Những công trình giao thông thay đổi diện mạo Thành phố Hồ Chí Minh

Những công trình giao thông thay đổi diện mạo Thành phố Hồ Chí Minh
3 ngày trướcBài gốc
Điển hình là các dự án như: Tuyến metro số 1, hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, nhánh hầm HC2 nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Rạch Đỉa, cầu Cây Khô.
Metro số 1 tạo động lực phát triển giao thông công cộng bền vững
Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành sau hơn 10 năm khởi công. Metro số 1 đi vào hoạt động không chỉ giảm ùn tắc giao thông mà còn tạo động lực phát triển giao thông công cộng bền vững, nâng cao chất lượng sống và diện mạo đô thị TP.HCM. Đây là bước đi quan trọng, hướng tới hệ thống giao thông hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Sau hơn 10 năm chờ đợi, tuyến Metro số 1 được đưa vào vận hành khai thác, khiến chính quyền và người dân TP.HCM vô cùng vui mừng.
Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài gần 20km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức), gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Hầm chui kết nối nhà ga T3 “giải cứu” kẹt xe sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 10/8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp với Sở GTVT TP.HCM thông xe hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện kết nối với Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Hầm chui Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện là gói thầu xây lắp số 9 thuộc Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, có điểm đầu tại vị trí giao đường Phan Thúc Duyện - Phan Đình Giót, điểm cuối giao với đường Thăng Long (phường 4, quận Tân Bình) với tổng chiều dài 600 m. Gói thầu có quy mô chiều rộng mặt cắt ngang 30 m với 6 làn xe, đường dẫn ở hai đầu hầm có tổng chiều dài 200 m, đường hai bên hông hầm chui có tổng chiều dài 600 m.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, Dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) là dự án trọng điểm quốc gia, được UBND Thành phố phê duyệt ngày 08/12/2021 và cùng khởi công với Dự án xây dựng nhà ga T3 vào ngày 24/12/2022. Dự án có tổng mức đầu tư 4.848 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 2.412 tỷ đồng và chi phí xây lắp 1.500 tỷ đồng, cùng các chi phí khác.
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng tuyến đường mới dài 4 km, nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa, kết nối trực tiếp với nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất. Các gói thầu còn lại của dự án sẽ được tăng tốc thi công để tất cả hoàn thành vào 31/12/2024, kịp đưa vào khai thác đồng bộ với nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm.
Thông xe hầm chui nút giao bận rộn nhất khu Nam
Ngày 04/10, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã tổ chức thông xe gói thầu xây lắp số 2 xây dựng hầm chui HC2 và trạm bơm thuộc dự án Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Đây là một trong hai nhánh hầm trên đường Nguyễn Văn Linh băng qua nút giao Nguyễn Hữu Thọ được thông xe trước.
Hầm chui HC2 thuộc dự án Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thông xe, giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên tại khu vực này.
Còn nhánh hầm số 1 (HC1) đang tiếp tục được xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2024. Dự án Hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có tổng vốn đầu tư 830 tỷ đồng, gồm hai hầm chui được khởi công năm 2020.
Dự án khi đưa vào khai thác được kỳ vọng giải quyết luồng xung đột xe cộ tại nút giao bận rộn nhất khu Nam, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực quận 7 và một phần huyện Nhà Bè, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Cầu Rạch Đỉa thông xe sau 18 tháng thi công
Ngày 28/11,cầu Rạch Đỉa nối đôi bờ quận 7 và huyện Nhà Bè chính thức thông xe, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch. Dự án cầu Rạch Đỉa khởi công tháng 7/2023, có vốn đầu tư 512 tỷ đồng. Cầu dài 318m, rộng khoảng 10 m, đường dẫn đầu cầu dài 285 m. Dự án còn có hạng mục xây dựng hệ thống thoát nước, trồng cây xanh trên vỉa hè, lắp đặt hệ thống chiếu sáng và hoàn thiện theo tiêu chuẩn cấp đường.
Cầu Rạch Đỉa thông xe, sau gần năm rưỡi thi công.
Cây cầu giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ huyện Nhà Bè sang quận 7 và ngược lại, thay vì phải đi qua khu vực nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vốn thường xuyên ùn tắc.
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, việc hoàn thành cầu Rạch Đỉa, cùng với cầu Long Kiểng đã thông xe trước đó và 2 cây cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi sẽ khởi công trong năm 2025 sẽ thay thế 4 cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương, tăng cường kết nối giao thông với tỉnh Long An.
Cây cầu rút ngắn quãng đường 10 km còn 500 m
Ngày 30/8, UBND huyện Nhà Bè đã chính thức thông xe cầu Cây Khô, nối liền hai huyện Nhà Bè và Bình Chánh. Cầu Cây Khô được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt tháng 12/2015, với tổng vốn 500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Cầu Cây Khô đưa vào sử dụng rút ngắn quãng đường 10km còn 500m.
Cầu làm bằng bê tông cốt thép dài 485 m, gồm 11 nhịp, rộng 12,5 m cho hai làn xe ô tô và hai làn xe thô sơ. Dự án cũng xây dựng đường dẫn hai đầu cầu dài 292 m, rộng 12,5 m và đường dân sinh hai bên cầu dài 540 m cùng hệ thống chiếu sáng trên cầu.
Dù khởi công từ cuối năm 2016, nhưng do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên chậm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Người dân trước đây di chuyển qua khu vực này bằng đò ngang hoặc chạy đường vòng với quãng đường khoảng 10 km.
Cầu Cây Khô kết nối đường Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè) với đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), giúp rút ngắn quãng đường xuống còn 500 m; giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân; giảm bớt áp lực giao thông trên các tuyến đường lân cận như Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Hữu Thọ.
Ngoài các dự án trên, các dự án gồm: cầu Phước Long, đường Dương Quảng Hàm, đường Tân Kỳ Tân Quý… cũng đang được TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công “3 ca 4 kíp” để kịp thông xe vào cuối năm 2024.
Quang Hải
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/nhung-cong-trinh-giao-thong-thay-doi-dien-mao-thanh-pho-ho-chi-minh-392069.html