Theo báo cáo từ Kaspersky, trong năm 2023 và 2024, hơn 5.260 vụ lừa đảo qua email đã bị phát hiện tại Việt Nam, chủ yếu do các nhóm tội phạm mạng Nigeria cầm đầu.
Kẻ gian không chỉ khai thác sự cả tin mà còn tạo ra những kịch bản đầy mê hoặc, từ tình yêu ảo cho đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn nhưng thực chất chỉ là cái bẫy để chiếm đoạt tài sản.
Các hình thức lừa đảo tình ái trực tuyến ngày càng tinh vi. Ảnh: Kaspersky
Lừa đảo tình ái: Yêu đương ảo, tiền thật
Không còn dừng lại ở những lời tỏ tình đơn thuần, các đối tượng lừa đảo đã chuyển sang giả danh doanh nhân thành đạt, người giàu mắc bệnh hiểm nghèo hay thậm chí là đại diện của hội kín Illuminati với lời mời gọi gia nhập tổ chức bí ẩn này để có quyền lực và tiền bạc.
Những nạn nhân, khi đã bị cuốn vào vòng xoáy của những câu chuyện được dựng lên khéo léo, sẽ dần bị dẫn dụ đến bước chuyển tiền cho những khoản phí tưởng chừng hợp lý như phí xử lý hồ sơ, phí pháp lý hay thậm chí là phí vận chuyển quà tặng xa xỉ.
Bản chất của những chiêu trò này không dựa vào các công cụ tấn công mạng phức tạp, mà khai thác lòng tin một cách có chủ đích.
Nhóm tội phạm duy trì các cuộc trò chuyện trong thời gian dài, làm quen, tâm sự, thậm chí đóng vai những người có địa vị để tạo cảm giác an toàn.
Chúng không vội vã yêu cầu đưa tiền ngay lập tức mà xây dựng lòng tin dần dần, tạo cho nạn nhân cảm giác đây là một mối quan hệ hoặc cơ hội thực sự đáng để đầu tư.
Chiêu trò lừa đảo của nhóm người Nigeria đã tồn tại trong nhiều năm và vẫn là một trong những hình thức lừa đảo trực tuyến tinh vi và linh hoạt nhất. Kẻ gian có thể giả danh nhân vật có thật hoặc hư cấu, dựng lên những câu chuyện phức tạp để thao túng nạn nhân. Không giống như nhiều hình thức tấn công mạng qua email khác dựa vào liên kết độc hại hoặc tệp đính kèm, những vụ lừa đảo này chủ yếu khai thác lòng tin.
- Bà Anna Lazaricheva, chuyên gia phân tích thư rác tại Kaspersky -
Lợi dụng các sự kiện thời sự
Một số vụ lừa đảo bị phát giác thậm chí còn có nội dung liên quan đến các sự kiện thế giới như đại dịch COVID-19.
Kẻ lừa đảo cũng lợi dụng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, với nội dung tuyên bố người nhận email đã may mắn trúng thưởng hàng triệu đô la từ Quỹ Donald J. Trump.
Trong một số trường hợp khác, để làm cho email trông đáng tin cậy hơn, kẻ gian thậm chí còn đính kèm hình ảnh các tài liệu nhằm xác nhận danh tính giả mạo của chúng.
Một email lừa đảo, cung cấp thông tin cá nhân giả mạo.
Thực tế, không chỉ người dùng cá nhân trở thành mục tiêu mà các doanh nghiệp cũng có nguy cơ mắc bẫy khi những kẻ lừa đảo giả danh nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm đối tác hợp tác.
Một số doanh nghiệp, vì tin vào viễn cảnh đầu tư béo bở, đã chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo để hoàn thành các thủ tục pháp lý giả mạo mà không hề hay biết mình đang rơi vào cạm bẫy.
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo gì?
Trong bối cảnh tội phạm mạng ngày càng tinh vi, cảnh giác là yếu tố quan trọng nhất để tránh trở thành nạn nhân.
Việc kiểm tra kỹ thông tin, xác minh danh tính qua nhiều kênh khác nhau và không bao giờ cung cấp dữ liệu cá nhân hoặc tài chính cho người lạ là những nguyên tắc cần thiết.
Dù một lời đề nghị có vẻ hấp dẫn đến đâu, việc tỉnh táo và đặt câu hỏi liệu đó có phải là sự thật hay không sẽ giúp bạn tránh được những hậu quả đáng tiếc.
Nhìn chung, lừa đảo trực tuyến không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của nạn nhân.
Một số người không chỉ mất tiền mà còn mất niềm tin vào các mối quan hệ, thậm chí rơi vào khủng hoảng tinh thần sau khi nhận ra mình bị lợi dụng. Điều này cho thấy, trong thế giới số đầy rẫy những cạm bẫy, không có gì quý giá hơn sự cẩn trọng và khả năng nhận diện nguy cơ trước khi quá muộn.
Vừa qua, UBND TP.HCM cũng đã có công văn yêu cầu các sở ban ngành TP tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.
Theo báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, trong năm 2024, người dùng Việt Nam đã mất khoảng 18.900 tỉ đồng do các hình thức lừa đảo trên mạng.
Mặc dù số lượng các vụ tấn công mạng bị ngăn chặn trong năm 2024 đã giảm gần 10 triệu vụ (19,8 triệu vụ) so với năm 2023, nhưng chúng ta không nên chủ quan.
An ninh mạng là một cuộc chiến không có hồi kết, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dùng để tạo nên một môi trường số an toàn và đáng tin cậy.
Tiểu Minh