạo lực học đường lan rộng hơn. Những học sinh chứng kiến bạo lực, những bạn bị bạo lực phải cùng lên tiếng với lãnh đạo nhà trường, với thầy cô và phụ huynh để bảo vệ nạn nhân, bảo vệ bản thân, không chọn cách im lặng trước nạn bạo lực học đường. Ngay sau câu trả lời của Bảo Thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu tham dự đã vỗ tay khiến em rất vui mừng.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - người “ông nội” nhận nuôi 22 đứa trẻ Làng Nủ
Nhắc đến thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội), nhiều người không còn lạ với những dự án thiện nguyện được thầy gửi đến các thầy trò, học sinh vùng khó. Gần đây nhất, thầy Khang đã nhận nuôi 22 học sinh may mắn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng diễn ra ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Trước đó, sáng 10.9, một trận lũ quét kinh hoàng bất ngờ kéo xuống, vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ với 37 ngôi nhà là nơi ở của 158 người. Thảm họa này cướp đi sinh mạng của 56 người dân Làng Nủ, 16 người bị thương.
Thầy Nguyễn Xuân Khang đã quyết định nhận “nuôi” 22 học sinh Làng Nủ, từ mầm non tới lớp 12, còn sống sót sau trận lũ quét rạng sáng 10.9. Trong danh sách có 12 bé gái, 10 bé trai; bé nhỏ nhất mới 3 tuổi, lớn nhất 17 tuổi. Có em mất cả bố mẹ, người thân; có em mất bố, hoặc mẹ, hoặc anh chị em ruột. Thầy Khang nhận nuôi các em từ nay đến hết 18 tuổi, bằng cách mỗi tháng gửi cho mỗi em 3 triệu đồng để ăn học. Ước tính, số tiền hỗ trợ cơ bản của thầy Khang tới các em khoảng 5,6 tỷ đồng, chưa tính các chi phí phát sinh.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội)
“Ngoài ra, trong quá trình phát triển, các con cần thêm gì, ông sẽ lo được”, thầy Khang nói và cho biết thêm, sau 15 năm nữa, tức phải đến năm 2039 dự án mới kết thúc, vì đó là thời điểm em bé nhỏ nhất trong danh sách tròn 18 tuổi, còn thầy bước vào tuổi 90. “Ông nội” Khang của 22 em bé Làng Nủ chia sẻ, giờ ông là người "ham sống" nhất, sống để thấy tất cả các con trưởng thành. Nhưng dù sau này ông phải đi xa thì gia đình ông và trường Marie Curie vẫn sẽ tiếp tục chăm sóc các con chu đáo theo nguyện vọng của ông. “Ông đủ lực để chăm sóc các con cho đến khi tất cả trưởng thành”, thầy Khang bày tỏ.
Đây không phải lần đầu tiên thầy Nguyễn Xuân Khang quyết định hỗ trợ học sinh vùng cao. Trước đó, năm 2022, thầy đã khởi xướng dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh tiểu học ở Mèo Vạc (Hà Giang) với kinh phí 2 tỷ đồng/năm. Dự án này kéo dài trong 3 năm và nhận được sự lan tỏa từ nhiều trường học khác.
Khi việc dạy tiếng Anh cho học sinh Mèo Vạc bước vào năm thứ hai, cũng là lúc thầy canh cánh nỗi lo khi kết thúc, Mèo Vạc lại khó khăn bởi vẫn thiếu giáo viên. Thầy Khang quyết định cấp học bổng đào tạo 30 sinh viên ngôn ngữ Anh là người địa phương theo hình thức “cử tuyển” và “xã hội hóa”, sau khi tốt nghiệp trở về giảng dạy tại quê hương. Với dự án này, Trường Marie Curie cấp học bổng tối thiểu 5 triệu/tháng/sinh viên trong 4 năm, bắt đầu từ tháng 12.2023. Dự án sẽ “nuôi” 30 sinh viên, dự tính kinh phí lên tới 6 tỷ - 12 tỷ đồng.
