1. “Chỉ tính 5 năm trở lại đây, tôi vinh dự đón nhận 24 bằng khen của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trao tặng”-ông Chu Xuân Toàn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Chư Pưh mở đầu câu chuyện ngay khi trở về từ Đại hội thi đua yêu nước CCB gương mẫu lần thứ VII. Tại Đại hội, ông vinh dự được báo cáo điển hình, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng mô hình “Ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh” và nhận bằng khen của Trung ương Hội CCB Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu” giai đoạn 2019-2024.
Với 16 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội CCB huyện, ông Toàn luôn trăn trở và có nhiều sáng kiến góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ông chia sẻ: “Tinh thần của một đảng viên gần 44 năm tuổi Đảng không cho phép tôi làm ngơ trước sự chống phá của các thế lực thù địch hòng kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như các đối tượng trộm cắp lộng hành. Bà con vất vả “một nắng hai sương” mới thu được thành quả, trong khi các đối tượng ham chơi, lười lao động chỉ chực chờ để trộm cắp.
Để ngăn chặn tình trạng trên, năm 2019, tôi đã xây dựng mô hình “Ánh sáng và tiếng kẻng an ninh” và triển khai điểm tại làng Tao Klăh, xã Ia Rong”.
Theo đó, Hội CCB huyện cùng với Chi hội CCB làng tuyên truyền, vận động người dân lắp điện chiếu sáng trước nhà và lắp 3 chiếc kẻng trong khu dân cư. 14 hội viên nòng cốt của Chi hội phối hợp với các lực lượng tại chỗ duy trì mô hình bằng việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát địa bàn, kịp thời nhắc nhở các hộ dân nâng cao tinh thần cảnh giác và phát hiện, xử lý các vụ việc gây mất an ninh trật tự.
Ông Chu Xuân Toàn (thứ 3 từ trái sang) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại Đại hội thi đua yêu nước CCB gương mẫu toàn tỉnh. Ảnh: P.D
Năm 2020, mô hình được nâng cấp thành “Ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh”. “Đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, nếu có camera ghi lại sẽ giúp lực lượng chức năng quản lý tốt địa bàn, tiến hành phân tích, nhận định hướng điều tra đối với các vụ việc nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, 5 năm trở lại đây, qua trích xuất camera, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 100 vụ trộm cắp. Ở những nơi có hệ thống camera, tình trạng thanh niên điều khiển phương tiện tham gia giao thông lạng lách, đánh võng, nẹt pô giảm đáng kể”-ông Toàn khẳng định.
Đến nay, Hội CCB chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng Công an nhân rộng mô hình tại 57 thôn, làng trong toàn huyện; vận động cán bộ, hội viên và người dân lắp đặt trên 460 camera và 3.800 bóng điện chiếu sáng với tổng kinh phí gần 3,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Toàn cũng ghi dấu ấn với nhiều mô hình được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, như: “8+1”, tức là 8 hội viên CCB giúp đỡ 1 đối tượng lầm lỡ phấn đấu tiến bộ, ổn định cuộc sống; “10+1”, gồm 10 cán bộ, hội viên CCB giúp đỡ 1 hội viên vươn lên thoát nghèo; “5 không”: “Không theo FULRO, không nghe lời kẻ xấu, không tham gia gây rối biểu tình bạo loạn, không tiếp tế cho địch, không vượt biên”; “4 không”: “Không vi phạm pháp luật, không gây tai nạn giao thông đường bộ, không nghiện ma túy, không mại dâm”.
“Mô hình “8+1” được triển khai sâu rộng trong các cấp Hội và từ năm 2015 đến nay đã giúp đỡ hơn 100 đối tượng lầm lỡ trở nên tiến bộ. Chúng tôi tìm hiểu hoàn cảnh của từng đối tượng và phân công hội viên phù hợp để giúp đỡ; trong đó vừa tuyên truyền, vận động, vừa quan tâm hỗ trợ sinh kế, vay vốn, phối hợp giải quyết việc làm”-ông Toàn cho hay.
Ông Toàn (hàng đầu, thứ 4) tại Đại hội thi đua yêu nước Hội CCB Việt Nam lần thứ 7. Ảnh: NVCC
Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nay Hứ nhìn nhận: “Đồng chí Chu Xuân Toàn là cán bộ Hội gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc và có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả thiết thực. Các mô hình do đồng chí Toàn và Hội CCB huyện triển khai thời gian qua đã huy động được đông đảo hội viên cùng cộng đồng trách nhiệm và được người dân đồng tình hưởng ứng; qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và làm sáng đẹp thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới”.
2. Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, “nói đi đôi với làm” là những lời ngợi khen của cán bộ, đảng viên và người dân thôn 7 (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) khi nói về bà Đinh Thị Dúng-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn. Còn bà Lê Thị Duyên-Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu cũng dành những lời nhận xét: Dù tuổi cao, song đồng chí Đinh Thị Dúng luôn chủ động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ mà đứng đầu là đồng chí Dúng, người dân luôn đoàn kết, phát triển kinh tế và đồng sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.
Thôn 7 có 199 hộ với 937 khẩu. Chi bộ có 17 đảng viên. Là người đứng đầu, bà Dúng luôn khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Trong suốt 10 năm làm Bí thư Chi bộ và 2 năm đảm nhận Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, bà Dúng luôn tận tâm, gương mẫu và trách nhiệm.
Bà Đinh Thị Dúng (ở giữa) chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị gặp mặt, biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh lần thứ IV. Ảnh: P.D
Thôn 7 có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc các tỉnh phía Bắc di cư theo diện kinh tế mới. Vì vậy, bà Dúng luôn lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chi bộ cùng với Ban Nhân dân thôn tuyên truyền, vận động các hộ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa. Chi bộ duy trì việc phân công đảng viên phụ trách hộ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
“Vài năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo; các hộ đều xây dựng nhà cửa khang trang, kiên cố và 85% hộ dân đã xây dựng công trình phụ hợp vệ sinh. Thôn có 178 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”-bà Dúng cho hay.
Theo bà Dúng, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các tuyến đường giao thông trong thôn đã được bê tông hóa, giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Người dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc cây xanh trước cổng nhà, thường xuyên thu gom rác thải, phát quang bụi rậm… Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, năm 2024, thôn đã vận động các hộ dân đóng góp kinh phí làm nhà sinh hoạt cộng đồng.
“Tổng kinh phí xây dựng công trình là 480 triệu đồng, trong đó, người dân đóng góp 160 triệu đồng, còn lại do Nhà nước hỗ trợ. Nhà sinh hoạt cộng đồng là nơi bà con hội họp, sinh hoạt và diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thêm gắn kết cộng đồng”-bà Dúng chia sẻ.
Với những đóng góp cho cộng đồng, năm 2022, bà Dúng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư; năm 2024, bà nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai.
PHƯƠNG DUNG