Lưu giữ những dấu tích
Trên quãng đường hơn 50km từ TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến mảnh đất huyền thoại của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi, nhiều du khách nói rằng, nghe nhiều về miền đất được xem như một điểm nhấn trong bức tranh du lịch Đắk Lắk, mặc dù biết mùa khô nắng gió, nhưng vẫn quyết đi. Họ đi để biết, để được trải nghiệm những đặc sản ở vùng đất đa sắc màu này.
Gần trưa, con đường nhựa chạy giữa buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) nắng chói chang. Dừng chân trước ngôi nhà sàn gỗ bên dòng Sêrêpốk hùng vĩ, chị Nguyễn Phương Hoàng Yến (du khách Đà Nẵng) chia sẻ, ngôi nhà cổ của vua săn voi Y Thu 140 năm tuổi, một điểm nhấn du lịch ở đây. Tôi từng vào tham quan cách đây vài năm. Du khách tìm đến đây ngoài thăm ngôi nhà sàn cổ hơn trăm năm tuổi còn chiêm ngưỡng nét đặc trưng kiến trúc văn hóa và tìm hiểu câu chuyện về cuộc đời của vị vua săn voi này.
Ông Y Hăn Bkrông (67 tuổi) và nhiều người già ở Buôn Đôn cho biết, lúc họ sinh ra và lớn lên đã thấy ngôi nhà sàn của vua săn voi Y Thu Knul to và đẹp nhất Bản Đôn (cũ). Khi còn sống, ông Y Thu Knul là người có tiếng nói quan trọng trong cộng đồng các dân tộc Êđê, Mnông,... cùng chung sống bên dòng Sêrêpốk.
Ngôi nhà cổ này được ông xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, theo kiến trúc chùa tháp của Lào - Thái. Công trình gồm 3 gian song song liền kề, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Theo tư liệu gia phả ghi lại, để làm ngôi nhà này, chủ nhân đã huy động 18 con voi vào rừng khai thác gỗ, cùng 14 thợ lành nghề do thợ cả Tha Vi Vông Khăm Sao (một nghệ nhân điêu khắc gỗ người Lào) chịu trách nhiệm thiết kế, khởi công từ tháng 10/1883 và hoàn thành tháng 2/1885.
Trong oi bức của mùa khô Tây Nguyên, bước vào nhà, cảm giác mát lạnh xâm chiếm. Ngày nay nghề săn voi chỉ còn lại trong những câu chuyện kể. Trải qua hơn trăm năm thăng trầm, những dấu tích của nghề săn voi vẫn được lưu giữ. Những tấm bảng đặt cạnh hiện vật ghi rõ tường tận từng vật dụng. Sợi dây da trâu dài từ 90-120m là dụng cụ chính phục vụ cho việc săn bắt voi rừng.
Để tạo ra một bộ dây thừng hoàn chỉnh, cần sử dụng da của bảy con trâu đực. Sau khi được bện kỹ lưỡng, dây được phơi trên cây trong suốt 3 tháng (cả ngày lẫn đêm) và chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã làm lễ cúng trong một mùa rẫy. Dây chắc, bền, sử dụng cả trăm năm mà không mục nát.
Nhiều lễ hội truyền thống được bà con duy trì, phát huy và bảo tồn
Tấm nệm lót bành voi, chỉ dành riêng cho thợ săn có kinh nghiệm, săn ít nhất 72 con voi, được làm từ da min (trâu rừng). Chiếc mâm đồng được đưa từ Lào vào Việt Nam năm 1859, là vật dụng dùng để đặt lễ vật cúng thần trước mỗi cuộc hành trình săn voi.
Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Buôn Đôn cho hay, tại địa bàn huyện còn lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến gia tộc săn voi Y Thu Knul, trong đó có ngôi nhà sàn cổ. Trước đây, ngành văn hóa đã đặt vấn đề về công tác bảo tồn đối với ngôi nhà này nhưng gia đình không đồng ý. Thời gian qua, ngôi nhà sàn cổ trở thành một điểm đến thú vị.
