Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 11/2024

Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 11/2024
4 giờ trướcBài gốc
Bỏ quy định giám sát CSGT bằng ghi âm, ghi hình
Thông tư 46/2024/TT-BCA của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 67/2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, có hiệu lực từ 15/11.
Thông tư 46 đã bỏ quy định người dân được thực hiện giám sát hoạt động của lực lượng CSGT thông qua việc ghi âm, ghi hình (có điều kiện).
Từ ngày 15/11, người dân giám sát CSGT thông qua 5 hình thức. (Ảnh: Minh họa).
Người dân được giám sát thông qua 5 hình thức: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Cục CSGT cho biết, việc giám sát của một số người dân có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định. Nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh CSGT làm việc và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật...
Thông tư 46 cũng bãi bỏ một số quy định về công khai thông tin trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của Công an.
Theo Cục CSGT, hoạt động của lực lượng CSGT ngoài việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn trực tiếp hoặc phối hợp với lực lượng nghiệp vụ thực hiện công tác phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Vì vậy, kế hoạch công tác là tài liệu mật hoặc nội bộ trong lực lượng.
Phạt đến 30 triệu đồng nếu xúc phạm người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11.
Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung hình thức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Đối tượng bị xử phạt là tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội -nghề nghiệp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam... Đối với hành vi nêu trên, Nghị định bổ sung việc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam từ 6 tháng đến 9 tháng.
Muốn thành lập hội phải có tài sản đảm bảo
Từ 26/11, Nghị định 126/2024/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động và quản lý hội sẽ chính thức có hiệu lực.
Hội được định nghĩa là tổ chức tự nguyện của tổ chức, công dân Việt Nam cùng lĩnh vực, ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 126 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Theo Nghị định 126, để thành lập hội thì cần đảm bảo nhiều điều kiện về tên gọi; có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp; có điều lệ, trụ sở; lĩnh vực hoạt động chính của hội định thành lập không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động…
Đáng chú ý, một trong các điều kiện để thành lập hội là phải có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.
Thành Nhân
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-trong-thang-11-2024-post319408.html