Những 'chứng nhân' lịch sử gắn với ngày Giải phóng Thủ đô

Những 'chứng nhân' lịch sử gắn với ngày Giải phóng Thủ đô
3 giờ trướcBài gốc
Từ những con phố cổ, nhà hát, đến những khu vực trọng yếu, từng khoảnh khắc hào hùng vẫn còn in dấu trong ký ức của người dân. Nhìn lại những khoảnh khắc lịch sử để cảm nhận được sự thay đổi, phát triển của những địa điểm này trong lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến.
1. Cầu Long Biên
Cầu Long Biên đã tồn tại hơn 100 năm, trở thành chứng nhân lịch sử gắn liền với quân và dân ta. Vào ngày 9-10-1954, những người lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu, quân đội Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô.
Những binh lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Ảnh tư liệu
Cầu Long Biên ngày nay. Ảnh: Dương Thảo
2. Bắc Bộ phủ (12 phố Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm)
Trước đây, Bắc Bộ phủ là cơ quan đứng đầu bộ máy cai trị Pháp ở Bắc Kỳ, dưới sự giám sát của Toàn quyền Đông Dương. Tòa nhà đã trải qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ khốc liệt. Bắc Bộ phủ là một trong những địa điểm đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản tại Thủ đô vào ngày lịch sử 70 năm về trước.
Bắc Bộ phủ trong những ngày xưa cũ. Ảnh tư liệu
Bắc Bộ phủ hiện nay là tòa Nhà khách Chính phủ tọa lạc ở số 12 phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Dương Thảo
3. Khu Thành cổ (Hoàng thành Thăng Long)
Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long chính là nơi Quân đội ta tập trung khi vào tiếp quản Thủ đô trong ngày 10-10-1954. Di tích nằm ở hướng Nam của điện Kính Thiên thẳng trục với Cột cờ Hà Nội.
Các cánh quân của Đại đoàn 308 vào tiếp quản Thủ đô sáng 10-10-1954. Ảnh tư liệu
Hoàng thành Thăng Long có địa chỉ tại 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Dương Thảo
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải), Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố và bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10-10-1954. Ảnh tư liệu
Đoan Môn ngày nay là một điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Ảnh: Dương Thảo
4. Cột cờ Hà Nội
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. Đến Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, một lần nữa lá quốc kỳ lại tung bay trên đỉnh kỳ đài lịch sử. Đây đã trở thành nơi di tích lịch sử của Thủ đô và cả nước.
Cột cờ Hà Nội - một trong chứng nhân lịch sử trong Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh tư liệu
Cột cờ Hà Nội tọa lạc tại 28A Điện Biên Phủ (Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Dương Thảo
5. Đường Kim Mã
Vào ngày trọng đại của 70 năm trước, người dân Thủ đô đứng kín hai bên tuyến phố Kim Mã để chào đón Đại Đoàn 308 vào tiếp quản Thủ đô. Hiện nay, tuyến phố Kim Mã vẫn luôn tấp nập phương tiện giao thông lại qua lại, đóng vai trò là một trong những trục giao thông quan trọng của Hà Nội.
Các đơn vị cơ giới của Đại đoàn 308 tiến vào Thủ đô trên đường Kim Mã, sáng 10-10-1954. Ảnh tư liệu
Kim Mã là một trong những tuyến đường quan trọng của Thủ đô. Ảnh: Dương Thảo
6. Ga Hà Nội (số 120 đường Lê Duẩn, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội)
Ga Hà Nội cũng là một trong những cơ sở đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản từ quân Pháp. Công trình này được xây dựng và hoàn thành vào những năm đầu của thế kỷ 20, có quy mô lớn nhất Đông Dương thời kỳ đó. Hiện nay, nhà ga vẫn luôn nhộn nhịp du khách trong và ngoài nước.
Ga Hà Nội - một trong những cơ sở đầu tiên quân ta tiếp quản từ quân Pháp. Ảnh tư liệu
Ga Hà Nội vẫn luôn là điểm nhộn nhịp khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Dương Thảo
7. Chợ Đồng Xuân
Chợ Đồng Xuân được Pháp xây dựng năm 1890. Từ sau ngày Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản Hà Nội, chợ Đồng Xuân đóng vai trò là chợ lớn nhất tại Thủ đô. Ngày nay, chợ Đồng Xuân là nơi giao thương tấp nập của các thương lái không chỉ của Hà Nội mà cả nước.
Chợ Đồng Xuân, nhộn nhịp từ những ngày xưa cũ. Ảnh tư liệu
Mỗi ngày, chợ Đồng Xuân đón một lượng lớn khách tham quan, mua sắm. Ảnh: Dương Thảo
8. Khu vực Cửa Nam
Cửa Nam là nơi cánh quân phía Tây của Đại đoàn 308 từ Ô Cầu Giấy tiến về tiếp quản Thủ đô trong sáng 10-10-1954. Đây là một địa điểm đã chứng kiến sự lẫy lừng của quân ta trong ngày trọng đại ấy.
Đại đoàn 308 từ Ô Cầu Giấy tiến về tiếp quản Thủ đô trong sáng 10-10-1954. Ảnh tư liệu
Cửa Nam ngày nay. Ảnh: Dương Thảo
9. Nhà hát Lớn Hà Nội (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Vào 15 giờ ngày 10-10-1954,Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi hồi còi báo hiệu lễ thượng cờ lịch sử vang lên. Cho đến nay, Nhà hát là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của Hà Nội. Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của thành phố và cả nước.
Lễ thượng cờ lịch sử diễn ra tại Nhà hát Lớn. Ảnh tư liệu
Nhà hát Lớn trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Dương Thảo
THÙY DƯƠNG - THANH THẢO (tổng hợp)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/nhung-chung-nhan-lich-su-gan-voi-ngay-giai-phong-thu-do-797775