Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học
Thông tư số 29/2024 (Thông tư 29) của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ 14.2.
Thông tư 29 quy định các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Thông tư cũng quy định, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo mẫu).
Việc thanh tra học thêm, dạy thêm sẽ bắt đầu từ ngày 10/2 khi Thông tư 28/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục, có hiệu lực.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn
Thông tư 24/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 8.2.
Theo đó, từ năm 2025, ngoại ngữ sẽ trở thành bài thi tự chọn thay vì là bài thi bắt buộc như những năm trước đây. Số môn thi, bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay sẽ gồm môn toán, ngữ văn và một môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn.
Đối với các trường THPT thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi hoặc bài thi thứ ba do các cơ quan này lựa chọn.
Thông tư cũng quy định chỉ tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển và hàng năm chỉ tuyển sinh một lần vào cấp THCS.
Vi phạm hành chính trong kinh doanh bảo hiểm bị phạt tới 200 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.2.
Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền.
Mức xử phạt bằng tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân cho cùng hành vi vi phạm. Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng, đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng.
Giá điện sẽ được cải cách, tiến tới xóa bù chéo
Luật Điện lực (sửa đổi), hiệu lực từ ngày 1.2, quy định giá điện sẽ được cải cách để giảm dần và tiến tới xóa bù chéo. Giá bán lẻ điện đang áp dụng thống nhất toàn quốc, có bù chéo giá giữa các vùng, miền, hộ sử dụng (sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh).
Để xóa bù chéo giá điện, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng lộ trình giảm bù chéo, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Theo đó, biểu giá bán lẻ sẽ có nhiều thành phần, tối thiểu giá hai thành phần (gồm giá theo sản lượng điện tiêu thụ và công suất đăng ký) áp dụng cho các nhóm khách hàng khi điều kiện cho phép. Cơ chế giá điện cũng cần phù hợp với các nhóm sử dụng.
Ngoài ra, Luật quy định giá điện trúng thầu là mức tối đa để bên mua đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu. Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc đàm phán, hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư trúng thầu.
Luật cũng bổ sung chính sách phát triển điện hạt nhân sau nhiều năm phải tạm dừng. Theo đó, Nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, lưới điện truyền tải quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên.
Quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện. Việc đầu tư xây dựng, vận hành, chấm dứt hoạt động và bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quy định mới về xử lý tiền giả
Thông tư 58/2024 (Thông tư 58) hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành Ngân hàng có hiệu lực từ ngày 14.2.
Khi người dân, tổ chức phát hiện tiền có dấu hiệu nghi ngờ là tiền giả, các đơn vị phải đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền thật và xử lý theo hai trường hợp khác nhau. Nếu xác định là tiền giả đã được thông báo bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hoặc Bộ Công an, đơn vị phải thu giữ, lập biên bản theo mẫu quy định và đóng dấu, bấm lỗ tiền giả. Trường hợp tiền giả loại mới, đơn vị chỉ cần thu giữ, lập biên bản nhưng không đóng dấu hay bấm lỗ.
Đây là nội dung mà NHNN vừa ban hành trong Thông tư 58, đưa ra các quy định chi tiết về xử lý tiền giả và tiền nghi giả trong ngành ngân hàng. Thông tư này sẽ tác động trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi đối mặt với tình huống liên quan đến tiền giả trong giao dịch.
Theo đó, trong vòng hai ngày làm việc kể từ khi thu giữ tiền giả loại mới, các tổ chức phải thông báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền, bao gồm Cục Phát hành và Kho quỹ của NHNN hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh địa phương. Thông báo cần chứa các thông tin chi tiết về loại tiền, số lượng, seri và các đặc điểm của tiền giả.
Một điểm quan trọng trong thông tư là yêu cầu các đơn vị phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an gần nhất khi phát hiện các dấu hiệu tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, hoặc khi có từ 5 tờ tiền giả trở lên trong một giao dịch. Các trường hợp như tiền giả loại mới hay khách hàng không hợp tác trong việc lập biên bản cũng cần phải được báo cáo ngay.
Ngoài ra, thông tư cũng quy định rõ việc giao nộp tiền giả. Các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải giao nộp tiền giả cho NHNN chi nhánh địa phương hoặc Sở Giao dịch hàng tháng. NHNN có trách nhiệm kiểm tra tính xác thực của từng tờ tiền giả và yêu cầu đơn vị giao nộp hoàn trả ngang giá trị cho khách hàng nếu phát hiện có tiền thật trong số tiền giả.
NHNN chi nhánh và Sở Giao dịch có trách nhiệm giao nộp số tiền giả thu giữ ít nhất mỗi 6 tháng một lần về Kho tiền Trung ương. Việc này cũng có thể được kết hợp với việc điều chuyển tiền đi, đến của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư 58 mang đến một quy trình rõ ràng và nghiêm ngặt hơn trong việc xử lý tiền giả, nhằm bảo vệ sự ổn định và an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia.
Tuyết Nhung