Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 5)

Những chiến sỹ Cao Bằng góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 (kỳ 5)
10 giờ trướcBài gốc
Về xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Châu Quốc Hội, người lính lái xe Trường Sơn năm xưa. Năm nay bước sang tuổi 74, nhưng những ký ức hào hùng về những tháng năm tuổi trẻ, cùng với chiếc xe không có kính, vượt qua những cung đường hiểm trở dưới làn mưa bom, bão đạn vẫn vẹn nguyên trong ông. Những chiến công thầm lặng của ông và các đồng đội góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của Chiến dịch mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Vượt bom rơi, lửa đạn, đưa những chuyến hàng an toàn ra tiền tuyến
Sinh ra và lớn lên tại xóm Án Lại, xã Nguyễn Huệ (Hòa An). Năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hội lên đường nhập ngũ, khi mới 20 tuổi. Sau 6 tháng huấn luyện, được giao nhiệm vụ lái xe vận chuyển vũ khí đạn dược, thực phẩm, chiến sỹ và kéo pháo trong Sư đoàn 968. Không biết ông đã đi qua bao tuyến đường, chỉ biết cây rừng Trường Sơn đã che chắn bảo vệ cho bộ đội qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, giúp ông và đồng đội vận chuyển những chuyến hàng an toàn phục vụ cho trận chiến.
Ông Châu Quốc Hội cùng con trai ôn lại những kỷ niệm trong quân ngũ.
Mùa khô năm 1973 -1974, đại đội của ông Hội gồm 22 xe, được lệnh vận chuyển đạn dược qua tuyến đường 20 quyết thắng. Đây là tuyến đường chi viện huyết mạch cho chiến trường miền Nam, dài 125 km, để phong tỏa tuyến đường chiến lược này, đế quốc Mỹ đã rải xuống đây hàng triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học… tuy nhiên, lực lượng bộ đội Trường Sơn, lực lượng Thanh niên xung phong kiên cường bám trụ, hàng trăm tọa độ lửa và hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trên tuyến đường huyết mạch này. Một bên đèo cao, một bên vực sâu, địa hình hiểm trở, nhiều đoạn đường bị dội bom, được vá tạm thời, thậm chí có chỗ còn chưa kịp san lấp cũng không ngăn cản được ý chí quyết tâm đưa bằng được những chuyến hàng, vũ khí, bộ đội vào chi viện cho tiền tuyến ác liệt.
Ánh mắt trầm ngâm xa xăm, giọng ông lúc cao trào sôi động, lúc trầm lắng, nghẹn ngào, ông kể lại: Hôm đó, vào khoảng 12 giờ trưa, tranh thủ thời gian theo quy luật ném bom của địch, ông được lệnh vượt đèo Phu La Nhích trên tuyến đường 20 quyết thắng. Đến đoạn đường vừa mới bị dội bom, một chiếc xe trong đoàn bị trượt vào hố bom kẹt cứng không di chuyển được. Nhìn chiếc xe lòng tôi chùng xuống, nhưng vẫn đi tiếp không được dừng lại, thoát được xe nào tốt xe ấy, xe có bị bắn cháy, đồng đội có hy sinh cũng phải chịu đựng vì mục đích lớn hơn, đó là nguyên tắc mà người lính lái xe nào cũng phải tuân thủ. Nhiệm vụ của người lái xe đòi hỏi phải thực sự kinh nghiệm, bản lĩnh. Khi vận chuyển ban ngày, nguy cơ bị lộ cao, người chiến sĩ lái xe khi ấy có thể nói là nhận nhiệm vụ “cảm tử” vì máy bay của địch được trang bị kỹ thuật hồng ngoại tuyến và vũ khí hạng nặng để phát hiện và tiêu diệt xe ta cả ngày lẫn đêm, với những kỹ thuật hiện đại, độ chính xác gần như tuyệt đối. Xe nào may mắn không bị bắn cháy cũng hư hỏng nặng, nhẹ thì bay hết kính. Đó là những chiếc xe đúng như trong bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của tác giả Phạm Tiến Duật “Không có kính không phải vì xe không có kính/Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/Ung dung buồng lái ta ngồi/Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. Ban ngày là vậy, còn ban đêm, xe sử dụng đèn gầm để chạy, nhiều xe phải đập bỏ kính lái phía trước để lái xe nhìn thấy đường đi, đồng thời tránh pháo sáng của địch phát hiện, vừa đi vừa mò mẫm băng rừng, vượt suối trên những cung đường sâu thăm thẳm.
