Những chàng trai kiếm bộn tiền từ những công việc chỉ dành cho phụ nữ

Những chàng trai kiếm bộn tiền từ những công việc chỉ dành cho phụ nữ
6 giờ trướcBài gốc
Vốn là dân văn phòng, năm 2022, trong quá trình kiếm việc làm tại nhà để có thêm thu nhập, Nguyễn Nhật Khiêm (SN 2000, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã ấn tượng với nghệ thuật thêu tay và mua dụng cụ về thêu thử. Sau một thời gian, anh đã nghỉ hẳn công việc văn phòng để theo đuổi đam mê.
Nghề thêu tay
Để tiết kiệm chi phí, Khiêm tự tìm hiểu qua mạng xã hội bằng cách tham khảo các video ngắn hướng dẫn, dạy thêu của các nghệ nhân để học hỏi kỹ thuật, rút ra kinh nghiệm cho mình.
Khiêm bị bạn bè chê cười, châm chọc “làm việc của con gái”, “đàn ông ngồi xó bếp”… nhưng với niềm đam mê bất tận, trải qua không biết bao lần đầu ngón tay bị kim đâm chi chít, phồng rộp, tróc da, thành quả đã đến với Khiêm sau gần một năm kiên trì.
“Trong thời gian luyện thêu, tôi chụp ảnh, giới thiệu các sản phẩm của mình lên mạng xã hội cá nhân. Khi thấy các sản phẩm này, nhiều người ngạc nhiên, tỏ ra thích thú.
Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn không tin các sản phẩm này do tôi tự tay thêu. Khi biết sự thật, họ rất bất ngờ, thậm chí ngưỡng mộ và bắt đầu đặt hàng nhờ tôi thêu tranh, họa tiết mình yêu thích”, Nhật Khiêm nhớ lại.
Nhật Khiêm thêu chim trên lá.
Tranh thêu của Khiêm thường mang đậm dấu ấn riêng với màu sắc, bố cục bắt mắt, sống động như tranh vẽ, ảnh chụp. Việc này giúp nam thanh niên có những tệp khách hàng riêng cho mình.
Khách hàng của Khiêm đa số là người yêu thích, có thú vui sưu tầm tranh thêu tay. Những người này sẵn sàng bỏ số tiền lớn đặt hàng, chờ đợi mua những sản phẩm thêu tay đặc sắc của anh chàng.
Hiện nay, Nhật Khiêm nhận các mặt hàng thêu tả thực, phong cảnh, họa tiết trang trí phức tạp, nhiều chi tiết, màu sắc. Ngoài tranh trên vải, Nhật Khiêm còn học hỏi và thử nghiệm thêu trên lá cây khô và một số chất liệu khác.
Tùy kích thước, độ phức tạp của họa tiết, mỗi sản phẩm thêu tay được nam thanh niên hoàn thiện trong 1 tuần hoặc 1 tháng. Các sản phẩm này có giá từ 1 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng.
Mỗi tháng, Nhật Khiêm có thể sáng tạo, hoàn thành từ 2-3 sản phẩm chất lượng cao. Công việc giúp nam thanh niên có thu nhập nhiều chục triệu đồng/tháng.
Trang điểm cho búp bê
Với Phan Ngọc Sang (SN 1991, Long An), ngay từ năm thứ 3 đại học, chàng trai này lại bị thu hút khi xem các video nghệ sĩ nước ngoài trang điểm cho búp bê.
Anh bắt đầu mua búp bê cũ, giá rẻ về vẽ thử rồi giới thiệu trên các hội nhóm chơi búp bê. Thật bất ngờ, sản phẩm của Sang được người chơi đánh giá cao.
Sau đó, nhiều người gửi búp bê của mình nhờ Sang trang điểm. Ban đầu, anh nhận trang điểm miễn phí. Khi tay nghề ổn định, Sang bắt đầu nhận trang điểm búp bê theo yêu cầu và xem đó như công việc làm thêm.
