Trong vòng xoáy tàn bạo của các cuộc xung đột
Hekma Hamed Guma Khater nhớ chính xác khoảnh khắc mẹ cô, Khadija Mustafa Osman Said, qua đời ở tuổi 59. Lúc đó là 6 giờ 29 chiều ngày 18/5/2023, khi ngôi nhà của họ ở Nyala, Nam Darfur, bị bắn thủng lỗ chỗ bởi đạn trong cuộc giao tranh giữa Lực lượng vũ trang chính phủ Sudan và lực lượng bán quân sự có tên Rapid Support Forces (RSF).
Một phụ nữ Sudan, người chạy trốn khỏi cuộc xung đột vùng Darfur của Sudan, đang thương tiếc những người thân đã bị giết hại hồi tháng 7 năm 2023. Ảnh: Reuters
Hai người anh trai và một người hàng xóm của cô cũng thiệt mạng. Hekma, người sống sót duy nhất, bị thương nghiêm trọng ở mắt và cánh tay. “Mẹ tôi và hai người anh trai của tôi đã bị giết một cách tàn bạo”, cô nhớ lại.
Cái chết của bà Khadija năm ngoái phản ánh một số liệu thống kê bi thảm: 40% dân thường thiệt mạng trong xung đột vũ trang năm 2023 là phụ nữ, gấp đôi so với năm 2022. Số trẻ em thiệt mạng (30%) cũng tăng gấp ba. 30% còn lại là nam giới trưởng thành, theo báo cáo thường niên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về việc bảo vệ dân thường trong bối cảnh chiến tranh.
Tài liệu này cũng nêu bật sự gia tăng theo cấp số nhân về thương vong của dân thường, với ít nhất 33.443 người không phải là chiến binh thiệt mạng vào năm 2023, tăng 72% so với năm trước. Sự gia tăng số ca tử vong được cho là do sự bùng nổ của các cuộc xung đột vũ trang mới, đặc biệt là cuộc chiến ở Gaza.
Pablo Castillo, một chuyên gia của UN Women cho biết, sự gia tăng tỷ lệ phụ nữ tử vong trong xung đột vũ trang đang xảy ra "trong mọi cuộc chiến tranh" hiện tại. Tổ chức này đóng góp vào một báo cáo khác của Tổng thư ký Guterres về phụ nữ, hòa bình và an ninh, được công bố vào tháng 9, trong đó nêu bật những con số đáng báo động về tỷ lệ tử vong của phụ nữ tại các khu vực xung đột.
Tuyên bố này đánh dấu sự thay đổi trong cách kể chuyện của UN Women, thường tập trung vào những câu chuyện về sự tiến bộ thay vì miêu tả phụ nữ là nạn nhân. “Tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức chúng tôi phải quay lại với việc lên án”, ông Castillo giải thích.
“Thế giới đang bị cuốn vào vòng xoáy đáng sợ của xung đột, bất ổn và bạo lực. Năm 2023, hơn 170 cuộc xung đột vũ trang đã được ghi nhận và khoảng 612 triệu phụ nữ và trẻ em gái sống trong phạm vi 50 km của những cuộc xung đột này, nhiều hơn 150% so với chỉ một thập kỷ trước”, báo cáo của Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh nêu rõ.
Bạo lực tình dục và thiếu thốn y tế
Một phát hiện “đáng báo động” khác được nghiên cứu tiết lộ là sự gia tăng 50% các vụ tấn công tình dục ở các khu vực xung đột, cùng với sự gia tăng 35% các vụ hiếp dâm nghiêm trọng liên quan đến trẻ em gái ở các quốc gia này. Điều này được nhấn mạnh bởi Cristina Sánchez, một giáo sư luật tại Đại học Tự trị Madrid và là chuyên gia về mối quan hệ giữa chiến tranh và giới.
“Đây không phải là những hành động ngẫu nhiên; bạo lực tình dục là một vũ khí chiến tranh có mục tiêu và hiệu quả. Nó không chỉ phục vụ cho việc di dời dân số khỏi nhà của họ mà còn hoạt động như một con bài mặc cả, với việc phụ nữ bị bán cho các nhóm khủng bố như một phương tiện tài trợ”, bà Sanchez giải thích.
