Tác giả trò chuyện cùng lái xe Phan Thanh Chiến.
“Sứ giả” đưa mọi người về đón Tết
Thoắt đó đã 32 năm từ ngày anh Phan Thanh Chiến (tổ 22, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) gắn bó với công việc lái xe đường dài. Người ta thường đùa, nghề tài xế “ôm vô-lăng” nhiều hơn ôm vợ con. Nhất là những dịp lễ, Tết khi mọi người quây quần bên gia đình thì những lái xe như anh lại tất bật trên những cung đường. Người ngoài nhìn vào nghĩ rằng anh thua thiệt, nhưng anh Chiến chỉ xua tay cười bảo: Có gì đâu, công việc mình đã chọn, cứ xem như tôi làm “sứ giả” đưa mọi người về đón Tết đoàn viên bên gia đình.
Một ngày có 24 tiếng thì có khoảng 11 tiếng anh Chiến làm việc, nghỉ ngơi trên cung đường từ Thái Nguyên đi Yên Bái và ngược lại. Ý thức rõ sau tay lái là sinh mạng của hành khách nên anh luôn rèn luyện cho mình thói quen đi ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe tốt, kiểm tra kỹ lưỡng đồ đạc, phương tiện trước khi vận hành phương tiện và tập trung cao độ mỗi khi điều khiển phương tiện trên đường. Là người trong nghề nên những câu chuyện thương tâm, quy luật khắc nghiệt của nghề tài xế, theo anh Chiến là không giấy bút nào kể hết...
Anh Chiến trải lòng: Lái xe ngày thường đã tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng lái xe ngày Tết càng phải cẩn thận hơn nữa bởi thời điểm này ngoài đường xe cộ đông đúc, chỉ cần lơ là một chút thì rất dễ xảy ra tai nạn. Đến những ngày đầu năm mới, nhiều bác tài thường hay ngủ gật hay có người chủ quan đường thoáng mà vượt ẩu, phóng nhanh.
Với anh Chiến, chiếc xe khách như ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi chuyến xe là một câu chuyện khác nhau, gặp những con người khác nhau khiến một ngày của anh bao giờ cũng mới mẻ, đặc biệt. Ở đó không chỉ có niềm vui, những trải nghiệm mà còn cả sự thương yêu, chia sẻ. Anh kể: Những ngày áp Tết, cánh tài xế đường dài chúng tôi thường gặp những hành khách “0 đồng”. Họ thường là những người lao động ở các bãi, mỏ, xưởng chế biến không có tiền về quê ăn Tết. Lúc ấy, anh em lái xe lại bảo nhau cho họ đi nhờ xe về nhà, chưa kể nhiều khi mình còn chi tiền để mua cơm, nước cho họ ăn dọc đường.
Trở về bên gia đình, cũng giống như bao người đàn ông khác, anh Chiến không chỉ là chồng, là cha mà còn là ông của các cháu nhỏ. Những ngày Tết đến, xuân về bản thân anh cũng muốn dành thời gian bên những người thân, chăm chút gia đình của mình. Nhưng ngoài kia hàng trăm hành khách vẫn chờ những chuyến xe cuối cùng để về bên người thân vui xuân, đón Tết. Nên ở những gia đình có chồng chạy xe đường dài như anh, người vợ đôi khi sẽ phải gánh cả trách nhiệm của người chồng, người cha.
Chị Vũ Thị Loan, vợ anh chia sẻ: Lấy chồng làm nghề lái xe điều hạnh phúc lớn nhất không phải được cùng anh chuẩn bị một cái Tết tươm tất hay gia đình cùng nhau đi du xuân, chúc Tết mà chỉ đơn giản là thấy anh bình an trở về sau mỗi chuyến xe.
Đón Tết trên những cung đường
Dù không chạy đường dài như anh Chiến, nhưng lái xe Hoàng Xuân Thắng cũng đã có 9 năm chạy tuyến xe buýt Halan số 01 Phổ Nỷ - Tân Long. Cung đường tuy không dài nhưng tần suất vận hành liên tục, phải đảm bảo đúng thời gian đến các điểm dừng, đỗ nên với cánh tài xế xe buýt như anh Thắng luôn thường trực 2 chữ khẩn trương.
Hơn 9 năm lái xe buýt 01, tài xế Hoàng Xuân Thắng luôn điều khiển phương tiện an toàn, phục vụ hành khách chu đáo.
Lái xe buýt cũng có nghĩa chấp nhận không có ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ, Tết, trừ khi ốm đau, nghỉ phép. Nhưng anh hiểu, đã xác định làm nghề dịch vụ, phục vụ phải là tiêu chí hàng đầu.
Anh Thắng chia sẻ: Các tuyến xe buýt chỉ nghỉ duy nhất ngày mùng 1 Tết rồi lại hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu đi chơi của hành khách. Cũng bởi thế mà anh em lái xe, nhân viên bán vé, thậm chí cả thợ bảo dưỡng, rửa xe, thu ngân, điều hành cũng phải thay nhau làm việc, trực Tết, ngày Tết cũng như ngày thường.
Chiều cuối năm, các tuyến buýt vẫn ra, vào đều đặn tại điểm đón trả khách, nhưng với hành khách thì hối hả hơn những ngày thường. Tranh thủ nghỉ ngơi 5 phút giữa các chuyến, anh Thắng cùng phụ xe và hành khách trao đổi, trò chuyện rôm rả. Những câu chuyện của họ chủ yếu xoay quanh chủ đề Tết: Tết nội, Tết ngoại ra sao? Thưởng Tết thế nào? Cả nhà đón Tết ở đâu? Năm nay Táo Quân có gì?…
Khi nghe chúng hỏi về Tết của mình, anh cười rạng rỡ: Tết trên xe buýt! Tôi thường tranh thủ giờ nghỉ giữa hai lộ trình để gọi điện động viên, dặn dò vợ con hay chúc Tết người thân, bạn bè. Bao năm nay vẫn thế, mãi cũng quen. Trên những chuyến xe ngày Tết, anh em tài xế hay chúc mừng năm mới với cái bánh, cái kẹo và câu chúc của hành khách. Đó cũng là niềm vui, một phần động lực khiến chúng tôi gắn bó với công việc lâu dài.
Nhiều năm ăn Tết trên xe, nhìn hình ảnh mọi người khệ nệ hàng hóa, bánh mứt về nhà ăn Tết, rồi lại tưng bừng đi chúc Tết, du xuân, nhiều tài xế cũng thấy nôn nao và có chút chạnh lòng. Nhưng với anh Chiến, anh Thắng và bao tài xế khác, lái xe không chỉ vì đồng lương mà còn vì trách nhiệm với khách hàng. Nếu anh em tài xế cũng nghỉ Tết như bình thường thì rất nhiều người sẽ không thể trở về nhà sum họp, đón Tết đoàn viên bên gia đình.
Một mùa xuân mới đang về, người người háo hức đón chờ năm mới với nhiều niềm tin và hy vọng mới. Với những hành khách đi xe, có lẽ điều mong mỏi nhất là được đi trên những chuyến xe tiện lợi, thân thiện và an toàn. Còn với người làm nghề tài xế, họ gác lại những nỗi niềm riêng để khởi hành những chuyến xe vui vẻ, cho công việc trong năm mới được hanh thông.
Hoài Anh