Giai đoạn 1974 - 1975, cuộc chiến vào hồi khốc liệt, đường mòn Trường Sơn cũng bị bắn phá, chia cắt dữ dội. Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ, đối mặt với nhiều giây phút sinh tử, nhưng chưa bao giờ ông Hội và các đồng đội của mình nao núng, không có con đường nào là không thể vượt qua, không vũ khí nào của kẻ thù có thể ngăn cản chúng tôi tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mãi tự hào là chiến sỹ Trường Sơn
Theo ông Hội, anh em lái xe gian khổ, hy sinh cũng nhiều nhưng vẫn chưa là gì so với những đơn vị, lực lượng khác. Trên những tuyến đường đi qua, chúng tôi luôn nhận được sự đùm bọc, chở che của các lực lượng khác, trong đó phải kể đến dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong cắm cờ chỉ điểm ở những vị trí có hầm để khi pháo sáng của địch chớp, báo hiệu địch ném bom xuống xe của mình là bộ đội kịp thời nhảy xuống xe lao vào hầm trú ẩn ngay. Rồi khi máy bay địch rút, nơi chúng tôi đi qua là những mất mát, đau thương. Trước những cảnh tượng đó, đôi tay tôi run lên cùng chiếc vô lăng, nước mắt rơi nhạt nhòa, máu trong người như sôi lên sùng sục vì lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm tiêu diệt giặc càng thêm mãnh liệt, thôi thúc chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước, quyết tâm vì những đồng chí, đồng đội đang chiến đấu, những đồng đội đã anh dũng hy sinh, vì mục tiêu cao cả đánh đuổi kẻ thù, thống nhất đất nước. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, những hy sinh, mất mát đó sẽ không uổng phí, hàng trăm tấn, vũ khí, lương thực đã kịp thời được đưa ra tiền tuyến, góp phần không nhỏ tạo nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến cuối tháng tư năm 1975, vào thời khắc lịch sử ngày 30/4 lịch sử ấy, khi ông Châu Quốc Hội và các đồng đội đang chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ tại đơn vị thì nhận được tin quân ta đã chiến thắng, miền Nam được giải phóng hoàn toàn, cả đơn vị vỡ òa niềm hạnh phúc ôm trầm lấy nhau ăn mừng chiến thắng. Sau giải phóng miền Nam, ông Hội tiếp tục phục vụ trong quân ngũ đến năm 1982, ông chuyển ngành về công tác tại Công ty Thương nghiệp Cao Bằng và nghỉ chế chế độ năm 1993. Dù ở bất kỳ công việc nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhất công việc được giao và được cơ quan khen thưởng, đồng nghiệp tin yêu, kính trọng. Với những công lao và đóng góp của mình, ông được trao tặng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng 2, 3; Huân chương Kháng chiến chống mỹ hạng nhì… và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Là lính Trường Sơn vào sinh ra tử trận mạc, về đời thường, ông Hội luôn hang say trong lao động và sản xuất, không những phát triển kinh tế cho gia đình mà còn giúp nhiều gia đình cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ chuyển đổi kinh tế. Với sự tín nhiệm của bà con, từ năm 1998 đến nay ông được bầu giữ nhiều chức vụ tại xóm như: Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã… ông tiếp tục đóng góp công sức cùng bà con xây dựng quê hương. Phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính, ông luôn giáo dục con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, tiếp bước truyền thống cha anh, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thế Hiển
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/nhung-chien-sy-cao-bang-gop-phan-lam-nen-dai-thang-mua-xuan-1975-ky-5-3176795.html