Những thi thể sau một trận không kích tại Khan Younis (Gaza), không ít trong số nạn nhân là phụ nữ. Ảnh: Reuters
Liên hợp quốc mô tả tình hình này là "một cuộc chiến chống lại phụ nữ", lưu ý rằng phụ nữ đang bị ảnh hưởng theo nhiều cách ngoài cái chết và hiếp dâm. Ví dụ, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang ngày càng bị hạn chế. Mỗi ngày, 500 phụ nữ và trẻ em gái ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột tử vong do các biến chứng liên quan đến thai kỳ và sinh nở.
"Ước tính có 52.000 phụ nữ mang thai đã bị cuốn vào cuộc chiến trong năm 2023, với ước tính 180 ca sinh nở mỗi ngày, hầu hết trong số họ không được tiếp cận với thuốc gây mê để sinh mổ và không có nước, vệ sinh, dinh dưỡng hoặc chăm sóc sau sinh", báo cáo của Liên hợp quốc nêu rõ.
Nhận thức về nữ quyền đang giảm sút
Các báo cáo từ các tổ chức phi chính phủ y tế biên soạn lời chứng về những thảm kịch này rất nhiều nhưng phần lớn bị cộng đồng quốc tế bỏ qua. Lời chỉ trích này được nêu rõ trong tài liệu của Tổng thư ký Antonio Guterres: "Ngay cả nhận thức cơ bản của công chúng về những bất công này cũng còn thiếu".
Báo cáo cũng chỉ trích việc thiếu sự đưa tin của phương tiện truyền thông: mặc dù các báo cáo về chiến tranh đã tăng gấp 6 lần từ năm 2013 đến năm 2023, chỉ có 5% tập trung vào trải nghiệm của phụ nữ và chỉ có 0,04% đề cập đến những đóng góp của phụ nữ với tư cách là những người lãnh đạo.
Các trại tị nạn xung quanh Goma (CHDC Congo) là nơi trú ngụ của khoảng 500.000 người. Ước tính khoảng 80% phụ nữ sống trong các trại này đã bị hãm hiếp. Ảnh: WSJ
“Tại CHDC Congo, việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh đã bị lên án trong nhiều thập kỷ. Và không có gì xảy ra. Điều này vì thế cũng gửi đi một thông điệp về sự miễn trừ”, giáo sư Sanchez nói. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Liên Hợp Quốc đã báo cáo hơn 123.000 trường hợp bạo lực giới vào năm 2023, tăng 300% trong ba năm, nhưng không đi kèm với sự gia tăng các bản án.
Theo Liên hợp quốc, sự sao nhãng về nữ quyền cũng thể hiện rõ qua việc cắt giảm kinh phí cho các tổ chức tập trung vào bình đẳng giới và các chương trình cụ thể nhằm giảm thiểu tác động của chiến tranh đối với phụ nữ.
Thay vì tiến triển, các cuộc tấn công vào các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ đã gia tăng. "Các phong trào chống giới tính và chống nữ quyền được tổ chức tốt và có trong tay nguồn tài chính đáng kể", báo cáo của Liên hợp quốc viết.
Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Libya và Yemen, chính quyền địa phương hoặc quốc gia thậm chí đã cấm thuật ngữ "giới tính" và hạn chế hoặc đàn áp các hoạt động ủng hộ bình đẳng.
Tại Afghanistan, "sự áp bức đối với phụ nữ Afghanistan rất nghiêm trọng", báo cáo của Liên hợp quốc cho biết thêm. Trẻ em gái trên 12 tuổi đã bị từ chối quyền được giáo dục trong ba năm, cùng với nhiều hạn chế khác khiến Liên hợp quốc phân loại tình hình này là phân biệt chủng tộc theo giới.
Trong các cuộc khảo sát do UN Women, Tổ chức Di cư Quốc tế và Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan thực hiện, 82% số người được hỏi đánh giá sức khỏe tâm thần của họ là kém hoặc rất kém và 8% cho biết họ biết ít nhất một phụ nữ hoặc trẻ em gái đã cố gắng tự tử kể từ tháng 8 năm 2021.
“Phụ nữ vẫn phải trả giá cho những cuộc chiến tranh của đàn ông”, Giám đốc điều hành của UN Women, Sima Bahous phát biểu sau khi báo cáo được công bố. “Nếu chúng ta không đứng lên và yêu cầu thay đổi, hậu quả sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ nữa”.
Nguyễn Khánh