Sau ít năm, Phan Ngọc Sang trở nên nổi tiếng trong cộng đồng chơi búp bê Việt Nam. Anh được đánh giá có thể biến một con búp bê bình thường trở nên sống động, thần thái thông qua việc trang điểm.
Tốt nghiệp đại học, Sang quyết định theo đuổi công việc làm đẹp cho búp bê. Anh chia sẻ: “Công việc hiện tại của tôi là faceup (trang điểm) và custom (tùy chỉnh) cho búp bê.
Faceup là tôi sẽ vẽ lại gương mặt, trang điểm mắt, môi, lông mày, má hồng,... cho búp bê. Với custom, tôi không chỉ vẽ mặt mà còn thay đổi kiểu tóc, màu mắt, trang phục,…giúp búp bê trông mới lạ, khác biệt so với ban đầu.
Mỗi con búp bê sau khi hoàn thành không còn là một món đồ chơi. Thay vào đó, nó trở thành tác phẩm nghệ thuật, mang đến niềm vui, cảm xúc cho người sở hữu”.
Phan Ngọc Sang nổi tiếng trong cộng đồng chơi búp bê Việt Nam.
Trước khi trang điểm cho búp bê, Sang tẩy sạch lớp trang điểm cũ. Sau đó, anh thực hiện các bước đánh mặt tạo khối, kẻ mắt, vẽ lông mày, gắn mi giả,... bằng màu và cọ vẽ.
Sau khi hoàn tất, búp bê mang một gương mặt, diện mạo với biểu cảm, ánh nhìn sống động và có hồn. Tùy độ khó, thời gian thực hiện, anh Sang thu về 1 - 5 triệu đồng cho mỗi lần trang điểm một con búp bê.
Thời điểm trước đại dịch Covid-19, nghề lạ đem lại cho Sang nguồn thu nhập tốt. Mỗi tháng, anh có thể thu về 30 - 40 triệu đồng. Thu nhập trên giúp Sang đủ tiền góp với bố mẹ mua căn hộ tại TPHCM.
Tuy nhiên, sau đại dịch, lượng khách hàng của Sang giảm sút. Nhận thấy cộng đồng chơi búp bê có nhu cầu sở hữu sản phẩm búp bê độc đáo, mang dấu ấn cá nhân, anh quyết định làm búp bê tùy chỉnh.
Sang lên ý tưởng về các nhân vật trong những câu chuyện cụ thể. Sau đó, anh thiết kế, tạo hình búp bê sao cho phù hợp với nhân vật trong các câu chuyện đã lên ý tưởng.
Với cách này, Sang sáng tạo nhiều tác phẩm được khách hàng đánh giá cao như: Bộ thất đại tội, thiên thần của rừng, nữ thần Ai Cập, thần mùa xuân, thần Kali,…
Các sản phẩm đều có ngoại hình đẹp mắt, cách trang trí độc đáo, đậm dấu ấn cá nhân. Sau khi hoàn thành, các sản phẩm thủ công này đều được khách ngoại liên tục chốt đơn, thậm chí đua tranh để mua được.
Hiện, mỗi sản phẩm búp bê tùy chỉnh của Sang có giá từ 2 - 5 triệu đồng. Các phiên bản đặc biệt, hiếm gặp có giá cả chục triệu đồng/sản phẩm.
Sáng tạo bộ nail siêu thực như AI vẽ
Khác với Nhật Khiêm và Ngọc Sang, Lê Đại Phát - chàng trai 9x (TPHCM) lại dành tâm huyết để làm nail (vẽ móng).
Trước khi đến với nail, Phát từng 2 lần thi trượt Đại học Mỹ thuật. Do hoàn cảnh khó khăn nên anh không có điều kiện theo học nữa.
