Đầu tiên là câu chuyện hiến tạng. Một nhân viên y tế ở bệnh viện sản nhi Quảng Ninh đã quyết định hiến tạng chồng mình, 37 tuổi, bị xuất huyết não sau đột quỵ. Hình ảnh cảm động nhất, làm nhiều người rưng rưng là lúc tạng của chồng chị đã lấy xong, chuẩn bị đưa đi ghép, thì chị quỳ xuống khóc tiễn biệt tạng của chồng. Tổng cộng có tới bảy người được ghép, tức là được sống và nhìn thấy cuộc sống từ tạng của anh này, và chính xác là, từ hành động rất đẹp của người vợ, nhân viên y tế của một bệnh viện tỉnh Quảng Ninh.
Một tờ báo tường thuật: "Các bác sĩ kể lại khi kíp phẫu thuật bước vào phòng mổ lấy tạng từ người hiến tặng thì bên ngoài người vợ, cũng là một nhân viên y tế Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, nghẹn ngào dõi theo qua màn hình.
Hình ảnh người vợ quỳ gối tiễn biệt tạng hiến của chồng trước khi rời Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: BVCC
Khi các y bác sĩ đưa tạng ra khỏi phòng mổ, chuẩn bị lên đường đến bệnh viện khác để ghép, người vợ mắt đẫm lệ quỳ gối, bàn tay run run chạm nhẹ vào từng hộp bảo quản vô trùng - nơi chứa đựng tim, gan, phổi, thận và giác mạc của chồng, như một lời chào tiễn biệt thiêng liêng dành cho từng phần cơ thể của anh".
Chuyện hiến tạng ở nước ta cũng đã nhiều người làm và sẽ làm, nhưng cái hành động của người vợ trẻ khiến chúng ta tin ở tình yêu bất tử, ở nghĩa cử cao đẹp của người sống, trong những quyết định rất nhanh ở các tình huống bất ngờ, luôn hướng tới cái đẹp, cái nhân văn, cao cả.
Câu chuyện thứ 2 cũng làm chúng ta xúc động, ấy là một người phụ nữ nghèo ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội, mua vé tàu vào Sài Gòn tìm người thân vay tiền để về chữa bệnh hiểm nghèo cho chồng, nhưng Sài Gòn bao la thế, tìm không ra người thân, sau mấy ngày vật vờ và hết tiền, chị định... đi lậu vé trở về Hà Nội. Lậu vé, ai là sinh viên thuở cách đây khoảng trên 20 năm thì mới biết việc này chứ giờ chắc chả còn đâu cảnh này. Thế nên việc của chị bị phát hiện. Và, thay vì đuổi chị xuống như cái cách thông thường, thì nhân viên phục vụ trên đoàn tàu ấy, sau khi tường câu chuyện của chị, đã góp tiền mua vé tặng chị, và đãi chị ăn cơm tàu. "Tôi không có người thân, không tiền mua vé, vậy mà các anh đã mua vé, mua thức ăn, lo cho tôi đi xe ô tô từ ga Hà Nội về nhà. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn!", chị Ngưỡng, nhân vật trong câu chuyện viết thư cám ơn nhà tàu.
Và câu chuyện thứ ba, thì nó khiến tôi có một cái nhìn hết sức lạc quan về ngành giáo dục, về các thầy cô giáo, từ câu chuyện kể của một sĩ quan quân đội, người quen của tôi.
Ấy là cuối năm học này, con trai của anh hết lớp 9. Và hôm học buổi cuối cùng về thì con trai ôm một mớ quà làm anh hết sức ngạc nhiên và xúc động, anh kể với tôi: em cũng nghề giáo (thượng tá, giáo viên trường sĩ quan lục quân), nhưng cũng hết sức rưng rưng với việc làm của cô giáo.
