Những con đường mở hướng tương lai

Những con đường mở hướng tương lai
3 giờ trướcBài gốc
BẮC GIANG - Về nhiều bản làng xa xôi ở các huyện vùng cao, miền núi trong tỉnh những ngày này, chúng tôi nhận thấy rõ sự đổi thay đang hiển hiện trên từng cung đường, trong mỗi nếp nhà, thôn xóm… Những năm qua, bằng các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình giao thông tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được cải tạo, xây dựng. Cùng sự chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp và nỗ lực vươn lên của chính mình, người dân tại các bản làng đang hướng đến một tương lai no ấm, hạnh phúc hơn.
Đường mới mở lối thoát nghèo
Xã Trường Giang (Lục Nam) sau hơn một tháng chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Đi trên tuyến đường trục chính được trải thảm bê tông nhựa phẳng lì, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thay đổi của địa phương vừa thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) hơn 3 năm. Dọc tuyến đường, nhà cao tầng, hàng quán mọc lên san sát. Xa xa những ngôi nhà cao tầng, kiên cố thấp thoáng bên vườn cây xanh mát, tạo nên diện mạo nông thôn mới khang trang, sạch đẹp. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh xã, Chủ tịch UBND xã Giáp Văn Đồng chia sẻ: “Dù đã ra khỏi danh sách xã ĐBKK song Trường Giang vẫn còn 3/5 thôn ĐBKK. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, những năm qua, từ các nguồn vốn, huyện, xã đầu tư nhiều công trình, dự án đường giao thông. Có đường mới, người dân năng động phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.
Nhà thầu thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường từ xã Sơn Hải đi Hộ Đáp (Lục Ngạn).
Vừa đến đầu thôn ĐBKK Đồng Chè, tiếng máy nổ, tiếng cười nói từ các xưởng chế biến gỗ vang lên khiến cho bức tranh ngày mới ở Trường Giang trở nên sinh động hơn. Vào thăm xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Vương Đình Phong (SN 1976), hơn chục công nhân đang hăng say lao động, người thì vận chuyển gỗ thô đưa vào máy bóc, người lại đón từng phên gỗ mới bóc trắng tinh xếp lên xe, đưa đi phơi… Đang trực tiếp đứng máy, anh Phong dừng tay kể: “Năm 2021, tuyến đường qua thôn được đầu tư nâng cấp, tôi mạnh dạn vay mượn bạn bè, người thân mua dây chuyền chế biến gỗ bóc hơn 200 triệu đồng. Từ chế biến gỗ, không chỉ thoát nghèo, tôi còn tạo việc làm với thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/người/tháng cho 16 lao động địa phương”.
Không chỉ ở Trường Giang, có dịp thực tế tại các thôn, xã vùng DTTS và miền núi mới thấy hết những thay đổi về diện mạo cũng như đời sống người dân. Về thôn ĐBKK Tân Trung, xã Đại Sơn (Sơn Động) hôm nay, nhìn khung cảnh nhà cửa khang trang, đường bê tông sạch sẽ trải dài đến các ngõ, xóm, cây cối xanh tươi, trù phú, ít ai nghĩ cách đây 4 năm, tỷ lệ hộ nghèo của thôn vẫn chiếm hơn 30%. Khi được hỏi, động lực nào để Tân Trung thay đổi, Phó trưởng thôn Hà Văn Thành cho biết, hơn 3 năm trước, tuyến đường dẫn từ quốc lộ (QL) 31 vào xã được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đầu năm 2023, ngầm Bến Nhang - cửa ngõ dẫn vào thôn cũng được xây mới, giải quyết tình trạng chia cắt mỗi khi có mưa. Khai thác lợi thế này, người dân phát triển nông nghiệp hàng hóa, đưa giống mới như: Táo, dưa chuột… vào canh tác. Nhờ đó, thu nhập tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm xuống còn 10,9%, thấp hơn bình quân chung của xã.
Tương tự, dọc tuyến đường nối QL37 - QL17 - Võ Nhai (Thái Nguyên), đoạn qua các xã: Tiến Thắng, Tam Tiến và Canh Nậu (cùng huyện Yên Thế), không khó để nhận thấy sự thay đổi của những thôn, bản từng là “vùng lõm” trong phát triển KT-XH của huyện, tỉnh. Nhiều hàng quán, cơ sở sản xuất, kinh doanh được hình thành dọc tuyến đường, mang lại nguồn thu ổn định cho người dân. Anh Hoàng Văn Lập (SN 1982), dân tộc Nùng, thôn Na Thành, xã Tiến Thắng chia sẻ: “Nhà ở cuối thôn, đường đi khó khăn, trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, không có điều kiện cải tạo nhà ở. Từ ngày có tuyến đường mới, tận dụng lợi thế gần đường, tôi mở quán ăn. Có công việc, thu nhập ổn định, vợ chồng tôi đã xây dựng được nhà mới khang trang và thoát nghèo”.
