Những cây cầu trăm tỷ bắc qua sông Cầu nối Bắc Ninh - Bắc Giang

Những cây cầu trăm tỷ bắc qua sông Cầu nối Bắc Ninh - Bắc Giang
8 giờ trướcBài gốc
Video: Cận cảnh những cây cầu bắc qua sông Cầu kết nối Bắc Giang và Bắc Ninh.
Bắc Ninh và Bắc Giang được xem là thủ phủ công nghiệp phía Bắc với nhiều khu công nghiệp quy mô lớn. Hạ tầng giao thông của 2 địa phương này có sự thay đổi rõ nét với điểm nhấn là 5 cây cầu bắc qua sông Cầu kết nối Bắc Giang - Bắc Ninh và các tỉnh khác.
Cầu Mai Đình - Đồng Xuyên được đưa vào sử dụng năm 2014, nối huyện Yên Phong (Bắc Ninh) và huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Cầu có chiều dài 643,4m, rộng 12m với 2 làn xe, tổng mức đầu tư xây dựng 635 tỷ đồng.
Mỗi ngày, có hàng chục nghìn phương tiện lưu thông qua cầu Mai Đình - Đông Xuyên để đến các khu công nghiệp Junteck, Hòa Phú (Bắc Giang) và khu công nghiệp Yên Phong, Yên Phong II-C (Bắc Ninh) làm việc.
Hơn 10 năm qua, cầu Mai Đình - Đồng Xuyên đã đảm nhiệm vai trò kết nối khu công nghiệp tập trung của 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, góp phần thúc đẩy giao thương, thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp.
Khánh thành và đi vào sử dụng từ năm 2015, cầu Yên Dũng thuộc dự án đường nối tỉnh lộ 398 với quốc lộ 18, có chiều dài 568m, rộng 22,5m, tổng mức đầu tư hơn 651 tỷ đồng.
Cầu Yên Dũng nằm trong dự án đường nối TL398 với QL18 giúp rút ngắn thời gian của phương tiện khi giao thương giữa Bắc Ninh và Bắc Giang. Đặc biệt, cây cầu kết nối các vùng du lịch tâm linh như chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Hàm Long (Quế Võ); chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh); đền Đô, chùa Tiêu (Từ Sơn, Bắc Ninh).
Cùng đó, cầu có vai trò kết nối huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) và khu công nghiệp Quế Võ (thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Cầu Hà Bắc 2 được đầu tư hơn 358 tỷ đồng, nối thị xã Việt Yên (Bắc Giang) và huyện Yên Phong (Bắc Ninh) có chiều dài gần 500m, rộng 16m. Dự kiến 30/4 tới, cầu Bắc Hà 2 chính thức thông xe.
Những năm gần đây, Yên Phong (Bắc Ninh) và thị xã Việt Yên (Bắc Giang) được xem là thủ phủ công nghiệp phía Bắc với nhiều khu công nghiệp quy mô lớn, là cứ địa sản xuất của nhiều tập đoàn kinh tế như: Samsung, Amkor, Goertek, Foxconn.
Cầu Bắc Hà 2 đi vào hoạt động sẽ tăng cường kết nối giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh, Bắc Giang và cả vùng.
Tháng 6/2023, cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) nối huyện Việt Yên (Bắc Giang) và thành phố Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 450 tỷ đồng (dài hơn 500m, rộng 16m) được khánh thành đưa vào sử dụng.
Cùng đơn nguyên cầu Như Nguyệt (giai đoạn 1), cầu Như Nguyệt (giai đoạn 1 và giai đoạn 2 rộng 32m) đã giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài nhiều năm, đặc biệt trong các giờ cao điểm, góp phần nâng cao năng lực khai thác tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn.
Cầu Như Nguyệt tạo sự thông thoáng cho cửa ngõ ra vào của tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng lớn, đặc biệt của các khu công nghiệp trọng điểm.
Cầu Thị Cầu (hay Đáp Cầu) là cầu đầu tiên bắc qua sông Cầu (sông Như Nguyệt), nối liền Bắc Ninh và Bắc Giang. Ban đầu, cầu được làm bằng kết cấu sắt, chỉ cho phép xe máy và tàu hỏa lưu thông, không có làn dành riêng cho ô tô.
Đến năm 2017, cầu Đáp Cầu mới (chiều dài hơn 570m, rộng 16m) được xây dựng và vận hành song song cầu sắt cũ. Cầu là điểm nhấn quan trọng của tuyến ĐT295B nối thị xã Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) và thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).
Theo dự kiến, sau khi sắp xếp, tỉnh Bắc Ninh mới (sáp nhập tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh) sẽ có diện tích tự nhiên hơn 4.700km², đạt tỷ lệ 94,3% so với tiêu chuẩn quy định; quy mô dân số hơn 3,6 triệu người, đạt tỷ lệ 258,5% so với tiêu chuẩn.
Tỉnh Bắc Ninh mới có 99 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Trung tâm chính trị - hành chính dự kiến đặt tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hiện nay.
Phùng Đô
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/nhung-cay-cau-tram-ty-bac-qua-song-cau-noi-bac-ninh-bac-giang-192250423145623456.htm