Những chính sách nổi bật về kinh tế, xã hội có hiệu lực từ tháng 4/2025

Những chính sách nổi bật về kinh tế, xã hội có hiệu lực từ tháng 4/2025
19 giờ trướcBài gốc
Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại
Ngày 30/11/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/4/2025 và được thực hiện trong 5 năm.
Ảnh minh họa.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết 171/2024/QH15 nêu rõ, tổ chức kinh doanh bất động sản được nhận chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để thực hiện dự án thí điểm phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Các dự án thí điểm phải đáp ứng điều kiện như phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt.
Các tổ chức kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quy định mới về phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030
Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã đặt ra những nguyên tắc, tiêu chí và định mức quan trọng trong việc phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2026 - 2030. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2025.
Theo Nghị quyết, việc phân bổ vốn phải bảo đảm tập trung, hiệu quả, không dàn trải, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Nghị quyết quy định rõ thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn như sau: từ các dự án cấp bách, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đến hoàn trả vốn ứng trước và thanh toán nợ đọng xây dựng. Các chương trình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và dự án PPP cũng được ưu tiên trong danh sách phân bổ. Việc xác định thứ tự này nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng chậm trễ hoặc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm.
Nghị quyết cũng quy định các tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương, vốn địa phương, vốn trong nước và vốn nước ngoài giai đoạn 2026 - 2030.
Theo đó, các địa phương vùng miền núi, biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên phân bổ vốn để thu hẹp khoảng cách phát triển.
Về định mức phân bổ vốn giai đoạn 2026 - 2030, sẽ dành tối đa không quá 30% vốn ngân sách Trung ương để bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực (không bao gồm vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài).
Quy định về quản lý kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững
Thông tư số 09/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 20/4/2025, hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025.
Thông tư quy định các khoản chi nhằm phát triển hệ sinh thái kinh doanh bền vững, bao gồm xây dựng tài liệu, kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng và nhà đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng nhận thức, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quy định mới về phí duy trì hệ thống kiểm tra chứng thư chữ ký số
Thông tư số số 13/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư chữ ký số có hiệu lực từ ngày 10/4/2025.
Theo đó, đối tượng nộp phí, người nộp phí là các tổ chức có giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy. Đối với giấy phép chứng thực chữ ký số công cộng còn hiệu lực theo Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, tổ chức được cấp phép vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp phí.
Mức thu phí dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là 3.000 đồng/tháng/chứng thư chữ ký số cấp cho tổ chức, doanh nghiệp; dịch vụ cấp dấu thời gian, chứng thực thông điệp dữ liệu là 4.200.000 đồng/tháng/chứng thư chữ ký số cấp cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy.
Thời gian tính phí từ tháng chứng thư có hiệu lực đến tháng trước khi hết hạn, bị tạm dừng hoặc thu hồi.
Quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước
Nghị định số 44/2025/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2025.
Theo đó, việc chi trả lương, thưởng phải bảo đảm công khai, minh bạch, phản ánh đúng mức độ đóng góp của người lao động và ban điều hành.
Quỹ tiền lương được xác định theo 2 phương pháp: dựa trên mức lương bình quân hoặc đơn giá tiền lương ổn định, với điều kiện doanh nghiệp đã hoạt động đủ thời gian tối thiểu. Mỗi doanh nghiệp sẽ linh hoạt lựa chọn phương pháp phù hợp, thậm chí có thể áp dụng riêng cho từng lĩnh vực hoạt động nếu đủ điều kiện tách bạch các chỉ tiêu.
Quy định về xét tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”
Bộ Công an ban hành Thông tư số 20/2025/TT-BCA quy định về xét tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, có hiệu lực từ ngày 28/4/2025.
Thông tư số 20/2025/TT-BCA quy định về nguyên tắc, đối tượng, tiêu chuẩn, hồ sơ, tiến trình đề nghị xét tặng và trao tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 04/2025/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Thông tư số 04/2025/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, bao gồm: bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo; quy trình thực hiện kiểm định và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
Thông tư số 04/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/04/2025.
Thanh Hằng
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/nhung-chinh-sach-noi-bat-ve-kinh-te-xa-hoi-co-hieu-luc-tu-thang-4-2025.html