Những dấu ấn của ngành ngân hàng trong năm 2024

Những dấu ấn của ngành ngân hàng trong năm 2024
20 giờ trướcBài gốc
VnBusiness điểm lại những dấu ấn của ngành ngân hàng trong năm 2024.
Nới room tín dụng chủ động
Năm 2024 đánh dấu một năm thay đổi về chính sách điều hành tín dụng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện phân bổ hết room tín dụng 15% cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm. Động thái này nhằm mục đích thúc đẩy việc bơm vốn ra nền kinh tế trong bối cảnh trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành, thể hiện sự minh bạch khách quan, không còn cơ chế xin cho nào cả.
"Nếu như những năm trước đây, chúng ta coi đó là những khoản cấp phát thì nay là cơ chế giao để cho các ngân hàng phấn đấu để đạt. Bởi vì năm ngoái cũng có ngân hàng tăng hết room nhưng rất nhiều ngân hàng không đến room, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm", ông nói.
Ngày 28/8, NHNN tiếp tục đưa ra thông báo cho phép các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ, không cần đề nghị cơ quan quản lý. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023.
Năm 2024 đánh dấu một năm thay đổi về chính sách điều hành tín dụng khi Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện phân bổ hết room tín dụng 15% cho các ngân hàng ngay từ đầu năm.
Đến ngày 28/11, NHNN lại tiếp tục phát đi thông báo điều chỉnh nới room tín dụng cho một số tổ chức tín dụng (TCTD). Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.
Theo thông tin từ một số tổ chức trong nước công bố, một số ngân hàng được nới room tín dụng trong đợt cuối của năm như VietinBank (từ 14% lên 16%), ACB (từ 18,4% lên 20,69%), VIB (từ 18,4% lên 21,6%), Techcombank (từ 18,5% lên 20%), MSB (từ 16,3% lên 18,27%) và Nam A Bank (lên 18,4%).
Tính tới 13/12, tín dụng toàn hệ thống tăng 12,5%. Lãnh đạo NHNN nhiều lần tự tin khẳng định, tín dụng cả năm có thể tăng trưởng ở mức 15%, theo đúng mục tiêu đề ra.
Trước đó, trả lời chất vấn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thống đốc NHNN khẳng định chưa thể bỏ room tín dụng do nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào vốn ngân hàng, nếu không kiểm soát, mỗi TCTD tăng trưởng tín dụng vài chục phần trăm mỗi năm như trước đây thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế.
Lãi suất cho vay chạm đáy
Trong năm 2024, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đồng thời yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD.
Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đã giảm 0,76% so với năm 2023. Đây là nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Bên cạnh đó, ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất niêm yết đối với cả tổ chức và cá nhân tại hầu hết các kỳ hạn.
Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại và có thể điều chỉnh giảm nhẹ vào thời điểm cuối năm theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động do ảnh hưởng từ các diễn biến thiên tai thời gian gần đây.
Theo các chuyên gia, lãi suất hiện đã chạm đáy và khó có thể hạ thêm. Lãi suất huy động đã tăng liên tục từ tháng 4/2024 đến nay. Nhu cầu vốn tín dụng đang có xu hướng tiếp tục tăng, thời gian tới cũng sẽ áp lực đối với mặt bằng lãi suất. Ngoài ra sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế khiến việc giảm lãi suất Việt Nam đồng trong nước càng gia tăng áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.
Triển khai xác thực sinh trắc học
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023, từ ngày 1/7/2024, khách hàng khi thực hiện một số giao dịch trực tuyến bắt buộc phải xác thực bằng sinh trắc học, như chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng.
Từ đầu năm 2025, chủ tài khoản chỉ được rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân; thông tin sinh trắc học do cơ quan công an cấp hoặc qua hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID). Các giao dịch thẻ online chỉ thực hiện được khi chủ thẻ đã xác thực sinh trắc học với ngân hàng, công ty tài chính. Nếu chủ tài khoản chưa xác minh sinh trắc học với ngân hàng thì chỉ có thể nạp, rút hoặc chuyển khoản tiền tại quầy của ngân hàng.
