Những cây trồng bạc triệu xóa nghèo ở Na Hang

Những cây trồng bạc triệu xóa nghèo ở Na Hang
9 giờ trướcBài gốc
Không chỉ đơn thuần là chuyển đổi cây trồng, những HTX ở Na Hang đang đóng vai trò hạt nhân trong hành trình thoát nghèo, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Liên kết làm giàu
Cách trung tâm thị trấn Na Hang chừng 10 km, xã Khau Tinh từng là một vùng đất nghèo, người dân sống chủ yếu nhờ sản xuất tự cung tự cấp. Nhưng vài năm gần đây, những vườn cam sai trĩu quả đã dần thay thế những ruộng ngô còi cọc.
Một trong những đơn vị tiên phong mang lại sự thay đổi này là HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Khau Tinh. HTX thành lập năm 2020 với 12 thành viên ban đầu, giờ đã mở rộng lên gần 40 hộ tham gia. Cây trồng chính là cam Vinh theo hướng hữu cơ, áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt, dùng phân vi sinh thay cho phân hóa học để giữ chất lượng quả và bảo vệ đất.
Cây ăn quả thay thế cây lương thực hiệu quả thấp giúp nông dân, thành viên HTX ở Na Hang giảm nghèo, làm giàu.
Hiện nay, HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp và sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Năm 2024, HTX tiêu thụ hơn 150 tấn cam, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng.
“Quan trọng là tạo được việc làm ổn định cho gần 50 lao động thời vụ trong vụ thu hoạch, mỗi người có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Nhờ cây cam mà nhiều hộ dân ở Khau Tinh đã vươn lên thoát nghèo bền vững”, đại diện HTX chia sẻ.
Không chỉ cam, cây chè Shan tuyết cổ thụ cũng đang trở thành “vàng xanh” trên đất Na Hang. Tại xã Sinh Long – một địa phương có độ cao và khí hậu mát mẻ quanh năm, HTX Chè Sinh Long đang khai thác hiệu quả tiềm năng của loại chè đặc sản này.
Ông Nguyễn Văn Tình, đại diện HTX, cho biết: “Chè Shan tuyết ở Sinh Long có hương vị đậm đà, vị ngọt hậu đặc trưng do được trồng ở độ cao trên 1.000 m. Tuy nhiên, trước đây bà con hái bán thô cho thương lái với giá rẻ, không ai mặn mà giữ rừng chè. Từ khi HTX ra đời, chúng tôi thu mua lại nguyên liệu với giá cao hơn thị trường, đồng thời đầu tư máy móc, đào tạo kỹ thuật sao chế chè theo quy chuẩn an toàn”.
Hiện, HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu trên 40 ha chè Shan tuyết, mỗi năm sản xuất hơn 10 tấn chè khô. Các sản phẩm như chè xanh, chè đen, chè ướp hoa của HTX được đóng gói bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc, đưa lên các kênh bán hàng trực tuyến.
“Bà con giờ đây không chỉ bán được chè với giá cao mà còn giữ rừng, giữ đất, giữ nghề. Mỗi mùa vụ, HTX tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập ổn định,” ông Tình chia sẻ.
Phát triển cây thế mạnh
Na Hang cũng đang thúc đẩy các loại cây trồng thế mạnh nhằm xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân. Như ở xã Hồng Thái – nơi nổi tiếng với rừng mận cổ thụ và khí hậu ôn đới – vài năm gần đây còn được biết đến với mô hình trồng cây dược liệu, đặc biệt là gừng và nghệ.
HTX Dược liệu Hồng Thái là một điển hình trong việc khai thác lợi thế khí hậu để trồng cây trồng có giá trị cao. Để nâng cao hiệu quả, HTX chủ động liên kết với Viện Dược liệu để sản xuất theo quy trình VietGAP, đồng thời đầu tư máy sấy, máy nghiền để sản xuất tinh bột nghệ, trà gừng. Hiện nay, HTX có hơn 20 ha vùng nguyên liệu, mỗi năm thu mua và chế biến hơn 50 tấn gừng, nghệ.
HTX còn hợp tác với các công ty dược và mỹ phẩm để cung cấp nguyên liệu đầu vào. Nhờ cách làm bài bản, giá bán sản phẩm cao gấp 2-3 lần so với bán nguyên liệu tươi. HTX hiện tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và hàng chục lao động mùa vụ là người dân tộc Mông và Dao trên địa bàn.
Không chỉ có thu nhập ổn định, thành viên, nông dân liên kết HTX còn được hướng dẫn kỹ thuật canh tác sạch, nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên đất và nguồn nước.
Theo ngành nông nghiệp huyện Na Hang, toàn huyện hiện có gần 30 HTX nông nghiệp đang hoạt động, phần lớn tập trung vào lĩnh vực trồng trọt và chế biến nông sản.
Trong đó, khoảng 70% HTX đã và đang thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Na Hang tiếp tục định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhằm đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo.
Thành công của các HTX hiện tại đến từ các chính sách hỗ trợ thiết thực từ ban ngành tỉnh, địa phương, đặc biệt là các chương trình đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang.
Từ năm 2021 đến nay, Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 20 HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều HTX tại huyện Na Hang. Các HTX này hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên và thế mạnh của địa phương.
Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Na Hang lựa chọn 2 HTX để tham gia Dự án hỗ trợ con giống của Viện Khoa học và Môi trường, thuộc Liên minh HTX Việt Nam. Dự án này giúp các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập cho thành viên.
Kỳ vọng tương lai tươi sáng
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Trung tâm Khuyến công hỗ trợ cho các HTX về máy móc, thiết bị sản xuất. Điển hình là 2 HTX nông nghiệp hữu cơ tại Tuyên Quang và HTX nông lâm nghiệp Sơn Thịnh đã nhận được tổng số tiền hỗ trợ 635 triệu đồng để đầu tư vào thiết bị, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh việc hỗ trợ thành lập HTX, huyện còn phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tem nhãn, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Một số sản phẩm của HTX như cam Khau Tinh, chè Sinh Long, tinh bột nghệ Hồng Thái… đã được công nhận OCOP 3 sao, 4 sao, mở ra cơ hội lớn để vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
Từ những bước đi nhỏ nhưng kiên định, các HTX ở Na Hang đang chứng minh rằng nông nghiệp không chỉ là “cái nghiệp” mà còn có thể là “cái nghề” – nghề làm giàu bền vững từ chính mảnh đất quê hương. Sự đổi thay không chỉ hiện diện trong những con số doanh thu, số lượng lao động được tạo việc làm, mà còn thể hiện rõ nét ở niềm tin của người dân vào tương lai.
Anh Ma Văn Quyết, Giám đốc HTX Khau Tinh, tâm sự: “Trước đây, nhiều người trẻ bỏ quê lên thành phố mưu sinh. Nay thì ngược lại, họ trở về cùng tham gia HTX, cùng trồng cam, làm nông nghiệp sạch, sống tốt trên đất của mình. Đó là tín hiệu đáng mừng nhất.”
Với định hướng đúng đắn, sự đồng hành của chính quyền và tinh thần hợp tác trong sản xuất, những cây trồng mới ở Na Hang không chỉ dừng lại ở việc làm giàu cho người trồng, mà còn đang trở thành nền tảng để huyện miền núi này phát triển bền vững và toàn diện.
Đông Phong
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nhung-cay-trong-bac-trieu-xoa-ngheo-o-na-hang-1106923.html