Từ ngày 1-5, Hà Nội quy định giá dịch vụ quản lý chung cư tối đa 16.500 đồng/m²/tháng. Ảnh minh họa: TL
Giá quản lý chung cư tại Hà Nội cao nhất là 16.500 đồng/m2/tháng
UBND Hà Nội đã ban hành Quyết định 33 về việc ban hành khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 1-5.
Theo đó, đối với nhà chung cư không có thang máy, giá dịch vụ tối thiểu là 700 đồng/m2/tháng, tối đa 5.000 đồng/m2/tháng.
Với nhà chung cư có thang máy, giá dịch vụ tối thiểu là 1.200 đồng/m2/tháng, tối đa 16.500 đồng/m2/tháng. Khung giá này chưa bao gồm các khoản thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ cao cấp như tắm hơi, bể bơi, truyền hình cáp, internet hoặc các dịch vụ cao cấp khác.
Quyết định này không áp dụng đối với các trường hợp nhà chung cư cũ thuộc tài sản công nhưng chưa được cải tạo, xây dựng lại; nhà ở xã hội dành riêng cho học sinh, sinh viên và công nhân ở theo hình thức tập thể, nhiều người trong một phòng.
Bổ sung quy định quản lý kho xăng dầu và điều hành giá bán lẻ
Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 18 sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 2-5.
Theo đó, thương nhân đầu mối và phân phối có kho xăng dầu phải báo cáo định kỳ hàng quý về Bộ Công Thương và Sở Công Thương địa phương, trước ngày 10 tháng đầu tiên của kỳ tiếp theo. Nội dung báo cáo bao gồm thông tin về kho, bể, dung tích và sản lượng xăng dầu qua kho. Sở Công Thương có trách nhiệm giám sát và báo cáo khi phát hiện vi phạm.
Ngoài ra, khi đại lý ký hợp đồng với nhiều thương nhân, cần bổ sung hồ sơ đề nghị sửa đổi Giấy xác nhận và Giấy chứng nhận theo quy định. Thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu cũng phải báo cáo sản lượng bán trong nước theo từng chủng loại từ ngày 21 tháng trước đến ngày 20 tháng cuối quí, để xác định tỷ trọng sản lượng xăng dầu nội địa và nhập khẩu trong công thức giá cơ sở.
Về điều hành giá, Bộ Công Thương sẽ công bố giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu dựa trên số liệu giá thành phần và ý kiến của Bộ Tài chính. Thông tư này bãi bỏ quy định về Tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu, nâng cao tính chủ động trong quản lý nguồn cung và giá cả thị trường.
Sửa đổi quy định về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tổ chức tín dụng Việt Nam
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại tổ chức tín dụng Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 19-5.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua cổ phiếu quỹ nếu cổ phiếu đó được tổ chức tín dụng mua trước ngày 1-1-2021. Quy định này nhằm phù hợp với Luật Chứng khoán năm 2019. Theo đó, công ty đại chúng phải hủy lượng cổ phiếu quỹ đã mua, thay vì giữ lại để bán như trước đây.
Về tỷ lệ sở hữu, tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam và không quá 50% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt như tổ chức tín dụng yếu kém hoặc ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể được nâng lên tối đa 49% theo phương án chuyển giao đã được phê duyệt.
Nghị định 69 cũng bổ sung nghĩa vụ đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, nếu tỷ lệ sở hữu vượt giới hạn cho phép, nhà đầu tư có tối đa 6 tháng để giảm tỷ lệ, đảm bảo tuân thủ quy định. Nhà đầu tư nước ngoài cũng không được tiếp tục mua thêm cổ phần cho đến khi tổng mức sở hữu quay trở lại trong giới hạn cho phép.
Quy định mới về chế độ công tác phí, chi hội nghị
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị, có hiệu lực từ ngày 4-5.
Một trong những điểm nổi bật là quy định về tiêu chuẩn mua vé máy bay công tác. Cán bộ lãnh đạo cấp Bộ trưởng và tương đương có thể mua vé hạng thương gia, trong khi các cán bộ khác có thể mua vé phổ thông linh hoạt nếu có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,8 đến 1,25. Trường hợp không có vé phổ thông, cán bộ có thể chọn vé hạng thương gia khi công tác đột xuất.
Mức phụ cấp lưu trú cũng được điều chỉnh, tăng lên 300.000 đồng/ngày và 400.000 đồng/ngày cho cán bộ công tác trên biển, đảo, cao hơn 100.000 đồng và 150.000 đồng so với hiện nay.
Về chi hội nghị, chi phí giải khát giữa giờ là 50.000 đồng mỗi buổi. Mức hỗ trợ tiền ăn cho khách mời dao động từ 150.000 đồng đến 300.000 đồng/người/ngày tùy theo địa điểm. Cán bộ công tác lưu động trên 10 ngày/tháng sẽ được hỗ trợ tiền gửi xe và xăng xe với mức tối đa 700.000 đồng/người/tháng.
Hoài Hương