Thu hẹp khoảng cách miền ngược, miền xuôi
Lái xe đi dọc tuyến đường nối QL37 - QL17 - Võ Nhai, chúng tôi cảm nhận rõ hơn cơ hội phát triển của những bản làng xa thuộc huyện Yên Thế. Nếu như trước đây, để đến với các thôn, bản như: Na Thành (xã Tiến Thắng), Rừng Phe (xã Tam Tiến) hay Nà Táng, Khuôn Đống (xã Canh Nậu) phải mất hơn 2 giờ đồng hồ thì nay chưa đầy một tiếng di chuyển từ TP Bắc Giang, chúng tôi đã có mặt ở điểm cuối của tuyến đường nối QL37 - QL17 - Võ Nhai thuộc bản Khuôn Đống. Trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm cung đường mới mở được ví như dải lụa uốn lượn qua những sườn núi, Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Nguyễn Duy Thạch phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, để di chuyển về trung tâm huyện hay kết nối với các địa phương khác trong tỉnh, người dân xã Canh Nậu chỉ có một cung đường duy nhất, vừa vòng vèo, vừa xa lại có 2 ngầm chia cắt. Từ khi có tuyến đường nối QL37 - QL17 - Võ Nhai, việc di chuyển thuận lợi hơn nhiều”.
Đường nối QL37 - QL17 - Võ Nhai mở ra cơ hội phát triển cho các địa phương của huyện Yên Thế. Ảnh: Đường nối đoạn qua thôn Na Thành, xã Tiến Thắng.
Tôi hỏi: Đường mới đã mở, Canh Nậu tận dụng cơ hội này thế nào?
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Thạch trả lời: Hiện UBND huyện đã có kế hoạch xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 150 ha tại Canh Nậu. Về phía địa phương, từ vài năm trước, chúng tôi quan tâm chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh kế cao như: Dưa chuột, ớt… với tổng diện tích khoảng 70 ha. So với cấy lúa, trồng dưa, ớt cho thu nhập cao gấp 8-10 lần.
Vùng DTTS và miền núi chiếm 72,8% diện tích tự nhiên và 14,26% dân số của tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, bằng các nguồn lực, UBND tỉnh và các địa phương dành hơn 5 nghìn tỷ đồng triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng tại những thôn, xã thuộc khu vực này. Đến nay, các địa phương thực hiện xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hơn 500 công trình; thực hiện 10 dự án cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; hỗ trợ đầu tư xây dựng 75 ngầm, cầu dân sinh...
Theo Ban Dân tộc tỉnh, vùng DTTS và miền núi chiếm 72,8% diện tích tự nhiên và 14,26% dân số của tỉnh. Để từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, giúp đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu, từ năm 2021 đến nay, bằng các nguồn lực, UBND tỉnh và các địa phương dành hơn 5 nghìn tỷ đồng triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng tại những thôn, xã thuộc khu vực này. Đến nay, các địa phương thực hiện xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hơn 500 công trình; thực hiện 10 dự án cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; hỗ trợ đầu tư xây dựng 75 ngầm, cầu dân sinh...
Ghi nhận tại huyện Sơn Động, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2024, toàn huyện đã khởi công 9 dự án xây dựng cầu, cải tạo, nâng cấp đường giao thông với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng; xây mới 37 ngầm dân sinh. Tại huyện Lục Ngạn, chỉ tính riêng năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư 125 dự án với tổng vốn phân bổ gần 394,5 tỷ đồng. Đến nay đã hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng 40 công trình. Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lục Ngạn cho biết: “Thời điểm này, chúng tôi đang tập trung cải tạo, nâng cấp đường từ xã Sơn Hải đi Hộ Đáp. Dự án hoàn thành không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động thông thương mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cho hai xã ĐBKK này”.
Thực tế, từ các chương trình mục tiêu và chính sách dân tộc, KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế được quan tâm đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển và hiện đại hóa nông thôn. Nhờ đó đời sống người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng, tỷ lệ hộ nghèo 73 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh giảm từ 9,98% năm 2021 xuống còn 5,66% năm 2023, trong đó tỷ lệ hộ nghèo tại các xã ĐBKK giảm từ 21,9% năm 2021 xuống còn 13,57% năm 2023. Mặc dù vậy, qua đánh giá, tại khu vực này, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung và vẫn là “lõi nghèo” của tỉnh; kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH...
“Xác định việc hoàn thành các công trình, dự án giao thông không chỉ giúp đồng bào thuận lợi hơn trong giao thương mà còn là động lực để các địa phương bứt phá, thu hẹp khoảng cách vùng miền, chúng tôi phối hợp với các địa phương lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có trọng điểm, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Quá trình triển khai, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ để đôn đốc, sớm đưa các công trình vào khai thác”, ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/nhung-con-duong-mo-huong-tuong-lai-105124.bbg