Những 'cột mốc sống' vùng biên giới đất liền

Những 'cột mốc sống' vùng biên giới đất liền
14 giờ trướcBài gốc
Xã Quảng Trực nằm trải dài theo Quốc lộ 14C - tuyến đường biên giới huyết mạch tiếp giáp Campuchia.
Quảng Trực là xã biên giới trọng điểm, có 41 km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Cư dân nơi đây phần lớn là đồng bào M’nông, Dao, Tày, Nùng… sinh sống rải rác tại các bon làng sát biên giới.
Những năm trước, nơi đây là vùng đất khó, hạ tầng yếu kém, đời sống người dân thiếu thốn, an ninh phức tạp. Nhưng từ khi được Nhà nước đầu tư đường tuần tra biên giới, các chốt dân quân, trạm kiểm soát, người dân dần an cư lạc nghiệp, ổn định sản xuất và giữ vững địa bàn.
Ông Điểu Drây, người uy tín ở bon Bu Prăng 1 chia sẻ, trước kia, vùng này còn hoang hóa, hiểm trở, ít người bám trụ lâu dài. Nhưng nhờ có điện, đường và các chính sách hỗ trợ thiết thực, người dân yên tâm làm ăn, trồng cà phê, hồ tiêu và gần đây là mắc ca - loại cây đang giúp nhiều hộ đổi đời”.
Trên những triền đồi dọc biên giới, cây mắc ca đã bén rễ hơn 10 năm qua. Từ vài hộ tiên phong, đến nay, toàn xã đã phát triển được gần 1.600 ha mắc ca. Cây trồng này không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn góp phần định canh, định cư cho hàng trăm hộ dân, hạn chế di cư tự do, phá rừng, lấn chiếm đất quốc phòng.
Tiêu biểu là gia đình chị Hoàng Thị Uyên ở bon Bu Prăng 1, một trong những hộ đầu tiên trồng mắc ca tại địa phương. Với hơn 3 ha trồng đúng kỹ thuật, vườn cây của chị đã cho thu hoạch ổn định sau hơn một thập kỷ, mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. “Cây mắc ca giờ không chỉ là cây làm giàu, mà còn là cây giữ đất. Nhờ có rẫy, có thu nhập, bà con yên tâm sống bám đất, bám làng”, chị Uyên bày tỏ.
Già Điểu Drây (áo thổ cẩm) phối hợp với bộ đội biên phòng, Đoàn Thanh niên tuyên truyền bảo vệ cột mốc biên cương.
Không dừng lại ở sản xuất nhỏ lẻ, trên địa bàn xã hiện đã hình thành 3 hợp tác xã chuyên trồng và chế biến mắc ca. Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Long Việt, thành lập từ năm 2019, đang phát triển vùng nguyên liệu hơn 500 ha, quy tụ hàng trăm hộ dân tham gia phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần biên giới. HTX không chỉ hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón mà còn bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Đặc biệt, nhiều thành viên HTX là lực lượng dân quân, cựu chiến binh sẵn sàng phối hợp tuần tra, báo tin, giữ rừng, giữ đất.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung - Chủ tịch HĐQT HTX Long Việt chia sẻ: “HTX hướng đến sản xuất hữu cơ, chế biến sâu và xây dựng thương hiệu mắc ca vùng biên. Chúng tôi xem việc gắn bó với cộng đồng, cùng người dân bảo vệ chủ quyền là trách nhiệm lớn lao”.
Ông Đoàn Minh Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết, việc phát triển sản xuất gắn với nhiệm vụ bảo vệ biên giới là định hướng xuyên suốt của địa phương. Trong nhiều năm qua, xã phối hợp chặt chẽ với các Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc.
Hàng trăm hộ dân sống gần biên giới đã ký cam kết không xâm canh, không vượt biên trái phép và sẵn sàng phối hợp tham gia tuần tra, giữ gìn an ninh vùng giáp ranh.
“Bảo vệ biên giới không chỉ là trách nhiệm của lực lượng biên phòng, mà còn là nhiệm vụ trực tiếp của người dân sống nơi đây. Khi bà con có đất sản xuất, có sinh kế ổn định, họ sẽ tự nguyện trở thành lực lượng gìn giữ đất đai, bảo vệ chủ quyền vững chắc nhất”, ông Thuận khẳng định.
Trên vùng đất biên giới Quảng Trực hôm nay, những vườn mắc ca trĩu quả, rẫy cà phê xanh mướt không chỉ là biểu tượng của sự đổi thay kinh tế mà còn là minh chứng sống động cho một chiến lược phát triển toàn diện: lấy Nhân dân làm trung tâm, lấy thế trận lòng dân làm nền tảng, vừa làm giàu, vừa vững vàng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc.
Đức Hùng
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/nhung-cot-moc-song-vung-bien-gioi-dat-lien-381763.html