Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Trong số 34 tỉnh, thành mới, có 11 tỉnh, thành được giữ nguyên, không thực hiện sáp nhập; 23 tỉnh, thành còn lại được sáp nhập từ 52 tỉnh, thành.
Tỉnh, thành có diện tích lớn nhất sau sáp nhập
Theo số liệu thống kê, Lâm Đồng sau khi sáp nhập với Đắk Nông và Bình Thuận sẽ có tổng diện tích: 9.781,2km² (Lâm Đồng) + 6.509,3km² (Đắk Nông) + 7.942,6 (Bình Thuận)= 24.233,1 km²
TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VGP
Đây là đơn vị hành chính mới có diện tích lớn nhất cả nước sau sáp nhập. Với hơn 24.233km², tỉnh Lâm Đồng sẽ rộng hẳn các tỉnh hiện tại, vượt qua Nghệ An (gần 16.500km²) - tỉnh lớn nhất hiện nay.
Ba tỉnh này vốn thuộc các vùng kinh tế khác nhau (Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ), mỗi nơi có đặc trưng về địa hình, dân cư, kinh tế rất riêng. Việc hợp nhất 3 địa phương này thành một đơn vị hành chính lớn sẽ tạo ra nhiều tiềm năng liên kết vùng mạnh mẽ: Từ nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng, năng lượng tái tạo và khoáng sản ở Đắk Nông, đến kinh tế biển và du lịch của Bình Thuận.
Tỉnh, thành có dân số đông nhất sau sáp nhập
Khi TPHCM sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có tổng dân số lớn nhất nước. Cụ thể TPHCM có hơn 9,456 triệu người cùng với hơn 2,8 triệu dân của Bình Dương và gần 1,19 triệu người của Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có tổng dân số khoảng 13,5 triệu người.
TPHCM. Ảnh: Hoàng Hà
Đây sẽ là siêu đô thị có dân số đông nhất Việt Nam, vượt xa các tỉnh, thành còn lại, thậm chí lớn hơn dân số của nhiều quốc gia nhỏ.
Ba địa phương này nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có liên kết kinh tế - giao thông - công nghiệp rất mạnh mẽ, có tăng trưởng GDP lớn nhất cả nước, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm khu vực như Bangkok, Jakarta, Manila.
Top 3 tỉnh, thành có mật độ dân số cao nhất sau sáp nhập
1. Hà Nội: 2.555,5 người/km2
2. TPHCM: 1.565 người/km2
3. Hải Phòng: 1.060 người/km2
TP Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà
Với 52 tỉnh, thành sáp nhập thành 23 tỉnh, thành: Diện tích trung bình mỗi tỉnh sau sáp nhập là 7.735km2, dân số trung bình là 2,621 triệu người, mật độ dân số trung bình 339 người/km2.
Trong khi đó, với 11 tỉnh, thành không thực hiện sáp nhập: Diện tích trung bình là 8.830 km2, dân số trung bình là 2,326 triệu người, mật độ dân số trung bình 263 người/km2.
Số liệu này cho thấy các tỉnh giữ nguyên có diện tích trung bình lớn hơn các tỉnh, thành sau sáp nhập. Điều đó cho thấy các địa phương này đã đạt ngưỡng về quy mô diện tích. Tuy nhiên, mật độ dân số các tỉnh này thấp hơn các tỉnh, thành sau sáp nhập, đặc biệt rõ rệt ở các tỉnh miền núi như Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên (dưới 100 người/km2).
Hà Nội là ngoại lệ đặc biệt trong các tỉnh, thành không sáp nhập với mật độ dân số cao nhất cả nước – gần 2.555 người/km2, vượt xa tất cả các tỉnh, thành khác.
Tỉnh, thành có diện tích nhỏ nhất sau sáp nhập
Trong khi đó, Hưng Yên sáp nhập với Thái Bình có tổng diện tích: 2.514,8km2, vẫn là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước.
TP Hưng Yên. Ảnh: Hoàng Hà
Tuy nhiên, tỉnh này có mật độ dân số khá cao – 1.265 người/km2, phản ánh mô hình đô thị hóa và tập trung dân cư cao tại vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong khi đó Lai Châu (giữ nguyên hiện trạng) lại là tỉnh, thành có dân số ít nhất cả nước với 489.300 người và cũng là tỉnh có mật độ dân số thấp nhất 53,9 người/km2.
Tỉnh Lai Châu. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu
Lai Châu là tỉnh vùng cao Tây Bắc với địa hình núi non, chia cắt mạnh, khiến điều kiện sống và phát triển hạ tầng bị hạn chế. Vì lý do này mà tỉnh gặp khó khăn khi kết nối với các tỉnh, thành khác. Một số huyện của tỉnh còn tương đối biệt lập, ảnh hưởng đến khả năng thu hút dân cư và phát triển kinh tế.
Dân cư tỉnh chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn và miền núi, sống phân tán. Quy mô đô thị của tỉnh còn nhỏ. Trong khi mật độ dân số trung bình của cả nước khoảng 300 người/km2, mật độ dân số tỉnh Lai Châu chỉ bằng khoảng 1/6.
Nguyễn Thảo