Cần cảnh giác hơn với những thay đổi thái độ giao tiếp của trẻ
“Cần cảnh giác hơn với những thay đổi thái độ giao tiếp của trẻ, đừng phớt lờ những tín hiệu dù nhỏ, và chủ động tìm đến chuyên gia… để can thiệp kịp thời trầm cảm tuổi vị thành niên” - Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương nhấn mạnh điều này khi trả lời PV Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương
PV: Thưa bác sĩ, hiện nay vấn đề trầm cảm ở tuổi vị thành niên có gì cần quan tâm?
TS.BS Trần Thị Hồng Thu: Trầm cảm ở tuổi vị thành niên hiện nay thực sự rất đáng báo động. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023 cho thấy, trầm cảm đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm chức năng và khuyết tật ở nhóm tuổi 10-19.
Trầm cảm tuổi này thường âm thầm với các biểu hiện: cáu gắt, thu mình, giảm thành tích học tập... Các yếu tố nguy cơ bao gồm áp lực học hành, căng thẳng từ mạng xã hội, sự cô đơn trong gia đình và thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc đang khiến các em dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Nếu không phát hiện và can thiệp sớm, hệ quả có thể rất nghiêm trọng. Đã có trẻ tự tử, nghiện chất cấm, bỏ học, và ảnh hưởng lâu dài cho đến tuổi trưởng thành.
Chúng ta cần cảnh giác hơn với các thay đổi hành vi, thái độ của trẻ, đừng phớt lờ những tín hiệu dù nhỏ, đồng thời xây dựng môi trường gia đình và trường học an toàn về mặt cảm xúc cho các em. Sự thấu hiểu và hành động đúng lúc của người lớn hôm nay có thể cứu lấy tương lai của cả một thế hệ.
Ảnh minh họa: internet
Tại Việt Nam, một nghiên cứu năm 2022 cho thấy: cứ 5 học sinh thì có ít nhất 1 em có dấu hiệu trầm cảm hoặc lo âu nặng. Nhiều em không tìm được sự giúp đỡ nên ra đi trong im lặng.
Trầm cảm tuổi teen không phải lúc nào cũng buồn rầu, than thở, có thể là cười nhiều hơn, hoạt bát bất thường, hoặc... im lặng hoàn toàn. Một nghiên cứu trên JAMA Psychiatry (2021) chỉ ra: 65% thanh thiếu niên trầm cảm có biểu hiện “ẩn bệnh”, không bộc lộ dấu hiệu rõ ràng. Điều đó có nghĩa là khi bạn nhận ra, có thể đã quá muộn.
PV: Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở độ tuổi này?
TS.BS Trần Thị Hồng Thu: Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở tuổi vị thành niên là tổng hợp của nhiều yếu tố phức tạp.
Thứ nhất, áp lực học tập, kỳ vọng thành tích từ gia đình, sự cạnh tranh trong trường học, mâu thuẫn bạn bè, bắt nạt học đường, hoặc sự cô lập xã hội đều dễ làm tăng cảm giác căng thẳng và bất lực ở các em.
Thứ hai, thay đổi sinh học với sự dao động hormone trong giai đoạn dậy thì cũng ảnh hưởng tới khả năng kiểm soát cảm xúc.
Thứ ba, môi trường gia đình thiếu sự gắn kết, bạo lực, ly hôn hoặc thiếu sự hỗ trợ tâm lý đúng lúc đều là những yếu tố nguy cơ cao.
Cuối cùng, yếu tố di truyền và tiền sử bệnh tâm thần trong gia đình cũng làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm. Thanh thiếu niên có cha mẹ từng mắc trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần khác sẽ có nguy cơ cao hơn.
Trầm cảm ở tuổi teen không phải sự yếu đuối. Đó là kết quả của rất nhiều áp lực tâm lý, xã hội và sinh học đang âm thầm bào mòn sức mạnh tinh thần của các em mỗi ngày.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu tư vấn cho người bệnh.
Phát hiện sớm, điều trị đúng sẽ tăng khả năng hồi phục của bệnh nhân trầm cảm
PV: Tuy nhiên, hiện nay đa phần khi bệnh nhân có dấu hiệu rõ rệt mới đến viện khám. Theo bà, việc phát hiện và điều trị muộn dẫn đến những hệ lụy gì?
TS.BS Trần Thị Hồng Thu: Phát hiện và điều trị muộn gây hệ lụy rất nặng nề.
Nếu không can thiệp sớm, trẻ dễ bị trầm cảm nặng, kéo theo sa sút thành tích học tập, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, nghiện chất cấm, và nguy cơ tự tử cao hơn nhiều lần.
Tôi gặp trường hợp bệnh nhân 16 tuổi từng là học sinh giỏi, bắt đầu trầm cảm từ áp lực học hành nhưng gia đình chỉ nghĩ em “lười biếng”. Khi đến viện, em đã có nhiều vết tự rạch tay và ý nghĩ tự tử rõ rệt, cần điều trị nội trú dài ngày và phục hồi rất chậm.
