Rút ngắn quy trình hơn 2 tháng
Những ngày cuối tuần tháng 4, nhiều phòng họp tại trụ sở Bộ Xây dựng vẫn sáng đèn đến khuya. Các nhóm chuyên gia, cán bộ dự án miệt mài rà từng chi tiết trong hồ sơ Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Mỗi con số, mỗi dòng phương án đầu tư đều phải chính xác tuyệt đối.
Ông Nguyễn Đức Phương, cán bộ Vụ Kế hoạch - Tài chính chia sẻ, giai đoạn xây dựng dự thảo trình Chính phủ (từ tháng 10/2023 - 8/2024) là thời điểm đặc biệt căng thẳng. Cán bộ các đơn vị tham gia thường xuyên làm việc đến 11h - 12h đêm, bất kể thứ Bảy, Chủ nhật.
Theo ông Chu Văn Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, sau khi đề án trình Chính phủ vào tháng 10/2023, đã có nhiều ý kiến góp ý, tập trung vào một số vấn đề then chốt như lựa chọn tốc độ thiết kế 250km/h hay 350km/h; phương án khai thác - chạy chung tàu khách và tàu hàng hay chỉ khai thác tàu khách…
Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã có văn bản giải trình, tiếp thu đầy đủ các ý kiến và báo cáo Thủ tướng. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học được mời trực tiếp làm việc để Bộ làm rõ, chứng minh các đề xuất trong Đề án: Tại sao lựa chọn tốc độ 350km/h? Vì sao tập trung khai thác tàu khách, căn cứ nào để tính toán tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD?
Nhờ vậy, trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 9/2024, các bộ, ngành đã thống nhất với phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ thiết kế 350km/h, khai thác tàu khách, có khả năng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng - an ninh và vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Ngày 18/9/2024, Bộ Chính trị ban hành kết luận; ngày 20/9/2024, Trung ương ra Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT được giao hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng vào ngày 2/10/2024; phối hợp Hội đồng thẩm định Nhà nước để thực hiện thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội vào tháng 10/2024.
Giai đoạn này diễn ra với tiến độ rất gấp. Thông thường, việc thẩm định dự án quan trọng quốc gia cần khoảng 90 ngày. Nhưng với dự án này, toàn bộ quy trình chỉ gói gọn trong chưa đầy hai tuần, với hạn chót là ngày 15/10.
Tài liệu cả nghìn trang, việc nào cũng gấp
Ngoài việc cung cấp thông tin tại các cuộc họp Hội đồng, Bộ GTVT còn phải giải trình và tiếp thu tất cả các ý kiến - mỗi đợt giải trình tài liệu có thể dài đến hàng trăm trang.
Tiếp đó là bước lấy ý kiến thành viên Chính phủ, giải trình và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội - toàn bộ khâu này chỉ có bốn ngày để hoàn thành.
Nhớ lại giai đoạn này, anh Vũ Văn Hiệp, cán bộ Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, sau khi trình Trung ương, các câu hỏi được đặt ra xoay quanh cơ chế chính sách triển khai, phương án huy động vốn, tính hợp lý của tổng mức đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng.
Dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tài chính: Tổng mức đầu tư lên tới 67,34 tỷ USD thì nguồn lực ở đâu, liệu có rơi vào "bẫy nợ công" hay không? Khả năng phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài đến mức nào?
Để trả lời các câu hỏi này, đồng thời giải trình, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, Bộ GTVT chỉ có khoảng một tháng để thực hiện. Thời điểm giải trình ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, thời gian được tính không theo ngày mà theo giờ.
Tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án, ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, Cục trưởng cùng cán bộ đã rà soát toàn bộ các chính sách đặc thù, đặc biệt mới nhất được Quốc hội cho phép áp dụng, cũng như các cơ chế đang được đề xuất trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).
Từ đó, lựa chọn chính sách phù hợp với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thi công, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và công nghiệp đường sắt.
"Nhóm của Cục Đường sắt Việt Nam và nhóm Vụ Pháp chế họp rất nhiều lần cùng các đơn vị thuộc Bộ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, cân nhắc từng nội dung, từng câu chữ để đủ nội dung, khả thi nhưng vẫn ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu và dễ thực hiện", ông Thịnh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đức Phương, dự án đường sắt tốc độ cao có quy mô lớn, công nghệ và kỹ thuật phức tạp. Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm triển khai dự án tương tự.
"Vì vậy, quá trình xây dựng dự án phải rất cẩn trọng, làm rõ mọi vấn đề còn băn khoăn. Đây là đề án đầu tiên phải kèm theo đến 11 phụ lục để minh bạch hóa các nội dung trình bày", ông Phương nói.