Những người thầy dành tặng hàng tỷ đồng tiền hưu trí ủng hộ hoàn cảnh khó khăn
Giữa tháng 9.2024, GS.TS Lê Ngọc Thạch, giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng đến một tòa soạn báo để gửi "chút yêu thương" ủng hộ đồng bào miền Bắc, khi ấy đang chịu thiệt hại nặng nề bởi bão Yagi. Sổ tiết kiệm này được GS.TS Lê Ngọc Thạch để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua.
GS.TS Lê Ngọc Thạch, giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Thấy đồng bào miền Bắc đang khổ sở vì bão lũ, ông không kiềm lòng được nên quyết định cầm sổ tiết kiệm của mình ủng hộ hết. Ông chỉ giữ lại phần tiền lãi để lo cho các chương trình thiện nguyện khác. Nói về việc dùng hết số tiền tiết kiệm của mình để trao đi, GS.TS Lê Ngọc Thạch cho rằng đó là những việc làm trong khả năng, những gì có thể làm ông sẽ cố hết sức. Với nhiều ý kiến lo ngại ông sẽ thiếu thốn sau này, ông cho biết sống một mình không chi tiêu nhiều và vẫn còn tiền lương hưu hằng tháng.
Được biết trước khi nghỉ hưu, GS.TS Lê Ngọc Thạch làm công tác quản lý và giảng dạy ở khoa hóa học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Trước đây, ông từng đóng góp hai lần vào giải thưởng Lê Văn Thới (giải thưởng tôn vinh những đề tài tốt nghiệp xuất sắc ở các bậc đào tạo trình độ Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, được thực hiện và bảo vệ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên). Lần 1 là 1,5 tỷ đồng, lần 2 là 500 triệu đồng. Ông cũng đóng góp vào giải thưởng hóa học xanh Lê Văn Thới của Hội hóa học TP. Hồ Chí Minh và nhiều hoạt động xã hội, cứu trợ khác.
Tháng 11.2024, trong buổi lễ kỷ niệm thành lập Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Đoàn Văn Điện - nguyên Hiệu trưởng nhà trường cũng dành 2 tỷ đồng tiền dành dụm của cá nhân ông để lập quỹ học bổng cho sinh viên nghèo. Số tiền này được ông ủy thác hoàn toàn cho Trường ĐH Nông lâm TP. Hồ Chí Minh để hàng năm trao học bổng cho sinh viên nghèo theo những tiêu chuẩn mà hai bên bàn bạc khi lập quỹ.
PGS.TS Đoàn Văn Điện, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh
Theo PGS.TS Đoàn Văn Điện, được đóng góp cho các thế hệ sinh viên sau này là phần thưởng cao quý nhất cuộc đời ông. Khi về hưu, ông chỉ có lương hưu 6 triệu đồng/tháng - mức lương hưu thấp nhất dành cho hiệu trưởng khi về hưu. Sau khi về hưu, ông làm hiệu trưởng 2 trường tư thục với thu nhập khá cao và dành dụm được số tiền trên.
Hình ảnh thầy giáo mang nước mát cho sinh viên giải nhiệt gây "bão" mạng xã hội
Tháng 4.2024, những hình ảnh, video về người thầy giáo bê thùng nước đá mát lạnh cùng nước giải khát lên lớp, trao tận tay tới từng sinh viên trong một giờ học tại Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh gây “sốt” trên mạng xã hội. “Thầy nói: nay trời nóng, thầy đặt nước uống cho mát. Thầy quá xá dễ thương” - bài chia sẻ của một sinh viên trong lớp thu hút rất đông lượt tương tác khi đăng tải trên mạng xã hội.
Hình ảnh thầy giáo bê thùng nước đá mát lạnh cùng nước giải khát lên lớp tặng sinh viên, giúp các em giải nhiệt trong thời tiết oi bức gây “sốt” trên mạng xã hội
Thời điểm đó, nhiệt độ tại khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có TP. Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm. Nắng nóng liên tục tăng nhiệt khiến toàn khu vực như "chảo lửa". Tiết trời oi ả kéo dài liên tục, một số người dân TP. Hồ Chí Minh cho biết cảm thấy ngộp thở khi ra đường. Những ly nước mát của thầy giáo đã giúp sinh viên giải nhiệt trong thời tiết nắng nóng.
