Những cụ già bán hoa đăng bên sông Hoài phố Hội. Video: Văn Nhất
Họ là những phụ nữ cao tuổi, phần lớn đã ngoài 70, sống quanh khu vực phố cổ Hội An. Mỗi buổi chiều, các cụ lặng lẽ mang theo những chiếc giỏ mây, bên trong là hàng chục chiếc hoa đăng giấy tự tay gấp hoặc có khi nhập từ những người bạn khác, rồi ra ngồi bên bờ sông.
Những phụ nữ lớn tuổi bán hoa đăng bên sông Hoài. Ảnh: Văn Nhất
Không mời gọi ồn ào, cũng không chèo kéo du khách, các cụ chỉ nở những nụ cười hiền hậu, với lời mời nhẹ nhàng: “Mua một chiếc hoa đăng thả xuống sông để cầu may mắn đi con. Bà bán rẻ cho con 5.000 nghìn đồng một cái, con cũng như con cháu của bà mà...”.
Những chiếc hoa đăng thả trên sông với tâm niệm sẽ đem lại nhiều điềm lành, may mắn. Ảnh: Văn Nhất
Bình thường mỗi chiếc hoa đăng được bán với giá từ 10.000 đến 20.000 đồng. Du khách, cả trong và ngoài nước, thường chọn mua vài chiếc để thả xuống sông Hoài. Để rồi khi màn đêm dần buông xuống, lúc cả Hội An bừng sáng ánh đèn lồng nơi những mái nhà cổ, thì điểm xuyết là ánh sáng lung linh từ hàng trăm ngọn đèn nhỏ trôi lững lờ trên mặt sông.
Sạp hoa đăng của bà Hai. Ảnh: Văn Nhất
Bà Hai (75 tuổi, nhà ở phường Hội) kể rằng bà ngồi bán hoa đăng bên bờ sông Hoài từ khi có đông khách về với Hội An, chắc cũng gần 20 năm năm rồi. “Cố gắng để có tiền lo cho con cái. Nhiều bữa cũng ế lắm, có ngày chỉ bán được 3-4 cái hoa đăng, nhưng vì mưu sinh nên bà vẫn cố gắng mỗi ngày. Ngày ngày nhìn dòng sông đầy hoa đăng trôi trên sông mà lòng cũng thấy ấm”.
Không chỉ là một cách mưu sinh tuổi già, việc bán hoa đăng còn là cách các cụ gắn bó với truyền thống văn hóa địa phương. Từng chiếc đèn giấy là kết quả của những bàn tay tỉ mẩn, khéo léo. Và cũng là sự trân trọng đối với nét nghi thức văn hóa mang yếu tố tâm linh, biểu tượng cho niềm tin, hy vọng, sự tưởng nhớ người thân, cũng như ước nguyện bình an, hạnh phúc.
Những phụ nữ bán hoa đăng lặng lẽ ngồi chờ khách ghé mua. Ảnh: Văn Nhất
Bà Bùi Thị Sáu (68 tuổi), nhà ở con hẻm đường Nguyễn Hoàng, phường Minh An, nay là phường Hội An. Buổi tối tôi gặp, cũng là lúc phố cổ đổ mưa to. Bà mặc áo mưa, che thêm chiếc dù vẫn tiếp tục “bám trụ” bên bờ sông ướt nước. Dù mưa lạnh, gương mặt nhăn nheo của bà vẫn tươi cười.
Dù khi trời khô ráo, hay lúc đổ mưa, gương mặt nhăn nheo của bà Sáu vẫn không thiếu vắng nụ cười. Ảnh: Văn Nhất
Bà kể, theo nghề bán hoa đăng này cũng hơn 10 năm nay. Con cái lớn đi xa hết, bà hiện ở với đứa cháu 20 tuổi chưa có công việc ổn định.
“Gần đây cũng thêm nhiều người bán hoa đăng dạo, mình già yếu chân cẳng đau nhức đâu thể cạnh tranh với họ được. Những hôm may mắn cũng được một hai trăm bạc, bươn chải qua ngày”, bà nói.
Du khách nước ngoài thích thú với những chiếc hoa đăng của bà Sáu. Ảnh: Văn Nhất
Chính quyền địa phương thành phố Hội An trước đây, nay là phường Hội An, đã nỗ lực hỗ trợ, tạo không gian văn minh, sạch đẹp cho các cụ lớn tuổi buôn bán bên sông Hoài. Nhiều tổ chức du lịch cũng kêu gọi du khách ủng hộ hoa đăng từ người dân bản địa thay vì mua sản phẩm công nghiệp hoặc qua trung gian.
Sông Hoài với muôn sắc màu hoài niệm. Ảnh: Văn Nhất
Giữa nhịp sống hiện đại, hình ảnh cụ già bên dòng sông với đôi bàn tay nhăn nheo nâng niu từng chiếc hoa đăng không chỉ là bức tranh bình dị của phố cổ Hội An, mà còn là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về việc giữ gìn giá trị truyền thống nơi con người, văn hóa và thời gian hòa quyện trong một dòng chảy lặng lẽ mà sâu lắng - “một chiếc đèn, một lời nguyện ước”.