Ấy là cô giáo làm tặng cho mỗi em một poster, từng em khác nhau, và những gì ghi trong ấy đúng đặc điểm từng cháu chứ không chung chung, mỗi đứa 1 cây bút chì khắc tên riêng, một huy hiệu học sinh (cán bộ lớp) tiêu biểu, mỗi phụ huynh một bức thư... và trong ấy toàn là những lời cám ơn. Như thư cho con trai anh bạn tôi đang kể như thế này: "Gửi Vĩnh Khánh, chàng trai ngây thơ, cute của cô. Em là chàng trai hay cười hay nói, rất vô tư, hiểu chuyện và tình cảm. Em biết chia sẻ và động viên các bạn bằng những lời tích cực. Cô rất thích điều đó.
Em cũng là chàng trai happy vì bố mẹ luôn ủng hộ và tôn trọng các mong muốn của em. Chúc mừng em.
Hãy sống thật vui vẻ- yêu thương- khiêm nhường và cho đi. Yêu thương. Cô giáo chủ nhiệm. Nguyễn Hiền".
Tôi tin, bất cứ học trò nào, mà chả cứ học trò, đọc lá thư như của cô Hiền trên kia, đều tan chảy. Mà không chỉ chữ, cô trang trí cái poster rất công phu, có ảnh cô, ảnh trò, ảnh lớp, có hoa vân vân.
Những cái poster như thế sẽ theo chúng cả cuộc đời.
Mà không chỉ có thế, có tới mấy món quà như thế. Phụ huynh cũng có thư cảm ơn. Cảm ơn chứ không kể công, không căn vặn, kể khổ. Không những thế cô còn xin lỗi phụ huynh "không tránh khỏi những khi xao nhãng, những khi chưa chu đáo, vậy nên mong ba mẹ bỏ qua"...
Từ lâu rồi, chúng ta hay bị nghe nhiều về cái quan hệ thầy trò thời nay, những là lạnh lùng, những là rạch ròi, những là sòng phẳng bán mua..., thì câu chuyện này nó chứng minh là, không phải thế, và không chỉ thế. Phía sau ấy, sâu xa ấy, dưới những ồn ào bề nổi, vẫn lặng lẽ một dòng chảy yêu thương, nhân nghĩa, những tấm lòng vì học trò một cách vô tư nhất, tận tâm nhất, có khi còn hơn cả cha mẹ. Mấy cha mẹ mà ngồi làm cho con từng món quà như thế, hiểu tâm tính con mình tới thế, tôn trọng con mình tới thế... Ở đây ta nhận ra sự yêu thương từ đáy lòng, yêu thương học trò, tức là yêu nghề, yêu vô điều kiện, yêu hy sinh.
Và, cô làm hoàn toàn bằng tiền túi của mình.
Cứ hình dung, giữa bao nhiêu bộn bề việc nhà, việc trường, việc xã hội, cô giáo cặm cụi ngồi làm quà cho học sinh. Từng gương mặt học trò thân thương hiện lên trong cô để cô viết đúng đặc điểm từng đứa, yêu thương và trân trọng. Và nghe anh bạn kể thì nhiều lứa trước đấy cô giáo cũng đã làm như thế chứ không chỉ mình lớp này.
Và cứ lặng lẽ như thế. Việc tôi kể câu chuyện này lên đây là hoàn toàn ngoài ý muốn của cô, và tới giờ cô cũng chưa biết nếu anh bạn tôi không thông báo cho cô. Nhưng những người như cô, việc làm của cô xứng đáng được viết ra cho nhiều người biết, để chúng ta tin và yêu, chúng ta tự hào cuộc đời này hết sức đáng yêu đáng sống từ những việc làm lặng lẽ, những giáo viên thầm lặng thương học trò, yêu nghề như cô giáo Nguyễn Hiễn, trường THCS Nguyễn Đức Ứng, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai kia, để như câu thơ Lưu Quang Vũ mà chúng ta đều biết: "Bác thợ mộc nói sai rồi/ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?/ Con chim sẻ tóc xù ơi/ Bác thợ mộc nói sai rồi" mà nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc thành bài hát "Chim sẻ tóc xù"...
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Văn Công Hùng