Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) tại cuộc gặp ở Bishkek, Kyrgyzstan, ngày 13/6/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Kênh RT của Liên bang Nga chiều 21/7 đăng bài của chuyên gia Ladislav Zemánek tại Câu lạc bộ Thảo luận Valdai, đồng thời là nghiên cứu viên thuộc Viện Trung Quốc – Trung & Đông Âu, cho biết vào trung tuần tháng 7, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã sang thăm Trung Quốc. Đây là chuyến công du đầu tiên của Ngoại trưởng Ấn Độ sau gần sáu năm, đánh dấu một nỗ lực tái thiết quan hệ còn dè dặt nhưng quan trọng giữa hai cường quốc châu Á. Tại Bắc Kinh, ông Jaishankar đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Vương Nghị, và Phó Chủ tịch nước Hàn Chính. Dù chuyến thăm chưa mang lại đột phá lớn, nhưng là bước đi đáng kể hướng tới việc nối lại tiếp xúc cấp cao và dần tiến đến bình thường hóa.
Sự kiện diễn ra vào thời điểm mang tính biểu tượng – kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước – và phản ánh một thực tế kép: sự xích lại từng bước song song với cạnh tranh chiến lược dai dẳng.
Ông Jaishankar, người đại diện cho phái ôn hòa và thực dụng trong giới hoạch định chính sách đối ngoại Ấn Độ, vẫn tiếp tục ủng hộ hợp tác với Trung Quốc và thúc đẩy vai trò của Ấn Độ trong các thể chế đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và khối BRICS. Sự hiện diện của ông tại Bắc Kinh cho thấy nỗ lực cân bằng lại cách tiếp cận của Ấn Độ đối với mối quan hệ phức tạp với láng giềng phương Bắc.
Tầm quan trọng của quan hệ Trung – Ấn vượt xa khuôn khổ song phương. Đây là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, có nền kinh tế tăng trưởng nhanh và là những nền văn minh cổ đại, ngày càng có ảnh hưởng trong Nam toàn cầu (Global South). Vì lẽ đó, việc hai nước quản lý căng thẳng và phát triển hợp tác có ý nghĩa sâu sắc đối với trật tự khu vực và toàn cầu.
Những tiến triển gần đây trong quan hệ song phương
Quan hệ chính trị và tiếp xúc cấp cao giữa hai nước đã được nối lại, góp phần ổn định tình hình biên giới thông qua các biện pháp mới. Trao đổi trong nhiều lĩnh vực và các sáng kiến kết nối khu vực ngày càng gia tăng. Sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau vẫn mạnh mẽ, và sự phối hợp trong các tổ chức đa phương như SCO hay Liên hợp quốc trở nên hiệu quả hơn.
Một sự kiện mang tính bước ngoặt đã diễn ra vào tháng 10/2024, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Kazan. Cuộc gặp đánh dấu giai đoạn mới trong hợp tác giữa hai nước. Đáng chú ý, xu hướng tích cực này không bị gián đoạn bởi xung đột Ấn Độ – Pakistan vào tháng 5 vừa qua, cho thấy ý chí chính trị ngày càng lớn từ cả hai bên.
Về kinh tế, sự trao đổi, hợp tiacs giữa hai bên tiếp tục tăng trưởng. Trong năm 2024, Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ sau hai năm gián đoạn. Kim ngạch song phương đạt 118,4 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2023, cho thấy sự phụ thuộc ngày càng sâu sắc và là động lực thúc đẩy đối thoại.
Góc nhìn từ Trung Quốc
Từ phía Bắc Kinh, sự xấu đi trong quan hệ trong vài năm qua bị coi là “bất thường.” Giới chức Trung Quốc liên tục thúc đẩy ý tướng cải thiện quan hệ hai nước trên nhiều mặt. Trong diễn ngôn của Trung Quốc, Ấn Độ thường được mô tả là một nền văn minh phương Đông cổ đại, và mối quan hệ song phương được ví như “điệu tango giữa rồng và voi” – nhằm nhấn mạnh khả năng hòa hợp giữa hai nước lớn.
Trung Quốc coi Ấn Độ là một nhân tố không thể thiếu trong Nam toàn cầu, và kêu gọi xây dựng mối quan hệ không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào – tương tự như cách Bắc Kinh mô tả quan hệ với Liên bang Nga. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều thúc đẩy tầm nhìn về một thế giới đa cực, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa kinh tế. Trong bối cảnh này, có sự tương đồng giữa tầm nhìn “cộng đồng chung vận mệnh” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và khái niệm “Vasudhaiva Kutumbakam” (“thế giới là một gia đình”) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – xuất phát từ triết lý Ấn cổ đại về hòa hợp và kết nối. Sáng kiến Văn minh Toàn cầu do Trung Quốc khởi xướng cũng nhằm mục đích khôi phục các khuôn khổ văn hóa tiền hiện đại và sự đa dạng của các nền văn minh, phù hợp về mặt khái niệm với các xu hướng tương tự ở Ấn Độ.
Tại Bắc Kinh, ông Jaishankar tái khẳng định nguyên tắc tự chủ chiến lược và chính sách đối ngoại độc lập của Ấn Độ – điều rất gần với quan điểm ngoại giao của Trung Quốc. Ngoại trưởng Ấn Độ mô tả hai nước là đối tác phát triển, chứ không phải đối thủ, phản bác các luận điệu phương Tây thường gán cho mối quan hệ Trung – Ấn là đối đầu và đe dọa.
