Theo Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cả nước có hơn 10 nghìn trường hợp tử vong vì tai nạn giao thông năm 2024 (số liệu này chưa bao gồm các trường hợp chết do di chứng chấn thương).
Nhìn chung, tử vong vì tai nạn giao thông thường chiếm tỉ trọng nhỏ ở những năm đầu đời, từ 0-9 tuổi, bắt đầu tăng ở nhóm 10-14 tuổi và tăng mạnh ở nhóm 15-24 tuổi, sau đó giảm nhẹ dần ở các độ tuổi cao hơn.
Phân bố các trường hợp chết vì tai nạn giao thông được đăng ký theo giới tính và nhóm tuổi năm 2024.
Có sự khác biệt rõ ràng về phân bố các trường hợp chết vì tai nạn giao thông theo tuổi giữa nam và nữ.
Cụ thể, ở nam giới, người chết vì tai nạn giao thông thường có tuổi đời khá trẻ, 1/3 trong số họ ở độ tuổi từ 15-29.
Sau tuổi 30, mức chết vì tai nạn giao thông ở nam giới có xu hướng giảm dần.
Trái lại, nữ giới ở độ tuổi trẻ có mức độ chết vì tai nạn giao thông không cao như nam giới (chỉ khoảng 17,7% ở nhóm 15-29 tuổi) và có xu hướng tăng theo độ tuổi, đạt cao nhất ở khoảng tuổi từ 45-64.
Sau độ tuổi 65, mức độ tử vong vì tai nạn giao thông ở nữ giới giảm dần.
“Điều này phản ánh sự khác biệt về văn hóa, hành vi giao thông giữa nam và nữ mà phần nhiều chịu ảnh hưởng từ đặc điểm sinh học, lối sống và vai trò xã hội phân định theo giới. Nhận diện sự khác biệt này với các minh chứng cụ thể về số liệu thống kê sẽ trợ giúp xây dựng giải pháp an toàn giao thông hiệu quả hơn cho từng nhóm đối tượng”, báo cáo nêu.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng năm 2024, Việt Nam có khoảng 2.900 trường hợp chết do tự tử, trong đó phần lớn là nam giới (chiếm 77,3%).
Gần 84,8% người chết do tự tử có độ tuổi từ 15-59 tuổi. Chiếm tỉ trọng cao nhất là những người từ 30-34 tuổi (11,9%), tiếp theo là người từ 35-39 tuổi (10,5%).
Phân bố các trường hợp chết do tự tử được đăng ký theo giới tính và nhóm tuổi năm 2024.
Báo cáo nhấn mạnh: "Tự tử đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng, tác động đến mọi đối tượng thuộc mọi độ tuổi. Theo thống kê của WHO, trên thế giới, mỗi năm có gần 800 nghìn người chết do tự tử, nhiều hơn số người chết vì chiến tranh hoặc bạo lực.
Cứ 40 giây lại có 1 người qua đời vì tự tử. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 ở những người tuổi từ 15-29, chỉ sau tai nạn giao thông.
Tự tử gây ra những đau thương, mất mát khôn lường cho cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Vì vậy, đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời từ cộng đồng, xã hội và cơ quan chức năng".
Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024 được chính thức công bố vào cuối tháng 4-2025, do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thống kê, đây là lần đầu tiên có một báo cáo sử dụng dữ liệu hộ tịch hoàn chỉnh và cập nhật để thực hiện phân tích thống kê sinh, tử và kết hôn trên phạm vi cả nước.
THANH THANH