Được biết, người thầy trong bài đăng này là Tiến sĩ Lê Quang Thông, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Hôm đó, thầy Thông dạy môn marketing căn bản, dành cho sinh viên năm thứ nhất của nhiều ngành khác nhau cùng học. Thầy Thông cho biết, thời tiết ở TP. Hồ Chí Minh lúc đó quá nắng nóng, nhiều sinh viên đến trường mệt lả vì nóng thấy rất thương. Nghĩ vậy, thầy liền mang thùng nước đá từ nhà, mua nước giải khát kèm ly vào lớp giúp học trò "hạ nhiệt".
Dưới các bài đăng chia sẻ lại câu chuyện này trên mạng xã hội, nhiều sinh viên bày tỏ sự thích thú: “Thầy lúc nào cũng dễ thương”, “Tôi cũng muốn được học thầy”, “Thầy Thông mãi đỉnh”, Thầy Thông dễ thương lắm. Học thầy có 1 môn mà nhớ hoài”,... Nhiều sinh viên cũng chia sẻ, trước đây, thầy cũng rất nhiều lần tặng bánh, kẹo, đồ ăn, sách báo,... cho các em. “Học với thầy lúc nào cũng sẽ có bánh”, “Thầy dễ thương lắm, lúc mình học được thầy tặng sách, giáo án, báo nữa”, Lớp nào thầy dạy, thầy cũng mua quà cho không bỏ sót lớp nào”, “Thầy đi công tác về cho socola cả lớp luôn”.
Hai anh em tiểu học “đập lợn” ủng hộ 15 triệu đồng cho bạn mồ côi cha mẹ
Tháng 9.2024, một vụ sạt lở đất thương tâm xảy ra tại xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, Hòa Bình, làm vùi lấp nhà dân, khiến hai vợ chồng trong một gia đình thiệt mạng, con trai 6 tuổi là cháu D.N.T.Đ. bị thương. Cháu bé sau đó được người dân và lực lượng chức năng kịp thời cứu sống.
Sau khi xem trên các phương tiện truyền thông về vụ sạt lở đất, hai anh em ruột Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, Phường Quỳnh Lâm, TP. Hòa Bình, được sự ủng hộ của bố mẹ, đã quyết định đập lợn đất tiết kiệm để quyên góp ủng hộ gia đình bạn nhỏ gặp nạn. Chú lợn đất này được Tuấn và An "nuôi" chung mấy năm qua, bằng tiền mừng tuổi trong những dịp Tết và tiền tiết kiệm hàng ngày. Ban đầu, hai anh em dự định sẽ "nuôi" chú lợn này thêm nhiều năm nữa, đến khi cả hai cần dùng đến tiền.
Tuy nhiên, sau khi Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo - nơi Tuấn và An đang học gửi tin nhắn tới các bậc phụ huynh về việc ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3, bố mẹ của hai em đã hỏi ý kiến các con về việc ủng hộ bạn nhỏ gặp nạn. Hai em đều nhất trí cao, quyết định "mổ lợn đất" sớm hơn kế hoạch. Ngay sau đó, toàn bộ số tiền 15 triệu đồng mà Tuấn và An tiết kiệm trong nhiều năm đã được đóng phong bì, mang đến trường ủng hộ gia đình bạn nhỏ.
Hai anh em Nguyễn Gia An - lớp 4A2 và Nguyễn Minh Tuấn - lớp 1A1, Trường Tiểu Học Trần Hưng Đạo, TP. Hòa Bình trao số tiền ủng hộ 15 triệu đồng để nhà trường gửi tới bạn nhỏ gặp nạn
Nhà giáo Vũ Thị Liên - Trưởng Phòng GD-ĐT thành phố Hòa Bình chia sẻ, hành động đầy ý nghĩa và nhân văn này đã cho thấy hai em Tuấn và An luôn được cha mẹ và nhà trường giáo dục về lòng nhân ái, trách nhiệm với xã hội. Việc làm của hai em là gương sáng cho bạn nhỏ noi theo.
