.t1 { text-align: justify; }
Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thông tư quy định rất chi tiết, cụ thể vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm. Cần khẳng định một lần nữa rằng, Thông tư 29 không cấm giáo viên dạy thêm. Những quy định tại Thông tư 29 là để ngăn chặn và xử lý những hoạt động dạy thêm tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và ảnh hưởng đến học sinh.
Trong đó, nội dung của Thông tư quy định đối với giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không được dạy học sinh chính khóa có thu tiền; Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Khi giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
Còn đối với cá nhân hoặc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền sẽ phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
Bảng mẫu số 2 công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại cơ sở nơi dạy thêm đặt trụ sở đối với hoạt động tuyển sinh các khóa học thêm theo quy định tại Thông tư 29.
Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; Danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này)...
Sau gần 3 tháng triển khai Thông tư 29, qua khảo sát và thông tin từ bạn đọc, đã cho thấy nhiều chiêu được trung tâm, giáo viên sử dụng để "lách" quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo đó, trung tâm tư vấn giáo viên về việc mở cơ sở trực thuộc trung tâm tổ chức dạy thêm cho học sinh chính khóa và cách "lách luật".
Theo đó, họ sẽ làm hai loại hợp đồng gồm, hợp đồng thỉnh giảng và hợp đồng trợ giảng. Vào buổi dạy của giáo viên cho chính học sinh trên lớp, trung tâm sẽ làm lịch phân tiết đó và bảo thầy (thầy giáo đang dạy học sinh chính khóa) đang trợ giảng. Cơ sở vẫn đăng ký thông tin của giáo viên giảng dạy. Cùng với đó, trung tâm sẽ xếp lịch chéo giữa các giáo viên. Ví dụ, hôm nay có lớp Toán 10A, thì cơ sở sẽ phân bố lịch cho giáo viên lớp 10B giảng dạy. Tuy nhiên, thực tế giáo viên vẫn dạy cho chính học sinh của mình. Trung tâm chỉ sắp xếp chéo lịch của thời khóa biểu, nghĩa là ngày trước trung tâm sẽ ghi rõ lớp như thầy A dạy Toán lớp 10XX, nhưng giờ ghi là thầy A dạy Toán 10BB.
Về việc thu học phí, trung tâm sẽ trực tiếp thu, coi như là thu hộ giáo viên. Nếu kiểm tra, giáo viên không ảnh hưởng.
Để dạy thêm học sinh chính khóa, có giáo viên dặn học sinh nói dối
Theo phản ánh của phụ huynh, có những trường hợp giáo viên tổ chức dạy thêm cho học sinh chính khóa nhưng thầy cô hướng dẫn học sinh của mình nói dối.
Tại một số địa điểm dạy thêm, phóng viên khi hỏi học sinh về giá học thêm, học sinh rụt rè cho biết: "Tiền phòng do giáo viên trả trung tâm, gia đình cháu không phải đóng tiền bởi vì chúng cháu học thêm giáo viên dạy trên lớp. Theo Thông tư 29, nếu học thêm của giáo viên dạy chính khóa sẽ được học miễn phí". Trong khi đó, theo phụ huynh, học sinh đều phải đóng tiền không giáo viên nào dạy miễn phí ở trung tâm hay ở địa điểm thuê của nhà dân.
Theo đó, giáo viên nhắc học sinh, nếu có ai hỏi học của giáo viên dạy trên lớp hay không thì học sinh sẽ nói là không. Qua đó, việc dạy thêm của giáo viên với học sinh trên lớp sẽ không bị ảnh hưởng.
Điều này sẽ tác động tới tâm lý của học sinh, bởi với những em không quen nói dối, khi phải học cách lừa dối người khác, sẽ khiến các em cảm thấy khó xử. Việc dạy học sinh cách nói dối, cũng sẽ khiến học trò có cái nhìn về giáo viên của mình "méo mó".
Với việc dạy cách nói dối như vậy của một số giáo viên, phụ huynh cho rằng sẽ tác động tính cách, suy nghĩ của học sinh rất nhiều. Đó là học sinh sẽ không trung thực, tập cách lừa dối người khác và sau đó sẽ là nói dối bố mẹ.
Bên cạnh đó, việc giáo viên dạy học sinh cách nói dối cũng khiến xã hội nhìn nhận, đánh giá giáo viên sợ đánh mất lợi ích cá nhân trong việc dạy học sinh chính khóa.
Một trung tâm dạy thêm có nhiều cơ sở?
Qua thực tế khảo sát của phóng viên cho thấy, tại Hà Nội, một trung tâm có khá nhiều cơ sở tại các địa chỉ khác nhau. Điều này cũng gây băn khoăn. Phóng viên đã liên hệ với một luật sư từng hỗ trợ nhiều đơn vị thành lập cơ sở dạy thêm.
Theo vị luật sư, để thành lập một công ty kinh doanh về lĩnh vực giáo dục với ngành nghề về hoạt động dạy thêm sẽ phải đăng ký các thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính). Theo đó, chủ công ty sẽ đăng ký ngành nghề dạy thêm, thuê mặt bằng, thuê giáo viên, cơ sở vật chất....
Bên cạnh đó, công ty phải có Điều lệ hoạt động, và để làm thủ tục này cần hiểu Luật doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều người tìm đến công ty luật để được luật sư soạn thảo (mức phí thành lập doanh nghiệp là 2 triệu đồng).
Theo vị luật sư, công ty kinh doanh về hoạt động dạy thêm có thể mở trung tâm, chi nhánh, cơ sở... để tổ chức dạy thêm (tên gọi sẽ tùy theo chủ doanh nghiệp lựa chọn). Địa điểm hoạt động của trung tâm được đăng ký với Sở Tài chính và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh.
"Trung tâm có thể mở hàng chục, hàng trăm cơ sở cũng được. Nhiều cơ sở có tên là Trung tâm ABC... nhưng thực chất không phải là Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên được quy định tại Nghị định 125/2024 của Chính phủ", luật sư cho hay.
Luật sư chia sẻ thêm, đối với giáo viên khi muốn dạy thêm cho trung tâm, họ sẽ ký hợp đồng lao động với công ty.
Theo luật sư, hiện nay, khi công ty, doanh nghiệp đăng ký mở trung tâm dạy thêm, sẽ tùy thuộc vào từng địa phương. Ví dụ, ở tỉnh Hải Dương, công ty sẽ phải báo cáo với chính quyền ủy ban nhân dân cấp xã, còn ở thành phố Hà Nội sẽ không cần và khi xảy ra sai phạm thì các cơ quan chức năng mới xem xét kiểm tra, xử lý.
Mạnh Đoàn