Các ngân hàng "chạy nước rút" xác thực sinh trắc học trước thời hạn 1/1/2025. Nhiều ngân hàng, ví điện tử đã tích cực hỗ trợ người dùng xác thực sinh trắc học trên đa kênh, bao gồm tích hợp dịch vụ xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID, nhằm đảm bảo giao dịch thông suốt và an toàn.
Theo thống kê mới nhất của Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến ngày 13/12 đã có 66,6 triệu khách hàng cá nhân được đối chiếu sinh trắc học.
NHNN cho biết sau hơn 3 tháng triển khai, số vụ lừa đảo giảm 50% và số tài khoản nhận tiền lừa đảo giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024.
Bình ổn thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới
NHNN đã quay lại tổ chức đấu thầu vàng miếng vào tháng 4/2024, sau gần 11 năm tạm ngưng hoạt động này.
Theo đó, NHNN đã tổ chức tổng cộng 9 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, cung ứng hơn 48.000 lượng vàng ra thị trường. Tuy nhiên, vào ngày 27/5/2024, NHNN thông báo dừng hoạt động đấu thầu vàng miếng.
Sau khi thực hiện biện pháp bình ổn thị trường vàng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã giảm xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng.
Mặc dù NHNN đã tăng cung vàng qua các phiên đấu thầu nhằm giảm chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới, nhưng kết quả không như mong đợi. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Qua 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giá vàng giảm không được như kỳ vọng".
Cũng trong năm nay, NHNN tổ chức bán vàng trực tiếp qua các ngân hàng thương mại: Từ ngày 3/6/2024, NHNN bắt đầu bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Các đơn vị này sau đó bán vàng trực tiếp tới người dân, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Trước khi triển khai bán vàng trực tiếp, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên tới 15-18 triệu đồng/lượng. Sau khi thực hiện biện pháp này, chênh lệch đã giảm xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng, góp phần bình ổn thị trường vàng trong nước.
Hiện, NHNN đang tiến hành sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012, trong đó quan tâm đến xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng. Đồng thời, tính đến việc ưu đãi thuế để hàng trong nước phát triển, tạo điều kiện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất và khi bán ra tạo điều kiện cho hàng trang sức xuất khẩu.
Chuyển giao bắt buộc các ngân hàng "0 đồng"
Trong năm 2024, NHNN đã tiến hành chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng "0 đồng" nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và đảm bảo an toàn tài chính:
Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (CBBank) được chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) được chuyển giao cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Quá trình chuyển giao được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và chủ trương của Đảng và Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền trước, trong và sau khi chuyển giao.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực
Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Luật này chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong TCTD của cổ đông. Theo đó, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD (quy định trước đó là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD (quy định trước đó là 20%).
Luật cũng giảm dần hạn mức cấp tín dụng với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan đến khách hàng đó của ngân hàng thương mại.
Một số điểm mới đáng chú ý khác của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là: Cấm ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc dưới mọi hình thức; cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của TCTD phải công khai thông tin; bổ sung quy định về việc can thiệp sớm TCTD yếu kém; TCTD được chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ…
Bên cạnh đó, Luật đã luật hóa các quy định mới về cấp tín dụng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng chính thức cho người dân, đặc biệt là với các khoản tín dụng giá trị nhỏ.
Theo các chuyên gia, các quy định mới của Luật được xây dựng theo hướng chặt chẽ, thận trọng và bao trùm hơn. Luật vừa góp phần khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện tại, như: sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, vừa kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển một số hoạt động mới của các TCTD hướng tới nâng cao tiện ích cho khách hàng, người dân, như: ngân hàng số, giao dịch điện tử, ngân hàng đại lý…
Có thể nói, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống các TCTD hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế; đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững của ngành ngân hàng…
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//ngan-hang/nhung-dau-an-cua-nganh-ngan-hang-trong-nam-2024-1104393.html