Thầy Hiệu trưởng kể chuyện tuổi thơ gian khó, nhắn nhủ sinh viên “có thể vượt qua nghịch cảnh nếu quyết tâm”
Ngày 16.4, tại Ngày hội học sinh, sinh viên các dân tộc Việt Nam và trao hỗ trợ từ Quỹ Đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn đang theo học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng nhà trường (khi ấy đang là Hiệu trưởng) đã có bài chia sẻ đầy xúc động về “quãng đời đầy chông gai để trưởng thành” mà ông đã đi qua. Qua đó, nhắn nhủ tới các em sinh viên rằng: Con người trong mọi hoàn cảnh phải có ý chí, phải dám vươn lên thì “không có gì là không thể”.
GS.TS Nguyễn Văn Minh cùng sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Thầy Minh sinh ra và lớn lên tại một vùng quê hẻo lánh và “nghèo nàn đến vô cùng”, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Ngày ấy đất nước còn chiến tranh, thầy không nhớ đã học bao nhiêu trường tiểu học, bởi thường xuyên phải theo gia đình đi sơ tán. Lên cấp 2, vùng quê thầy ở không có trường THCS, thầy Minh khi ấy gầy gò, ốm yếu, phải cùng bạn bè vào rừng để lấy gỗ, góp sức dựng trường - một giai đoạn quá đỗi gian nan và tưởng chừng không thể tiếp tục được.
Học hết THCS, thầy Minh lại khao khát được đi học THPT. Thầy học một trường phổ thông cách nhà hơn 22km, nhưng phải bỏ học chỉ sau 1 tháng bởi quá nghèo: không đủ gạo ăn, không đủ tiền, không có phương tiện đi lại.
“Khi về nhà, cảm giác bơ vơ, thèm đi học. Có lẽ lúc này, sự liều lĩnh của con người mới diễn ra. Quê thầy là vùng chiến tranh, khi ấy thầy đã vào các đồn bốt cũ và cắt kẽm gai mà không sợ mìn nổ, liều lĩnh để kiếm tiền tiếp tục đi học. Sau một tháng, thầy kiếm được một ít tiền và trở lại trường phổ thông. Thầy cứ nghĩ rằng nhà trường sẽ đuổi học, bởi vì bỏ học lâu quá, nhưng thầy cô không những không đuổi học, mà còn hướng dẫn tận tình để thầy có thể tiếp tục đi học”, thầy Minh nhớ lại.
Ông nhấn mạnh, đây chính là lý do sau này, ông quyết định trở thành thầy giáo. “Nếu không có các thầy cô yêu thương, chắc là thầy không còn được đi học. Đó là động lực khiến thầy lựa chọn bước vào làm nhà giáo”, thầy Minh nói.
Suốt những năm tháng THPT, thầy Minh đi bộ 22km từ trường về nhà vào mỗi trưa thứ bảy và lại đi bộ 22km từ nhà tới trường vào ngày chủ nhật. Cách thức để kiếm tiền duy trì việc học là ngày chủ nhật phải vào rừng lấy củi bán, kịp cho tuần sau tiếp tục đi học. Thầy Minh khi ấy chỉ có 2 bộ áo quần, trong đó một cái áo sờn và một chiếc quần rách rưới, bị vá chằng chịt, mỗi tiết chào cờ ở trường đều tự tìm cách đứng cuối hàng, bởi xấu hổ.
“Đây là thực tiễn thầy từng trải qua. Nhưng sau này, thầy cảm ơn bởi nếu không có những ngày tháng đó, thầy có lẽ không thể trưởng thành. Thầy muốn kể câu chuyện về cuộc đời mình để nhắn nhủ tới các em rằng, con người trong mọi hoàn cảnh phải có ý chí, phải dám vươn lên thì không có gì là không thể. Con người có thể vượt qua nghịch cảnh nếu chúng ta quyết tâm”, thầy Minh nói. Thầy Minh cũng nhấn mạnh, khi nỗ lực làm việc thì may mắn mới tới, may mắn không đến trước nỗ lực.
Câu chuyện của thầy Minh đã khiến rất nhiều sinh viên xúc động, có thêm quyết tâm, nỗ lực để phấn đấu cho chặng đường sắp tới.
Nguyễn Liên
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nhung-cau-chuyen-giao-duc-truyen-cam-hung-nam-2024-post400810.html