Đang dọn dẹp khu mộ, ông Y Phương (70 tuổi) cho biết, khu lăng mộ này vừa là một công trình kiến trúc độc đáo, vừa là một nét văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc nơi đây. Ở khu mộ này vua săn voi chỉ có một, còn lại là Gru (dũng sĩ hay nghệ nhân săn voi). Ông Y Thu Knul (1828 - 1938) có bố người Mnông, mẹ người Lào.
Ông Y Thu là ông tổ của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng tại khu vực Tây Nguyên. Ông được vua Xiêm La gọi là Khun Su Nốp, có nghĩa “Vua săn voi” khi hiến tặng một con bạch tượng. Bao năm nay, gia đình ông Y Phương vẫn trông coi và dọn dẹp cho khu mộ này.
Cần tạo sản phẩm đặc trưng
Chiều buông, những khu hàng hóa đa sắc màu với sản phẩm đặc trưng của người Êđê, Mnông, Lào…thu hút một vài nhóm du khách. Lựa chiếc túi có họa tiết thổ cẩm, chị Nguyễn Thảo Tường Vy (du khách Hà Nội) cho biết, chị và 2 cô con gái khá thích hàng thổ cẩm, lần nào đi du lịch đến đây đều mua vài món về lưu niệm.
Du khách tham quan, tìm hiểu các kỷ vật liên quan đến nghề săn voi
Gia đình chị thường chọn đến đây đúng mùa lễ hội, để được trải nghiệm tìm hiểu nhiều nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc. “Năm vừa rồi, gia đình tôi đến đúng dịp diễn ra lễ hội Bunpimay là tết cổ truyền của người Lào. Mê mẩn điệu múa lăm vông uyển chuyển của các cô gái Lào. Được trải nghiệm các hoạt động: Lễ hội hoa đăng - thả bè - lễ cầu may, lễ tắm Phật, đắp tháp cát, giao lưu văn nghệ, thưởng thức ẩm thực Lào”, chị Vy cho hay.
Lễ công bố buôn Du lịch cộng đồng Buôn Trí, buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện Buôn Đôn
Ông Bun Mi Lào (xã Krông Na) chia sẻ, ở đây, nhìn qua khó có thể phân biệt đâu là người gốc Lào, đâu là người Êđê, Mnông. Người Êđê lấy người Lào, người Lào lấy người Mnông không còn là chuyện hiếm hoi nữa. Đến nay vùng đất Buôn Đôn đã có trên 100 hộ gia đình người Việt gốc Lào, tập trung chủ yếu ở xã Krông Na.
Buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn hiện có khoảng 350 hộ, với 12 dân tộc cùng sinh sống như Lào, Êđê, Kinh, Mnông, Gia Rai... Nơi đây còn duy trì nhiều lễ hội truyền thống và văn hóa ẩm thực độc đáo của các dân tộc. Hiện nay, Buôn Trí vẫn còn giữ được trên 100 ngôi nhà sàn truyền thống; các nghề thủ công đan lát, dệt thổ cẩm, ủ rượu cần...
Trong năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ công bố buôn Du lịch cộng đồng Buôn Trí. Đây là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện Buôn Đôn.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk - Nguyễn Thụy Phương Hiếu chia sẻ, để mô hình du lịch cộng đồng Buôn Trí phát triển ổn định, bền vững, Ban Quản lý Du lịch cộng đồng Buôn Trí thực hiện tốt quy chế hoạt động, cùng người dân quản lý phát huy tốt các tài sản được hỗ trợ, đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm các dịch vụ, môi trường, văn minh, giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Các doanh nghiệp du lịch lữ hành phối hợp cùng Ban Quản lý du lịch cộng đồng buôn quan tâm xây dựng chương trình du lịch gắn với hoạt động du lịch của buôn.
NGUYỄN THẢO