Những dấu ấn nổi bật của Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020-2025

Những dấu ấn nổi bật của Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020-2025
9 giờ trướcBài gốc
Dấu ấn xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế
Không chỉ đánh giá cao vai trò của Đảng bộ Bộ Công Thương trong phát triển kinh tế đất nước, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương, luật sư Bùi Văn Thành - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới đã điểm danh những dấu ấn nổi bật của Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020-2025.
Luật sư Bùi Văn Thành - Phó Chủ tịch VIPFA, Trưởng Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương
- Ông đánh giá ra sao về vai trò và những dấu ấn nổi bật của Đảng bộ Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2020-2025 đối với sự phát triển kinh tế đất nước?
LS Bùi Văn Thành: Theo đánh giá của tôi, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ Công Thương đã có nhiều dấu ấn nổi bật. Theo đó, một trong những dấu ấn đầu tiên và xuyên suốt nhiệm kỳ đó là hoạt động xuất nhập khẩu. Có thể nói, xuất nhập khẩu được đánh giá như “trụ cột” của phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025.
Chúng ta đã triển khai rất tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các FTA thì đã góp phần rất tốt, tích cực hiệu quả việc tăng trưởng xuất khẩu vào những thị trường, trong đó có những thị trường mới và cả những thị trường truyền thống như: Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Canada, ASEAN…và đặc biệt, tôi rất ấn tượng với hoạt động ngoại thương với thị trường Hoa Kỳ của lãnh đạo Bộ Công Thương thời gian gần đây.
Điểm nổi bật thứ 2 mà tôi muốn nói đến đó là, sự thúc đẩy phát triển công nghiệp và chuyển đổi năng lượng, trong đó có Chiến lược Phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mà Bộ Công Thương xây dựng, tại chiến lược, Bộ Công Thương đã tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp 4.0 và chuyển đổi xanh…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đóng vai trò chủ động trong việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII điều chỉnh và xác định lộ trình chuyển dịch năng lượng từ than sang khí và năng lượng tái tạo…
Một trong những điểm nổi bật nữa trong nhiệm kỳ 2020-2025, đó là Bộ Công Thương đã thể hiện rõ vai trò đầu mối, chỉ đạo, lãnh đạo trong quản lý thị trường, phòng vệ thương mại và bảo vệ người tiêu dùng. Bộ Công Thương đã xử lý nhiều vụ việc chống bán phá giá đối với các mặt hàng như thép, gỗ, thủy sản… nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Cùng với đó, đảm bảo cung - cầu thị trường trong thời gian khủng hoảng covid-19 và các dịp Tết Nguyên đán, điều hành kịp thời mặt hàng chiến lược như xăng dầu, lương thực và những mặt hàng thiết yếu, đẩy mạnh chuyển đổi số và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng…
Nhìn lại giai đoạn 2020-2025, tôi cho rằng, Bộ Công Thương là một trong những bộ ngành chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Bộ Công Thương là một trong những bộ ngành chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Ảnh minh họa
Góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế
- Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều chiến lược lớn, đặc biệt là Quy hoạch điện VIII. Theo ông, quy hoạch này có ý nghĩa như thế nào đối với mục tiêu tăng trưởng và bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam trong dài hạn?
LS Bùi Văn Thành: Quy hoạch điện VIII đã xác định những tiêu chí cụ thể, mục tiêu phát triển điện lực Việt Nam đến năm 2030 và mục tiêu đến năm 2050. Qua đó thấy rõ ý nghĩa lâu dài của quy hoạch gồm: Kết nối năng lượng với tăng trưởng kinh tế bền vững, gắn kết giữa công nghiệp hóa và bảo vệ môi trường.
Cụ thể như, giảm điện than đến năm 2030 còn 19-20%, đến năm 2050 về 0%, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và năng lượng sạch đến năm 2023 khoảng 50%, đến năm 2050 trên 80%. Góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết khí hậu. Thúc đẩy cải cách thể chế, mô hình thị trường điện cạnh tranh, tiến tới vận hành thị trường bán lẻ điện sau năm 2025.
Quy hoạch điện VIII là định hướng chiến lược cho toàn bộ hoạt động đầu tư, phát triển và vận hành hệ thống điện trong gần 30 năm tới. Là một nhân tố rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% của Việt Nam năm 2025 và tăng trương 2 con số trong các năm tiếp theo, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển những ngành nghề công nghiệp mới, xanh, sạch và bền vững.
Dự báo, nhu cầu điện tại Việt Nam sẽ tăng trung bình từ 8-9%/năm đến 2030. Quy hoạch điện VIII được đánh giá là đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tiêu dùng, đặc biệt ở các vùng động lực kinh tế. Là nền tảng thu hút FDI, nhất là các nhà đầu tư yêu cầu cao về nguồn điện sạch như Samsung, LEGO, Apple...
Quy hoạch điện VIII cũng sẽ tạo cơ chế thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài. Xác định rõ danh mục các dự án điện, nguồn vốn và phương thức đầu tư theo hình thức xã hội hóa, tạo cơ hội lớn cho khu vực tư nhân và các định chế tài chính quốc tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện.
- Việc Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và trình ban hành khoảng 250 văn bản pháp luật, trong đó có 5 luật và 51 nghị định, sẽ tác động ra sao đến môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?
LS Bùi Văn Thành: Việc Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và trình ban hành một lượng lớn văn bản pháp luật không chỉ phản ánh vai trò là “kiến trúc sư trưởng về thể chế ngành Công Thương”, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, hội nhập quốc tế sâu rộng, đón đầu xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, thân thiện minh bạch hơn trong kiến tạo hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ đó góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia, như cải thiện xếp hạng Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business), Chỉ số Logistics (LPI), Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), Xếp hạng tín nhiệm quốc gia... Đây là những bước đi chiến lược và có tác động sâu rộng đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Với doanh nghiệp, việc cải cách mạnh mẽ thể chế trong lĩnh vực Công Thương, sẽ làm tăng tính tiên liệu và ổn định pháp lý, giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm hoạch định chiến lược dài hạn, sản phẩm hoặc dịch vụ mục tiêu, thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu.
Từ đó có thể ứng phó với những biến động nhanh, khó lường trong hoạt động thương mại toàn cầu, tăng trưởng nhanh và bền vững. Đây cũng là nội dung quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, nắm giữ công nghệ tiên tiến, cốt lõi tăng cường đến Việt Nam đầu tư.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Luật sư Bùi Văn Thành: Nhìn lại giai đoạn 2020-2025, Bộ Công Thương là một trong những bộ ngành chủ lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Nguyễn Hòa (thực hiện)
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nhung-dau-an-noi-bat-cua-dang-bo-bo-cong-thuong-nhiem-ky-2020-2025-410271.html