Một ca khác 17 tuổi, sau nhiều tháng thu mình và mất ngủ, chỉ được đưa đi khám khi đã phát triển trầm cảm nặng kèm theo rối loạn ăn uống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất. Và một câu chuyện buồn mà dấu hiệu bắt đầu từ mất ngủ, ăn ít, cáu gắt, rồi dần dần tách mình khỏi bạn bè. Gia đình nghĩ con đang "tập trung học". Đến ngày con nhảy khỏi ban công, mọi người mới bàng hoàng đọc được những dòng nhật ký đầy tuyệt vọng của con: "Con đã cố gắng lắm rồi. Nhưng con không tìm được lý do nào để tiếp tục nữa".
Qua đây tôi cũng muốn nhắn nhủ tới các bậc cha mẹ: Nếu trầm cảm được phát hiện sớm, điều trị đúng, khả năng hồi phục rất cao. Nhưng nếu để muộn, cái giá phải trả không chỉ là một giai đoạn mất mát, mà có thể là cả tương lai của một đứa trẻ.
PV: Hiện nay việc trị liệu trầm cảm ở tuổi vị thành niên cần áp dụng những phương pháp nào để đạt hiệu quả nhất? Cha mẹ, người thân và nhà trường cần quan tâm đến con em mình như thế nào để giảm thiểu tình trạng trầm cảm tuổi vị thành niên, thưa bà?
TS.BS Trần Thị Hồng Thu: Để điều trị hiệu quả, cần phối hợp nhiều phương pháp, linh hoạt theo từng trường hợp cụ thể. Trị liệu tâm lý cá nhân, đặc biệt là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) đóng vai trò trung tâm. CBT giúp thanh thiếu niên thay đổi suy nghĩ tiêu cực và học kỹ năng đối phó với stress.
Trị liệu gia đình cũng rất quan trọng, giúp cha mẹ hiểu rõ bệnh lý của con, hỗ trợ giao tiếp và xây dựng môi trường cảm xúc an toàn.
Trong trường hợp trầm cảm mức độ trung bình đến nặng, chúng tôi kết hợp dùng thuốc chống trầm cảm với sự theo dõi sát của bác sĩ chuyên khoa, nhằm giảm triệu chứng và hỗ trợ khả năng học tập, sinh hoạt bình thường của trẻ.
Ngoài ra, các liệu pháp hỗ trợ khác như thư giãn, thiền chánh niệm, và giáo dục kỹ năng cảm xúc - xã hội cũng rất hiệu quả, giúp trẻ tăng khả năng tự chủ, giảm lo âu và thích nghi tốt hơn
Cha mẹ và người thân cần chú trọng xây dựng một kết nối cảm xúc thực sự với trẻ. Hãy dành thời gian lắng nghe con mỗi ngày, không phán xét hay áp đặt. Cha mẹ nên thường xuyên hỏi han con, đơn giản như “con cảm thấy thế nào?” và kiên nhẫn lắng nghe con chia sẻ mọi cảm xúc, dù là tiêu cực. Tôn trọng cảm xúc của con, kể cả nỗi buồn hoặc thất vọng của con, thay vì phủ nhận hoặc xem nhẹ. Trẻ cần cảm thấy an toàn khi bộc lộ cảm xúc của mình.
Xây dựng môi trường gia đình an toàn là điều kiện tiên quyết. Tránh la mắng, chỉ trích nặng nề. Tạo không gian để con cảm thấy được chấp nhận dù có thất bại hay mắc lỗi. Gia đình nên là nơi trẻ được yêu thương vô điều kiện, không chỉ yêu con khi con thành công.
Ngoài ra, cân bằng giữa kỳ vọng và hỗ trợ cũng rất quan trọng. Việc đặt mục tiêu quá cao hoặc so sánh với người khác, nhưng cha mẹ lại không hỗ trợ tương xứng, sẽ chỉ làm cho con bị tăng áp lực và cảm giác thất bại.
PV: Từ thực trạng kể trên, bác sĩ có lời khuyến cáo gì để phòng ngừa cũng như nhận biết để được phát hiện và điều trị kịp thời?
TS.BS Trần Thị Hồng Thu: Dựa trên hơn 30 năm kinh nghiệm, tôi khuyến cáo rằng phòng ngừa và phát hiện sớm trầm cảm ở tuổi vị thành niên cần bắt đầu từ chính gia đình và nhà trường.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ chia sẻ, dạy trẻ kỹ năng quản lý căng thẳng và chấp nhận thất bại. Kỳ vọng hợp lý, tình yêu thương vô điều kiện và sự hiện diện lắng nghe mỗi ngày chính là những yếu tố bảo vệ mạnh mẽ nhất.
Để nhận biết sớm, hãy chú ý các dấu hiệu như: trẻ thu mình, mất hứng thú, dễ cáu gắt, ngủ quá ít hoặc quá nhiều, cảm thấy kiệt sức, suy nghĩ tiêu cực về bản thân… Nếu các dấu hiệu này kéo dài trên hai tuần, cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. Tôi nhấn mạnh rằng, dù bận rộn đến mấy, cha mẹ nên tạo cho con môi trường gia đình an toàn, thấu hiểu, hỗ trợ đúng lúc. Môi trường gia đinh gắn kết, an toàn chính là hàng rào vững chắc nhất bảo vệ thanh thiếu niên trước nguy cơ trầm cảm.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Lưu Hường/VOV.VN