Những 'cửa hàng hai sọt' ở vùng cao

Những 'cửa hàng hai sọt' ở vùng cao
3 ngày trướcBài gốc
Những chuyến hàng vào bản không chỉ vì mưu sinh mà còn vì tình cảm và tình người.
2 sọt và... "nghìn lẻ một" mặt hàng
Những lần lên vùng cao, miền biên giới công tác, ghé thăm các đồn biên phòng, trạm kiểm lâm, trường học, có khi là bản xa, không ít lần tôi bắt gặp những chiếc xe máy gắn 2 chiếc sọt 2 bên, chất đầy các loại hàng hóa len lỏi vào tận cùng các bản xa xôi để buôn bán. Và khi tham gia Ngày hội Đại đoàn kết ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát) tôi mới tường tận về những “cửa hàng di động”, “cửa hàng hai sọt”, “dịch vụ hai sọt”... - theo cách gọi của bà con vùng cao.
Trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự dẫn tôi đến gặp một người đàn ông đang ngồi bàn kế bên và nói: “Ngoài con bò của bản, nguồn thực phẩm tươi ngon đãi khách hôm nay là đến từ anh này. Cần gì cứ a lô là có, chỉ sợ không tiền thôi”. Trước đây, dân bản muốn mua hoặc bán cái gì, phải xuống chợ cách đó rất xa, mất cả ngày trời. Những năm gần đây, điện thoại đã phủ đến các bản vùng cao của xã Trung Lý, việc đặt hàng thực phẩm sống chỉ cần gọi điện đặt hôm trước, hôm sau họ chuyển lên. Nhiều nhà không có tiền thì cũng có thể mua nợ, cứ cộng sổ để đấy, đến mùa thu hoạch thì trả. Hoặc không sẵn tiền mặt thì có thể đổi bằng hiện vật. Nên lúc ra về, trong sọt của những người đi buôn hàng tại đây lại đầy ắp sản vật như lợn, gà, mật ong, cây thuốc, rau rừng...
Người đàn ông mà trưởng bản Sự giới thiệu tên là Đào Văn Mạnh, người dưới xuôi lên huyện Quan Hóa định cư đã lâu. Trước kia anh làm nghề xây dựng nhưng 5, 6 năm nay anh chuyển sang nghề buôn bán. Hằng ngày, 3h sáng, anh Mạnh dậy chuẩn bị hàng đi chợ. "Phải đi sớm cho kịp bán. Đi muộn, bà con lên nương hết", anh Mạnh giải thích. Hai chiếc sọt đựng hàng hóa như một cửa hàng thu nhỏ, từ áo quần, bàn chải, khăn mặt, xà phòng, mì tôm, dầu ăn cho đến cá biển, thịt lợn, chè xanh, rau lang... Anh Mạnh bảo: "Đời sống đồng bào giờ khá hơn trước nhiều. Sắp đến tết, họ cũng mua sắm bánh mứt, dầu, mắm, đường, sữa... đầy đủ lắm. Chưa đến tháng Chạp mà không ít nhà đã đặt mua chén bát, ấm tách...".
Góp yêu thương
Tranh thủ kiểm tra lại lần nữa độ chắc chắn của hai chiếc sọt, anh Mạnh nổ máy vụt đi trong màn đêm lạnh buốt. Giao thông đi lại khó khăn khiến Tà Cóm và các bản lân cận như: Cá Giáng, Cánh Cộng, Cò Cài... gần như bị biệt lập với thế giới bên ngoài. Có 2 con đường để đến với cụm bản xa xôi này. Một là có thể từ trung tâm xã Trung Lý đi qua xã Mường Lý, qua cầu Chiềng Nưa rồi đi đò qua sông Mã vào bản, dài khoảng 30km. Đây là tuyến đường mà anh Mạnh hay đi. Hai là đi từ thị trấn Mường Lát, men các triền núi xuôi theo bờ sông Mã đến bản. Lý trình này dài khoảng gần 60km. Chỉ khi vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, chảy xiết người ta mới phải chọn “nan lộ” này.
Chiếc xe của anh Mạnh như một cửa hàng thu nhỏ, từ bánh trái đến rau củ quả... đều có.
