Những chiến sĩ quân hàm xanh nơi miền lau trắng

Những chiến sĩ quân hàm xanh nơi miền lau trắng
một ngày trướcBài gốc
Quân dân Lạng Sơn chung tay quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới.
Ấn tượng “cửa khẩu số”
Điểm đầu tiên Đoàn chúng tôi đặt chân tới là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt, cửa khẩu này có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng góp phần bảo vệ bờ cõi miền biên ải của đất nước ta. Sau khi chụp ảnh lưu niệm, chúng tôi được Thiếu tá Trần Văn Hùng của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị giới thiệu về ý nghĩa lịch sử cột mốc 1116 biên giới Việt - Trung, giọng anh rõ ràng, rành mạch đầy niềm tự hào.
Cách đây 16 năm trước, cột mốc 1116 chính thức được đặt phía bên trái cửa khẩu Hữu Nghị, nơi có điểm khởi đầu của tuyến đường cao tốc từ Hà Nội sang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Kể từ đó, cột mốc biên cương 1116, ngoài nghĩa phân định ranh giới giữa hai quốc gia, còn là nơi thông thương phát triển kinh tế - xã hội và điểm du lịch biên giới mang nhiều ý nghĩa đúng như tên gọi của nó về tình hữu nghị giữa hai đất nước.
Đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị lần này, tôi vô cùng ấn tượng khi được tham quan và nghe các chiến sĩ biên phòng giới thiệu về “cửa khẩu số”. Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, trật tự an toàn biên giới, thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn còn thực hiện nhiệm vụ xuất nhập cảnh cho người dân và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hàng hóa thông thương tấp nập tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện Lạng Sơn đã đưa vào hoạt động cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động tại 4 cửa khẩu chính và ứng dụng nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh. Áp dụng thủ tục điện tử kết nối với cổng thông tin “một cửa” Quốc gia bằng hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh tự động và nền tảng cửa khẩu số, lực lượng biên phòng đã rút ngắn thời gian xuất nhập cảnh cho người dân và doanh nghiệp. Tận mắt chứng kiến mới thấy, thời đại 4.0, người dân chỉ cần quét mã số thông hành và nhận diện khuôn mặt, dấu vân tay…. chưa đầy 10 giây, đã làm xong thủ tục xuất cảnh.
Thượng tá Đoàn Duy Tiến, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, chia sẻ: Ứng dụng các thủ tục xuất nhập cảnh điện tử và cổng kiểm soát tự động nên dù mỗi ngày cửa khẩu hàng nghìn người xuất nhập cảnh nhưng không có tình trạng ùn tắc. Hữu Nghị hiện là cửa khẩu đảm nhiệm xuất nhập khẩu đến 80% số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh. Trung bình mỗi năm nơi đây đón khoảng 1,5 triệu lượt khách xuất nhập cảnh và gần 200 nghìn lượt phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu. Không riêng Hữu Nghị, kinh tế cửa khẩu đang đóng góp 70% vào GRDP (tổng sản phẩm) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới
Lạng Sơn có trên 231km đường biên tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) với 472 cột mốc, 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và các cửa khẩu phụ... được quân dân biên giới Lạng Sơn chung tay quản lý, bảo vệ. Đó là thông tin chúng tôi được Thượng tá Lều Minh Tiến, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn cung cấp tại buổi gặp mặt thân tình với Đoàn văn nghệ sĩ.
Chúng tôi còn được xem nhiều thước phim tư liệu về kết quả thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới của lực lượng BĐBP tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát các hoạt động xây dựng công trình trên biên giới giữa hai bên Việt - Trung; hướng dẫn các đồn biên phòng phối hợp với chính quyền cơ sở, các lực lượng, doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội và người dân triển khai xây dựng đường kiểm tra cột mốc; lắp cột, đèn theo mô hình "Thắp sáng đường tuần tra biên giới".
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị giới thiệu về ý nghĩa lịch sử của cột mốc 1116.
