Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho hay từ năm 2007 đến nay, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở thành phố ngày càng tăng với tốc độ trung bình 5,6%/năm.
Ứng dụng công nghệ mới
Hiện nay, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phát sinh 13.000 tấn/ngày. Trong đó, chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng được thu gom, xử lý thông qua cơ chế thị trường khoảng 3.000 tấn/ngày; phần lớn còn lại được đưa về nhà máy trong 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại 2 huyện Bình Chánh và Củ Chi.
Có 5 đơn vị đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đều đang thực hiện thủ tục để sớm chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện. Trong số này, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) khởi công hồi tháng 7-2024 được đánh giá là tiên phong.
Việc khởi công nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa đánh dấu bước tiến trong xử lý rác bằng công nghệ hiện đại. Ảnh: QUỐC ANH
Nhà máy được xây dựng trên diện tích 20 ha, chia làm 3 giai đoạn. Chỉ riêng giai đoạn 1, công suất đốt được tính toán 2.000 - 2.600 tấn rác/ngày, công suất phát điện 60 MW/ngày. Sản lượng điện phát lên lưới 365 triệu KWh/năm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của 100.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải trên 250.000 tấn CO2/năm.
Hai giai đoạn tiếp theo, công suất đốt rác lần lượt lên 6.000 tấn và 8.600 tấn/ngày.
Ngoài ra, người dân thành phố cũng đặt nhiều hy vọng vào dự án đốt rác phát điện của Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) với công suất xử lý khoảng 3.000 tấn rác/ngày.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành phối hợp với nhà đầu tư để đưa nhà máy Tâm Sinh Nghĩa vào vận hành trong 18 tháng. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thủ tục để có thể khởi công nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Vietstar với công suất xử lý 2.000 tấn/ngày.
Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 là 100%.
Mục tiêu này được tin tưởng hoàn thành sớm khi cùng với những thông tin tích cực trên, thành phố còn một số dự án chuyển đổi công nghệ đang ở bước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Làm đẹp môi trường sống
Bên cạnh chuyện xử lý rác, việc xanh hóa hệ thống sông, kênh, rạch, tạo diện mạo đô thị hấp dẫn và bảo đảm môi trường sống trong lành cho người dân cũng được TP HCM chú trọng. Những ngày đầu năm, đi dọc công trình cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, phóng viên cảm nhận rõ điều đó.
Tại gói thầu XL10, không khí làm việc luôn khẩn trương. Ông Phạm Văn Hải, Giám đốc Ban Điều hành các dự án hạ tầng khu vực TP HCM và miền Đông Nam Bộ - Tổng Công ty Xây dựng số 1, thông tin dự kiến từ ngày 15 đến 25-4, nhà thầu sẽ thảm nhựa 8 km đường của tuyến kênh.
Mục tiêu là đến ngày 30-4, thông xe 3 km chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đến ngày 2-9 thông xe toàn bộ phần đường và cuối năm 2025 hoàn thành gói thầu, bàn giao chủ đầu tư.
Người dân, du khách thoải mái trên xe buýt điện. Ảnh: THU HỒNG
Tương tự, 2 gói thầu XL-6 và XL-7 cũng được nhà thầu ráo riết thi công hạng mục lu lèn, chuẩn bị khâu trải nhựa phần đường dọc kênh… Toàn tuyến kênh có chiều dài gần 32 km này đi qua 7 quận, huyện, khi hoàn thành sẽ cải thiện môi trường, tiêu thoát nước cho khu vực 15.000 ha, đồng thời giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 1 và hàng loạt tuyến giao thông nội đô nhờ 2 tuyến đường chạy song song.
Dự án còn góp phần chỉnh trạng đô thị, làm nên diện mạo khang trang cho hàng ngàn ngôi nhà hai bên bờ, thúc đẩy phát triến kinh tế - xã hội, tạo thêm cơ hội làm ăn cho người dân.