Trào cảm xúc khi Quốc hội bấm nút thông qua
"Một kỷ niệm không thể nào quên là thứ Bảy, ngày 7/9/2024, siêu bão Yagi đổ bộ vào Hà Nội. Anh em vẫn tập trung làm việc, cố hoàn thành nốt rồi mới về. Đến cuối giờ chiều, tôi cùng anh Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư mới rời cơ quan. Tôi đi xe máy về nhà, quãng đường chỉ 15km mà cây cối đổ ngổn ngang. Nghĩ lại đến giờ vẫn còn sợ", ông Phương kể lại.
Một kỷ niệm khác là sáng 18/9/2024, khi Bộ Chính trị họp, thông tin báo về rằng chiều cùng ngày sẽ báo cáo tại cuộc họp của Trung ương, lập tức, toàn bộ lực lượng được huy động để chuẩn bị 200 bộ hồ sơ Đề án.
Khi Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 19/10/2024, một chặng "chạy nước rút" mới lại bắt đầu. Bộ GTVT phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (được giao thẩm tra dự án) để thực hiện thẩm tra trong thời gian chỉ khoảng 20 ngày - thay vì thường lệ là 60 ngày.
Giai đoạn này không chỉ là cung cấp hồ sơ, giải trình với các ủy ban, mà còn tổ chức khảo sát thực địa tại hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM để tham vấn ý kiến địa phương, cộng đồng và xác nhận thực tế.
Đến ngày 12/11/2024, Ủy ban Kinh tế hoàn tất báo cáo thẩm tra. Trong thời gian Quốc hội họp, tại mỗi phiên thảo luận tổ, ít nhất phải có hai cán bộ tham gia, phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Kinh tế để tổng hợp đầy đủ ý kiến. Sau đó, toàn bộ ý kiến phải được giải trình trong vòng 2 ngày, tổng hợp thành báo cáo gần 200 trang.
Anh Vũ Văn Hiệp cho biết, nếu như trước đây, các báo cáo giải trình chỉ cần thức một đêm là xong thì lần này, cả đội phải thức trắng hai ngày, hai đêm. Đúng lịch họp là phải trình, nên trước đó phải cập nhật lên phần mềm để đại biểu Quốc hội truy cập.
Giai đoạn này không còn phân biệt ngày hay đêm, làm việc liên tục để bám tiến độ. Đồ ăn uống chỉ là bánh mì, xôi, để gọn một góc phòng, ai tranh thủ được lúc nào thì ra lấy, không để ảnh hưởng đến công việc.
"Có lúc anh em bảo nhau thay phiên nghỉ tại phòng họp, nhưng hầu như không ai chợp mắt được lâu, phần vì áp lực, phần vì liên tục phải bàn bạc, trao đổi. Tinh thần đúng nghĩa là "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", làm xuyên đêm, dành toàn bộ tâm huyết cho dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thường xuyên trực tiếp làm việc cùng anh em đến đêm khuya. Có lần, vì quá sốt ruột, Thứ trưởng còn tự ngồi sửa văn bản trên máy tính cho kịp tiến độ. Áp lực quá lớn, nhưng không ai chùn bước. Khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, cảm xúc của anh em vỡ òa", anh Hiệp kể lại.
Khởi công năm 2026
Theo Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 23/4/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với quy mô: Tổng chiều dài khoảng 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha; tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo kế hoạch, tổ chức lựa chọn các nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 8/2026.
Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong tháng 9/2026.
Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng bởi Dự án, cơ bản hoàn thành trước tháng 12/2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.
Tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trước ngày 31/12/2026.
Triển khai thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, cơ bản hoàn thành Dự án đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035 theo Nghị quyết số 72/2024/QH15 của Quốc hội.
Khẩn trương chọn lựa công nghệ kỹ thuật
Ngay sau khi dự án được thông qua chủ trương đầu tư, Bộ Xây dựng lại bắt tay ngay vào các công việc tiếp theo: Xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư và đã được Chính phủ thông qua, ban hành ngày 23/4/2025; hướng dẫn thực hiện các chính sách đặc thù, đặc biệt; phối hợp địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng…
Ban QLDA đường sắt có nhiệm vụ tổ chức lựa chọn tư vấn quản lý dự án, triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi; triển khai các gói thầu hỗ trợ, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, rà phá bom mìn, phối hợp địa phương giải phóng mặt bằng.
Cục Đường sắt VN chủ trì xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt; xây dựng Quyết định của Thủ tướng quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp tư nhân).
Cùng đó, xây dựng Nghị định quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt; nghiên cứu, ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ.
Thanh Thúy