Vai trò của Mỹ và các yếu tố bên ngoài
Áp lực từ Washington, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh thương mại và chính sách ngoại giao thiếu nhất quán của Mỹ, là mối lo chung cho cả New Delhi và Bắc Kinh. Ấn Độ, Trung Quốc cùng các nước BRICS khác đang đối mặt với sự giám sát ngày càng gắt từ Nhà Trắng và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte, khi họ đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp do tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế với Liên bang Nga.
Chính những áp lực từ bên ngoài này có thể vô tình kéo Trung Quốc và Ấn Độ lại gần nhau hơn khi cả hai đều nỗ lực bảo vệ quyền tự chủ chiến lược và lộ trình phát triển riêng của mình.
Trong lịch sử, Mỹ luôn cố gắng khai thác bất đồng Trung - Ấn để ngăn cản hợp tác. Nhưng chiến lược đó có thể chỉ mang lại ít hiệu quả, khi cả Bắc Kinh và New Delhi ngày càng muốn định hình mối quan hệ theo cách của riêng họ.
Xem video do Truyền hình Trung ương Trung Quốc công bố về cuộc đụng độ ở biên giới Trung-Ấn ngày 15/6/2020 khiến nhiều binh sĩ tử nạn. Nguồn: CCTV
Thách thức vẫn còn đó
Bất chấp những xu hướng tích cực này, vẫn còn nhiều thách thức đáng kể. Tranh chấp biên giới chưa được giải quyết là vấn đề nhạy cảm và phức tạp nhất. Vụ đụng độ thung lũng Galwan năm 2020, khiến khoảng hai chục người thiệt mạng, đã làm quan hệ xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh vào tháng 6/2025 cho thấy mong muốn tìm kiếm giải pháp lâu dài.
Xung đột thương mại vẫn tiếp diễn. Ấn Độ đang phải đối mặt với các hạn chế nhập khẩu nam châm đất hiếm từ Trung Quốc, vốn rất quan trọng đối với các lĩnh vực chiến lược và công nghiệp. Việc Trung Quốc liên tục kiểm soát xuất khẩu gây gián đoạn sản xuất của Ấn Độ và cản trở đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc cũng là những rào cản. Ngược lại, Ấn Độ hạn chế đầu tư của Trung Quốc với lý do lo ngại an ninh quốc gia, đã cấm một số ứng dụng của Trung Quốc và tiến hành các cuộc đột kích vào các công ty Trung Quốc.
Về mặt địa chính trị, sự cạnh tranh ảnh hưởng khu vực tiếp tục gây căng thẳng cho quan hệ giữa hai nước. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Á và Ấn Độ Dương xung đột với các lợi ích chiến lược của Ấn Độ, đặc biệt là ở các quốc gia như Bhutan, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Ấn Độ đã liên tục từ chối tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chủ yếu do phản đối Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), chạy qua vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Các kế hoạch cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như xây dựng con đập lớn nhất thế giới trên sông Yarlung Zangbo, chảy vào Ấn Độ, vẫn là những điểm căng thẳng.
Hướng tới tương lai
Để vượt qua những trở ngại này, điều cần thiết là xây dựng một cơ chế tin cậy, ổn định và hiệu quả về biên giới giữa hai nước. Việc khôi phục các nền tảng đối thoại chiến lược và tăng cường hợp tác an ninh đa cấp là những bước đi thiết yếu hướng tới việc tạo dựng một mối quan hệ song phương trưởng thành và bền vững. Điều cần thiết là sự tương tác lâu dài, bền vững và có thể đo lường được, được hỗ trợ bởi ý chí chính trị bền bỉ, khuôn khổ tham vấn thực dụng, và - trên hết - sự tôn trọng lẫn nhau đối với các lợi ích cốt lõi của nhau.
Ở cấp độ thực tế hơn, hai nước có thể xem xét lại tiềm năng của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Nepal-Ấn Độ (CNIEC). Được Bắc Kinh đề xuất vào năm 2018 và được Kathmandu ủng hộ, CNIEC hướng tới sự kết nối và hội nhập kinh tế lớn hơn trên khắp khu vực Himalaya. Mặc dù Ấn Độ cho đến nay đã bác bỏ đề xuất này, nhưng việc xem xét lại nó có thể mang lại những lợi ích kinh tế và chiến lược chung.
Một bước đi cụ thể khác là khôi phục các cuộc tập trận quân sự, vốn đã được triển khai vào năm 2007 nhưng đã bị đình chỉ sau năm 2019. Hợp tác quân sự được đổi mới sẽ tăng cường lòng tin chiến lược và tính minh bạch.
Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ hơn trong lĩnh vực thủy chính trị là rất quan trọng. Bảy con sông lớn bắt nguồn từ khu vực Tây Tạng của Trung Quốc và chảy qua Ấn Độ. Điều này tạo ra cả rủi ro và cơ hội cho hai quốc gia.
Mặc dù việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Trung-Ấn có thể vẫn còn xa vời, nhưng những diễn biến mới nhất cho thấy một sự thay đổi thận trọng nhưng thực chất. Trong bối cảnh toàn cầu đầy bất ổn, phân cực và sự tái định hướng địa chính trị, hai “người khổng lồ” châu Á có thể hưởng lợi rất nhiều từ sự gắn kết thực dụng và tôn trọng lẫn nhau. “Rồng và voi” có thể vẫn giẫm lên chân nhau, nhưng “điệu tango” được dàn dựng công phu của họ một lần nữa lại bắt đầu.
Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nhung-chuyen-bien-than-trong-nhung-thuc-chat-trong-quan-he-trungan-20250722100621081.htm