Những 'cây vàng' giữa đại ngàn tạo kỳ tích thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng

Những 'cây vàng' giữa đại ngàn tạo kỳ tích thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng
12 giờ trướcBài gốc
Góp phần làm nên kỳ tích đó là những HTX, tổ hợp tác, nơi mà trí tuệ bản địa gặp gỡ công nghệ hiện đại, thương mại điện tử và tài sản trí tuệ trở thành một đòn bẩy vững chắc.
Hiệu quả của cây thế mạnh
Trở lại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương), nơi có đông đồng bào K’Ho sinh sống, dễ dàng bắt gặp những rẫy cà phê Arabica xanh mướt trải dài dưới chân núi Lang Biang.
Trước đây, người dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng cà phê theo tập quán cũ, sản lượng thấp, chất lượng không đồng đều, đầu ra bấp bênh khiến cái nghèo cứ đeo bám mãi.
Thế nhưng từ khi HTX Nông nghiệp Langbiang được thành lập, đời sống bà con đã có chuyển biến rõ rệt. Anh Cil Mup Ha Né – đại diện HTX – chia sẻ: “Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ vào toàn bộ chuỗi giá trị, từ tưới tiêu nhỏ giọt tiết kiệm nước đến phần mềm truy xuất nguồn gốc. Mỗi lô cà phê đều được gắn mã QR, truy xuất từ vườn đến bàn uống".
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đang có thu nhập cao nhờ những cây trồng đặc trưng.
Không dừng lại ở đó, HTX còn xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cà phê Langbiang” và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhờ có thương hiệu, sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu. Cùng với việc mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso, Shopee…, cà phê Langbiang đã có được giá bán gấp 2-3 lần so với trước đây.
“Trước làm cà phê chỉ đủ ăn, giờ thu nhập mỗi ha gần 100 triệu đồng/năm. Con cái được học hành, nhà cửa khang trang. Nghề truyền thống của người K’Ho đã thay da đổi thịt nhờ cách làm mới”, bà Ka Rơm Y Sa – một thành viên HTX người dân tộc K’Ho vui mừng cho biết.
Tương tự, tại huyện Đam Rông – một trong những địa phương nghèo nhất của Lâm Đồng – cây mắc ca đang dần trở thành “cứu tinh” cho hàng trăm hộ dân tộc M’nông.
HTX Nông nghiệp tổng hợp Tuổi Trẻ Đam Rông là một mô hình tiêu biểu với hơn 70% thành viên là người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, HTX trồng xen mắc ca với cà phê để tăng thu nhập, cải tạo đất và giảm rủi ro thị trường.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đầu tư hệ thống cảm biến thời tiết, đo độ ẩm, phần mềm quản lý sản xuất. Đặc biệt, HTX đã xây dựng thương hiệu “Mắc ca Đam Rông”.
HTX còn hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để livestream bán hàng, tham gia hội chợ số, kết nối với các nhà phân phối ở TP.HCM và Hà Nội. Nhờ đó, giá trị sản phẩm tăng 30-40%, lợi nhuận ổn định hơn.
Liên kết là chìa khóa thành công
Còn ở xã Xuân Trường (TP. Đà Lạt), atiso không còn chỉ là loại rau ăn chơi mà đã trở thành “vàng xanh” nhờ sự sáng tạo của HTX Atiso Trường Sơn. Sản phẩm trà atiso túi lọc, cao atiso, siro được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, được chứng nhận OCOP 4 sao và truy xuất nguồn gốc bằng mã QR.
Chị Hoàng Thị Kim Liên – Giám đốc HTX – cho biết: “Chúng tôi liên kết với nông dân dân tộc K’Ho, hỗ trợ giống, kỹ thuật và đầu ra. Nhờ thương hiệu đã đăng ký sở hữu trí tuệ, sản phẩm bán tốt cả trong và ngoài nước, giúp hơn 60 hộ dân thoát nghèo”.
Một sản phẩm khác là dâu tằm Tân Lạc (huyện Di Linh) từng bị lãng quên khi nghề trồng dâu nuôi tằm mai một. Nhưng giờ đây, HTX Tân Lạc Xanh đã khôi phục lại vùng nguyên liệu hơn 50 ha dâu tằm hữu cơ, tập hợp hàng chục hộ đồng bào dân tộc Chu Ru tham gia chuỗi liên kết.
Điều đặc biệt là HTX không chỉ bán lá dâu mà còn sản xuất tơ tằm, vải lụa mang thương hiệu “Tơ Lâm Đồng”, được cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm này đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử và được đặt hàng từ nhiều khách sạn, resort cao cấp.
Liên kết sản xuất trong các HTX, tổ hợp tác giúp nông dân nâng cao hiệu quả cây trồng.
Thành công của những HTX tiêu biểu đã chứng minh cây trồng bản địa nếu được ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử và bảo hộ sở hữu trí tuệ bài bản, hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy xóa nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 300 HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 40% có thành viên là người dân tộc thiểu số. Các HTX này đang từng bước tiếp cận công nghệ mới, từ sổ tay điện tử, phần mềm quản lý canh tác đến mã vùng trồng, sở hữu trí tuệ và bán hàng trực tuyến. Tư duy “sản xuất cái thị trường cần” thay cho “cái mình có” đang dần thay đổi thói quen canh tác của bà con.
Thêm những điểm tựa vững vàng hơn
Thành công của các HTX trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là kết quả của hàng loạt chính sách hỗ trợ từ ban ngành tỉnh, địa phương, cùng với các chính sách đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, nhằm hiện đại hóa hoạt động của các HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp ký kết chương trình hợp tác về chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX. Chương trình này tập trung vào việc triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin, thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển kinh tế tập thể và HTX trong giai đoạn 2024–2025, theo định hướng chuyển đổi số của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ hàng trăm HTX tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế hợp tác tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho cán bộ tư vấn của Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng đã tích cực đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản cho các HTX thông qua việc tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại và kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong khu vực duyên hải – miền Trung và Tây Nguyên. Tại các hội nghị này, các HTX được trưng bày sản phẩm, giao lưu, chia sẻ và liên kết trao đổi hàng hóa, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương .
Những chương trình hỗ trợ thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng đã và đang góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế tập thể tại Lâm Đồng, nâng cao năng lực cho các HTX và cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn như vốn đầu tư, trình độ số, năng lực quản trị còn hạn chế. Nhưng với sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, sự đồng hành của doanh nghiệp và nỗ lực vươn lên của chính người dân, những “cây trồng xóa nghèo” ở Lâm Đồng đang ngày càng bén rễ sâu hơn, xanh tươi hơn.
An Chi
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//business-cooperative/nhung-cay-vang-giua-dai-ngan-tao-ky-tich-thoat-ngheo-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-lam-dong-1106938.html