"Mình từ bỏ thi đại học và xin đi làm công nhân tại xí nghiệp. Nhưng do quá đam mê vẽ nên chỉ 1 tháng sau là mình nghỉ việc. Mình đã lấy toàn bộ tiền lương (thời điểm đó là 3 triệu đồng) để mua dụng cụ vẽ, sau đó tự học tại nhà", Đại Phát chia sẻ.
Khi bắt tay vào hành trình học và sáng tạo nail, Phát từng nhiều lần bị gán mác "giới tính thứ 3" vì bộ môn này phần lớn là dành cho phái đẹp và những người yêu thích sự cầu kỳ, hoa mỹ. Là nam giới, lại làm nail nên không ít lần Phát bị hiểu lầm về giới tính của mình.
Bỏ ngoài tai tất cả những hiểu lầm không đáng có ấy để dốc hết tâm sức cho công việc và đam mê của mình, sau một thời gian đóng cửa tự học tại nhà thì tay nghề của Phát tiến bộ hơn. Phát bắt đầu mở những lớp dạy vẽ nhỏ lẻ và nhận dạy tận nhà cho các chị học làm nail để nâng cao tay nghề.
Không dừng lại ở đó, những bộ nail của Phát được sáng tạo mang tính nghệ thuật nhiều hơn, đó được coi là một tác phẩm hội họa và giờ đây bộ môn này được gọi là Nail Art vươn tầm thế giới với những cuộc thi danh giá và đã sở hữu hơn 30 giải thưởng tại các cuộc thi trong và ngoài nước.
Lê Đại Phát sở hữu hơn 30 giải thưởng về nail tại các cuộc thi trong và ngoài nước.
Cùng với đó, anh chàng 9x này còn là giám khảo của nhiều cuộc thi trong nước và sáng lập một học viện đào tạo vẽ tranh và nghệ thuật nail, với hàng trăm học viên tham gia. Đại Phát còn sở hữu một kênh TikTok (@phatnail, có hơn 2,1 triệu người theo dõi) chuyên chia sẻ những clip thú vị về các quy trình làm nên một tác phẩm nail nghệ thuật.
Mọi người dành cho Phát danh xưng "kiếp nạn của thợ làm nail", khi ngay cả người trong nghề nhìn bộ nail của Phát cũng không thể "bắt chước", hay khi khách hàng lấy sản phẩm của Phát làm mẫu cũng khiến thợ làm nail phải bó tay.
Khi công nghệ AI phát triển, rất nhiều những sản phẩm hội họa được ra đời chỉ bằng vài cú "click chuột". Lướt 1 vòng trên kênh TikTok của Đại Phát, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều mẫu nail cầu kỳ mà nếu chỉ nhìn qua ai cũng tưởng là sản phẩm của AI.
Từ những mẫu nail nắn nót đến từng đường cọ, đến mẫu pha lê độc lạ... tất cả đều được thổi hồn qua đôi bàn tay của Đại Phát. Đặc biệt, anh chàng cũng không ngại bị "bắt bài" hay học lỏm khi đăng tải toàn bộ công đoạn sáng tạo nail của mình.
Ngoài nail, Đại Phát còn nặn đủ thứ đồ vật nhìn không khác gì thực tế.
Không chỉ là một nghệ nhân nail nổi tiếng, Lê Đại Phát còn được biết đến với kênh "Phát tạp hóa" chuyên nặn đủ thứ đồ vật trên đời. Từ mỳ gói, bánh tráng trộn, hộp chân gà xả tắc, đến quả sầu riêng gai góc... với hình dáng chỉ bằng đầu ngón tay nhưng nhìn không khác gì thực tế.
Thậm chí, gói mỳ mà Phát làm ra còn đầy đủ cả gói gia vị, gói dầu, từng sợi mì được làm sống động như thật kèm cả trứng rán ngon lành khiến ai nhìn cũng phải trầm trồ trước sự khéo léo của anh chàng đa tài này.
Châu Anh
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//khoi-nghiep/nhung-chang-trai-kiem-bon-tien-tu-nhung-cong-viec-chi-danh-cho-phu-nu-1104425.html