Đi nhiều thành quen, những khúc cua hiểm trở và bất ngờ, anh đều đã thuộc làu và dễ dàng vượt qua. Tuy nhiên, anh Mạnh kể, trên cung đường rừng heo hút ấy, những người làm nghề như anh đã gặp không ít khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến bản thân. Đó là những lần xe hỏng lốp mà không có nơi chữa; lần bất ngờ mưa rừng đổ xuống gây sạt lở, nguy cơ bị vùi lấp bất cứ lúc nào... “Mới mấy tháng trước, trời mưa liên tục. Vì có hàng đặt trước nên tôi vẫn đi, vài chỗ sạt lở ít thì đẩy qua được. Tuy nhiên, đến đoạn gần Cổng Trời (xã Trung Lý) thì nghe ầm ầm trên đỉnh, tôi nhanh trí bỏ xe chạy thoát. Chiếc xe bị phủ bùn đất, trong lúc kéo xe vẫn phải ngửa mặt lên núi nhìn xem đất có sạt tiếp không để lo mà chạy. Qua được chỗ đó, chạy đến đoạn khác lại gặp sạt lở, mở hàng xuống vác qua từng món rồi nhờ người dân khiêng xe qua, cột hàng lại và chạy tiếp”, anh Mạnh nhớ lại. Và để bảo vệ bản thân, anh Mạnh thường rủ thêm người đi cùng để hỗ trợ. Trên xe lúc nào cũng có dao to, nếu cây rừng đổ xuống làm tắc đường thì chặt cây và kéo ra mở đường để đi. Ngoài ra, anh còn mang theo bộ đồ nghề sửa xe, săm xe (ruột) dự phòng để dùng khi cần. Trung bình một tháng phải thay cặp lốp mới, bộ nhông xích. Vậy mà đôi khi xe bị hỏng nặng ở giữa đường, phải thuê xe khác chở thực phẩm vào giao nhanh cho khách hàng.
Ngoài cung cấp nhu yếu phẩm cho bà con, anh Mạnh còn là đầu mối thực phẩm cho Trường Tiểu học Trung Lý 2, Trạm Kiểm lâm Tà Cóm, đội liên ngành... tại đây. Thông thường khoảng 7 giờ tối, người phụ trách bếp ăn của các đơn vị sẽ gọi điện cho anh Mạnh đặt thực đơn ăn ngày hôm sau. Ngoài thực phẩm ra, anh Mạnh còn chở bình ga, nồi niêu và những thứ bà con cần. Nếu tạnh ráo, anh Mạnh sẽ đi hàng mỗi ngày, cung cấp thực phẩm tươi cho các đơn vị. Tuy nhiên vào mùa đông hay mưa gió thì hai hoặc ba ngày một lần. Nhưng sạt lở kéo dài làm tắc đường thì có khi cả tuần, nửa tháng. Các đơn vị đứng chân trong bản phải sử dụng thực phẩm dự trữ, vào trong dân mua thêm thực phẩm tươi. Anh Mạnh chia sẻ: “Nhiều lần, các đơn vị đặt hàng, mình gom hàng đâu ra đấy rồi. Nhưng trời mưa bão không vào bản được, mình phải quay xe chở hàng về nhà. Dọc đường đi lại gặp sạt lở, tắc đường, mò mẫm nửa đêm mới về đến nhà. Các loại thực phẩm bị hư hết, tuần sau mua đồ mới chở lên lại”.
Dù biết, đi buôn để kiếm đồng lời nhưng trời mưa bão, nguy hiểm đến tính mạng luôn thường trực ở hai bánh xe, anh Mạnh đủ lý do chính đáng để từ chối. Nhưng, anh lại tự nhủ với bản thân mình, nếu không đi người trong bản sẽ ngóng chờ. Lúc mưa bão, trên mâm cơm có miếng cá, miếng thịt, miếng đậu... là thể hiện lòng tốt, tính cam kết trách nhiệm cao của người đi buôn với công việc đang làm. Vì thế dù biết nguy hiểm anh Mạnh vẫn đi. Anh chia sẻ: “Cái nghề đi buôn này vất vả lắm, nhưng được cái vui. Mỗi khi vào đến bản, bà con đổ ra bên cạnh mình mua hàng, miệng hỏi thăm tình hình bên kia sông Mã, chuyện phố huyện... có khi có của ngon, vật lạ họ lại mang ra đổi”.
Chưa thể thống kê có bao nhiêu người làm dịch vụ buôn bán hàng hóa kiểu “di động” hoặc hoạt động lời lãi ra làm sao nhưng rõ ràng, nhiều năm nay, những người như anh Mạnh lặng lẽ, miệt mài băng rừng vượt núi để mang hàng hóa khắp mọi miền đến với các bản xa xôi trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Họ chấp nhận vất vả trên chặng đường đi - về mỗi ngày hàng trăm km để mưu sinh theo cách “lấy công làm lãi”. Có lẽ, ngoài vấn đề mưu sinh còn là tình cảm. Như lời anh Mạnh nói, anh quý sự chất phác, thật thà, thân tình của đồng bào nơi đây. Sự thân tình ấy càng thắm đượm bởi những bữa cơm đúng dịp, những giấc ngủ qua đêm ấm áp bên bếp lửa nhà tường trình, mà đồng bào dành cho anh khi bị nhỡ độ đường.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/nhung-cua-hang-hai-sot-o-vung-cao-235211.htm