Ngoài kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, sắp tới, thành phố sẽ khởi công dự án cải tạo bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) với quy mô xây dựng 4,3 km kè, nạo vét lòng kênh và mở rộng đường giao thông chạy song song. Khi hoàn thành, dự án giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải tạo hệ thống thoát nước, phát triển du lịch đường thủy.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp) cũng được đẩy nhanh quá trình triển khai. Đây là công trình mang nhiều ý nghĩa, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân hai bên bờ.
Khẳng định tầm quan trọng của "xanh" và "số"
Liên quan giao thông công cộng, việc chuyển đổi xe buýt chạy bằng dầu diesel sang xe buýt chạy bằng năng lượng điện là xu hướng tất yếu nhằm giảm phát thải. Cuối năm 2024, UBND TP HCM đã có tờ trình HĐND thành phố về xây dựng nghị quyết ban hành quy định lộ trình chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện năng lượng xanh.
Thành phố đặt mục tiêu từ năm 2025 trở đi, mọi tuyến xe buýt mở mới sử dụng điện; từ năm 2030, 100% xe buýt dùng điện, năng lượng xanh với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện, đầu tư trạm sạc… cụ thể. Đến nay, 696 xe buýt CNG và xe điện đang hoạt động trên toàn hệ thống đã "xanh hóa" hàng loạt tuyến.
TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng đề án phát triển giao thông xanh quy mô, với kỳ vọng xe buýt điện lăn bánh trên mọi tuyến đường.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM (từ ngày 20-2-2025, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh TP HCM), xác nhận Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội tạo hành lang pháp lý, là chìa khóa giúp TP HCM triển khai đề án phát triển giao thông xanh hiệu quả. Việc chuyển đổi xe buýt là tiền đề để TP HCM tiếp tục lộ trình "chuyển đổi xanh" cho phương tiện giao thông theo Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông đang được đơn vị thực hiện.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, khẳng định hướng phát triển quan trọng của TP HCM là "xanh" và "số". Nghị quyết 98 đã giúp thành phố rất nhiều công cụ thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, trong đó có thúc đẩy nhà máy điện đốt rác, giảm khí thải…
"Với nhiều hỗ trợ tốt từ ngân sách thành phố cùng với nhận thức cộng đồng nâng lên, hy vọng thời gian tới, việc phủ xanh giao thông cho TP HCM sẽ nâng cao cả chất và lượng" - ông Vũ tin tưởng.
"Hòn ngọc" Bình Quới - Thanh Đa đang sáng lên
Ngày 20-2, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM tổ chức lễ công bố kết quả và trao giải "Thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa".
Hội đồng thi tuyển gồm 9 người, trong đó có 5 thành viên nước ngoài. Trải qua nhiều tháng tổ chức thi tuyển, 5 đơn vị lọt vào vòng 2 cuộc thi. UBND TP HCM đã phê duyệt kết quả cuộc thi tuyển với 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải khuyến khích.
Hình ảnh bán đảo Bình Quới - Thanh Đa trong phương án đoạt giải nhất. Ảnh: QUỐC ANH
Ông Trương Trung Kiên, quyền Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM (từ ngày 20-2-2025, phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM) đánh giá phương án đoạt giải nhất của liên danh Skidmore, Owings & Merrill LLP và Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc là phương án tối ưu, kết hợp hài hòa tất cả yếu tố và có tính khả thi cao.
Trên cơ sở ý tưởng của phương án đoạt giải cao nhất, những ý tưởng nội dung phù hợp sẽ được chuyển tải vào đồ án quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Sau khi đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP HCM sẽ triển khai các bước tiếp theo là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, để hiện thực hóa các ý tưởng quy hoạch cho bán đảo Bình Quới - Thanh Đa.
"Chúng tôi kỳ vọng sau cuộc thi này sẽ tìm được ý tưởng quy hoạch tốt nhất, hài hòa, phát huy cao nhất giá trị về thiên nhiên, sinh thái, cảnh quan để có thể đưa ra phương án khả thi nhằm biến ý tưởng quy hoạch thành hiện thực. Thành phố sẽ hiện thực hóa ước mơ bán đảo Thanh Đa" - ông Kiên nhấn mạnh.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-2
QUỐC ANH - THU HỒNG