Đến nay, BĐBP tỉnh Lạng Sơn đã huy động các nguồn lực, trong đó có các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng được 286 đường kiểm tra cột mốc biên giới (bê tông hóa) với tổng trị giá gần 50 tỷ đồng; giao 35 tập thể, trên 820 gia đình trực tiếp tham gia nhiệm vụ bảo vệ biên giới. BĐBP tỉnh Lạng Sơn cũng đã giải quyết tốt các vụ việc phát sinh, nhiều nhất là tình trạng xuất nhập khẩu trái phép; đồng thời khám phá hàng trăm vụ án liên quan đến các loại tội phạm ma túy, mua bán người luôn là vấn đề “nóng” nơi biên giới.
Tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình "Lũy tre biên giới Việt" mà Thượng tá Lều Minh Tiến chia sẻ. Theo đó, lực lượng biên phòng đã trao tặng 16 nghìn cây tre giống trị giá trên 350 triệu đồng cho các hộ dân trồng, quản lý, hình thành một “vành đai xanh” trên tuyến biên giới. Mô hình vừa tạo sinh kế cho người dân (thu hoạch măng bát độ), cũng góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Mô hình này đã được Ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương, khen thưởng và đề nghị nhân rộng trên toàn quốc.
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”
Xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Lạng Sơn luôn phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó mật thiết với bà con nơi biên giới, thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị, địa bàn, chủ trương, chính sách; cùng ăn, ở, làm và cùng nói tiếng đồng bào).
Ngay từ đầu năm 2024, các đồn biên phòng đã cử gần 200 đảng viên tham dự sinh hoạt tại trên 100 chi bộ thôn (khu); phân công đảng viên phụ trách hơn 800 hộ. Đảng viên các đồn biên phòng đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở xây dựng hệ thống chính trị ở khu vực biên giới vững mạnh. Đồng thời, chủ động nắm bắt hoàn cảnh gia đình người dân, tâm tư, nguyện vọng của các gia đình để có những tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo đơn vị giúp đỡ người dân phát triển kinh tế.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Ma bên cột mốc 1233/2.
Là BĐBP, các anh có những nét riêng đặc thù “nặng gánh” hơn các vùng miền khác bởi việc ăn ở, tiếp xúc với người dân nơi biên giới, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Quá trình xử lý công việc, các anh gặp rất nhiều chuyện “bất thành văn” từ việc người dân vượt biên trái phép, tiếp tay đưa đón hàng cấm, buôn bán, bắt cóc phụ nữ trẻ em cần giải cứu… Trong bữa cơm thân mật cùng cán bộ, chiến sĩ, tôi được anh Trịnh Hoằng Biên, BĐBP tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Vụ việc phát sinh trên địa bàn biên giới, dù nửa đêm, thời tiết mưa bão hay ngày lễ, Tết, anh em cũng phải lên đường. Vì nhiệm vụ, có đồng chí vợ sinh con cũng không ở bên cạnh để chăm lo, nhà có tang không về kịp. Nhất là đợt dịch COVID-19 hoành hành, lực lượng biên phòng đã xây dựng 150 “lá chốt” kiểm soát phòng dịch nơi biên giới, khi đó, có đồng chí 2-3 tháng không được về nhà.
Nghe lời tâm sự của anh Biên, chúng tôi thông cảm và thật lòng chia sẻ với các anh, những con người cũng bằng xương bằng thịt, cũng có biết bao nỗi niềm riêng nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng cao cả, các anh đã gác lại việc nhà, tạm xa gia đình thân yêu, không quản ngày đêm gió sương vất vả kiên trì bám chốt, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.
Tạm biệt miền ải bắc trong tâm trí mỗi chúng tôi vẫn còn khắc họa mãi hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ BĐBP mang quân hàm xanh bồng súng hiên ngang tuần tra giữa bạt ngàn lau trắng dọc đường lên những cột mốc biên cương Tổ quốc. Lòng thầm cảm ơn và chúc cho các anh Xuân này và những Xuân tiếp theo sẽ luôn vững vàng, kiên cường, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ chủ quyền đất nước, cho nhân dân đón Tết an vui, hạnh phúc…
Duy Phương
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/phong-su-ghi-chep/202501/nhung-chien-si-quan-ham-xanh-noimien-lau-trang-278062d/