Các hành lang động vật hoang dã chạy qua các đồn điền cọ, kết nối các khu vực rừng tự nhiên và giúp voi dễ dàng di chuyển qua đó hơn.
Những con voi Borneo với chiều cao khoảng 2,7 mét, được phân là loài nhỏ nhất của voi châu Á và thấp hơn 60 cm so với các loài voi châu Phi.
Trong 40 năm qua, tiểu bang Sabah của Malaysia đã mất 60% môi trường sống trong rừng tự nhiên của voi do khai thác gỗ và trồng cây cọ dầu.
Theo một nghiên cứu, từ năm 1980 đến năm 2000, lượng gỗ xuất khẩu từ Borneo nhiều hơn tổng lượng gỗ xuất khẩu từ toàn bộ châu Phi và Amazon cộng lại.
Điều này khiến quần thể voi bị chia cắt và bị dồn vào những khu vực nhỏ của rừng được bảo tồn, chẳng hạn như những khu vực trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Kinabatangan, một khu vực ở vùng đồng bằng ngập lụt của Sông Kinabatangan, nơi có những khu rừng bản địa tồn tại trong các khu điền trang nông nghiệp lớn.
Tuy nhiên, nhà sinh thái học voi người Malaysia, Tiến sĩ Farina Othman, quyết tâm kết nối những môi trường sống này bằng cách xây dựng các hành lang cây hoang dã qua các đồn điền dầu cọ.
Bà đã thành lập tổ chức bảo tồn Seratu Aatai, có nghĩa là "sự đoàn kết", vào năm 2018 để nâng cao nhận thức về loài voi và giải quyết tình trạng gia tăng xung đột giữa người và voi.
Bà Othman có kế hoạch sử dụng số tiền thưởng để thu hút thêm nhiều chủ đồn điền và mở rộng hành lang động vật hoang dã.
Do các đồn điền, loài voi đã tiếp xúc thường xuyên hơn với con người, đôi khi phá hoại mùa màng và các tòa nhà. Điều này dẫn đến xung đột, và từ năm 2010 đến năm 2020, 131 con voi Borneo đã bị giết, chủ yếu là do các nguyên nhân liên quan đến con người.
Bà Othman cho biết, trong khi nhiều người hiểu được tầm quan trọng của loài voi như những kỹ sư hệ sinh thái thông qua việc phát tán hạt giống, và biết rằng, chúng đang bị đe dọa, thì nhiều người vẫn có thái độ "không ở trong sân nhà tôi" đối với chúng.
Bà đặt mục tiêu thay đổi lối suy nghĩ này.
"Ai khác có thể đảm nhiệm trách nhiệm đó? Tôi là người Malaysia, vì vậy tôi nghĩ đã đến lúc tôi cũng phải cố gắng giáo dục và nâng cao nhận thức", bà nói với CNN.
Vào ngày 30/4/2025, bà Othman là một trong sáu nhà bảo tồn được trao Giải thưởng Whitley năm 2025, bao gồm giải thưởng trị giá 50.000 bảng Anh (66.000 đô la) cho dự án của bà.
Giải thưởng này do Quỹ Whitley vì Thiên nhiên, một tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh, trao tặng, hỗ trợ các nhà bảo tồn cơ sở ở Nam Bán cầu.
Bà Othman sẽ sử dụng khoản tài trợ mới này để mở rộng mạng lưới hành lang voi trên khắp Sabah.
“Nếu chỉ có một đồn điền muốn làm điều này, thì sẽ không hiệu quả. Chúng ta cần tạo ra một tập đoàn gồm nhiều đồn điền để có thể kết nối hành lang này trở lại khu bảo tồn động vật hoang dã”, bà cho biết.
Theo CNN
Hoàng Vân