Thiếu thuốc BHYT, người bệnh mua ngoài được thanh toán
Đây là mong chờ của hàng chục nghìn người bệnh trong suốt hơn 2 năm qua khi thiếu thuốc xảy ra tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Rất nhiều người bệnh có thẻ BHYT thời gian qua đi khám chữa bệnh gặp tình trạng bệnh viện thiếu thuốc và đã phải ra ngoài mua.
Bắt đầu tư 1/1/2025, Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực.
Theo đó, từ 1/1, theo Điều 3 Thông tư 22/2024/TT-BYT, trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc nằm trong danh mục BHYT nhưng thời điểm đó bệnh viện không có thuốc, bệnh nhân phải mua thuốc ngoài thì BHXH sẽ hoàn trả tiền lại cho bệnh nhân nếu đáp ứng điều kiện sau đây:
Tại thời điểm kê thuốc, chỉ định sử dụng thiết bị y tế mà không có thuốc, thiết bị y tế do đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch đã được duyệt theo một trong các hình thức như: Đấu thầu rộng rãi/đấu thầu hạn chế/chào hàng cạnh tranh/mua sắm trực tiếp/chào giá online/mua sắm online và đã thực hiện chỉ định thầu rút gọn nhưng không lựa chọn được nhà thầu; cơ sở y tế không có thuốc ngoài danh mục BHYT và không thể thay thế để kê đơn cho người bệnh; không chuyển người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác khi tình trạng sức khỏe của người bệnh không đủ điều kiện để chuyển tuyến…
Từ 1/1/2025, người bệnh hưởng BHYT phải mua thuốc ngoài do bệnh viện thiếu thuốc, người bệnh sẽ được BHXH chi trả.
Theo đó, cơ quan BHXH sẽ thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược.
Theo hướng dẫn này, việc hoàn tiền thuốc, thiết bị y tế cho bệnh nhân BHYT chỉ áp dụng đối với danh mục thuốc hiếm do Bộ Y tế đã ban hành. Hiện danh mục thuốc hiếm đang được Bộ Y tế điều chỉnh, bổ sung. Còn đối với các thiết bị y tế, chỉ bao gồm thiết bị y tế nhóm C, D theo phân loại rủi ro của thiết bị.
Trang thiết bị y tế thuộc loại C, D bao gồm các trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình cao và rủi ro cao. Chẳng hạn: Máy thở, thiết bị chụp cộng hưởng từ (MRI), thiết bị chụp cắt lớp vi tính (CT); thiết bị cấy ghép nội tạng, máy lọc máu, thiết bị hỗ trợ tim mạch (ECMO)...
Quỹ BHYT sẽ không thanh toán chi phí trực tiếp cho những vật tư y tế mà dễ dàng mua sắm sử dụng như: Bông, băng, cồn, gạc...
Vật tư y tế mà các bệnh viện thiếu chủ yếu là vật tư thông thường, không thuộc nhóm C, D.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), thông tư này chỉ để giải quyết tình huống, trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và không ai mong muốn phải áp dụng, nhưng phải ban hành để có cơ sở pháp lý xử trí khi xảy ra các tình huống thiếu thuốc, nhằm phần nào đó đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến trên
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vừa được công bố, có 8 điểm mới, trong đó quy định mức BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc. Mức hưởng 100% cũng được áp dụng khi người tham gia BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc. Họ cũng được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.
Người bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến trên, hưởng 100% BHYT.
Đặc biệt, trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo..., người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu và hưởng 100% BHYT.
Danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo của Bộ Y tế bao gồm 42 bệnh, nhóm bệnh trong đó có những bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, đột quỵ, bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, suy thận, thương tật vĩnh viễn, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt,....,
Người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện Bộ Y tế đang xây dựng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang thực hiện tích hợp giấy chuyển tuyến trên điện tử để giảm thủ tục hành chính cho người bệnh.
Bỏ quy định phân chia danh mục thuốc BHYT theo hạng bệnh viện
Từ 1/1, Thông tư 37/2024/TT-BYT của Bộ Y có hiệu lực. Cụ thể, Thông tư 37 bãi bỏ các cột phân hạng bệnh viện sử dụng thuốc; ghi chú về quy định tỷ lệ thanh toán, điều kiện thanh toán của thuốc...
Theo bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), trước đây, thuốc được sử dụng và thanh toán BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh theo hạng bệnh viện bao gồm: Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III và hạng IV; tuyến chuyên môn kỹ thuật bao gồm: Các tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã.
Thông tư 37 không phân chia danh mục thuốc được BHYT chi trả theo hạng bệnh viện.
Từ 1/1, không phân chia danh mục thuốc BHYT được chi trả theo hạng bệnh viện.
Việc không phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện có ưu điểm là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục, phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.
Việc này cũng khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển chuyên môn, kỹ thuật; thu hút nhân lực và khuyến khích phát triển năng lực của cán bộ y tế, đặc biệt tạo điều kiện phát triển cho y tế cơ sở do bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận và chi trả BHYT đối với thuốc.
Không phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện cũng góp phần hạn chế tình trạng người bệnh lựa chọn đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao, giảm bớt tình trạng quá tải tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao.
Ngoài ra, Điều 16 Thông tư 37/2024/TT-BYT cũng hướng dẫn một số trường hợp thanh toán thuốc tại trạm y tế xã.
Cụ thể, Quỹ BHYT thanh toán thuốc đối với các trường hợp người tham gia BHYT được quản lý các bệnh mạn tính tại trạm y tế xã.
Trạm y tế khám, kê đơn và cấp phát thuốc theo phạm vi hoạt động chuyên môn, dịch vụ kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thuốc được trạm y tế cấp phát theo kê đơn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn.
Trần Hằng