Những 'địa chỉ đỏ' trên quê hương Bắc Kạn

Những 'địa chỉ đỏ' trên quê hương Bắc Kạn
8 ngày trướcBài gốc
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn.
Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và Tân Trào (Tuyên Quang), khu ATK Chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn được ví như “Thủ đô kháng chiến”. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến và công cuộc kiến quốc.
Huyện ủy Chợ Đồn biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Di tích Nà Pậu (xã Lương Bằng)- Nơi ở và làm việc của Bác Hồ năm 1950 - 1951.
Quần thể ATK Chợ Đồn gồm 25 điểm di tích, trong đó có 06 điểm được xếp hạng di tích cấp quốc gia như: Bản Ca, Nà Quân (xã Bình Trung); Nà Pậu, đồi Khau Mạ (xã Lương Bằng); Khuổi Linh, đồi Pù Cọ (xã Nghĩa Tá). Từ năm 1947 đến 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và làm việc tại Bản Ca, Nà Quân, Nà Pậu. Đồng thời, ATK Chợ Đồn cũng là nơi bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cơ quan Trung ương và lãnh đạo chủ chốt như Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Đặc biệt, xóm Nà Quân từng là địa điểm đặt hội trường Trung ương Đảng, nơi diễn ra Hội nghị tổng kết Chiến dịch Biên giới.
Trong giai đoạn 1946 – 1954, nhiều cơ quan quan trọng của Trung ương cũng đã đóng tại huyện Chợ Đồn, gồm: Báo Sự Thật, Đài Tiếng nói Việt Nam, Nha kỹ thuật quân sự, Xưởng in báo Cứu Quốc, Nhà máy in tiền thuộc Bộ Tài chính, Trường Quân chính, Xưởng quân giới, Trạm phẫu thuật Quân y…
Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận ATK Chợ Đồn là Di tích quốc gia đặc biệt. Đến năm 2023, quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích đã được phê duyệt, mở ra cơ hội to lớn trong việc gắn kết giá trị lịch sử với phát triển du lịch.
Di tích Nà Tu – nơi ra đời bài thơ bất hủ của Bác Hồ
Cụm tượng đài Bác Hồ với thanh niên xung phong.
Ngày 28/3/1951, trên đường công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm và nói chuyện với Liên phân đội 312 Thanh niên xung phong tại cầu Nà Tu (xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông). Tại đây, Người đã đọc bốn câu thơ nổi tiếng:
Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên.
Bốn câu thơ ấy đã trở thành kim chỉ nam hành động cho thế hệ thanh niên Việt Nam. Nhạc sĩ Hoàng Hòa sau đó đã sáng tác bài hát “Thanh niên làm theo lời Bác” dựa trên cảm hứng từ bài thơ này.
Năm 1996, Nà Tu được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2011, khu di tích được xây dựng và mở rộng với diện tích gấp hơn 11 lần so với trước đây, trở thành điểm đến ý nghĩa trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Khu Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông và Đèo Giàng
Đèo Giàng. Ảnh: Sưu tầm
Trận đánh Đồn Phủ Thông ngày 25/7/1948 là trận công kiên quy mô tiểu đoàn đầu tiên của quân đội ta. Mặc dù không giành thắng lợi hoàn toàn, nhưng trận đánh này đã khẳng định bước trưởng thành về khả năng tác chiến, phá vỡ chiến thuật phòng ngự kiểu “cứ điểm nhỏ” của thực dân Pháp. Sau trận đánh, quân ta giành được thế chủ động trên địa bàn Bắc Bạch Thông.
Chiến thắng Phủ Thông được Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy biểu dương; Tiểu đoàn 11 vinh dự mang tên “Tiểu đoàn Phủ Thông”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định đây là trận đánh có ý nghĩa lớn, góp phần tích lũy kinh nghiệm cho các chiến dịch lớn sau này, đặc biệt là Chiến dịch Giải phóng biên giới và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 27/3/1998, Đồn Phủ Thông được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 01/6/1999, Nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn Phủ Thông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nằm trên tuyến Quốc lộ 3, Đèo Giàng là ranh giới giữa hai huyện Bạch Thông và Ngân Sơn. Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, tại đây đã diễn ra trận phục kích lớn nhất, gây tổn thất nặng nề cho quân Pháp. Chiến thắng này đã ghi danh Đèo Giàng vào sử sách như một biểu tượng cho tinh thần quả cảm và chiến thuật khôn khéo của quân và dân Bắc Kạn.
Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 120 di tích, trong đó 84 di tích đã được xếp hạng, gồm 02 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di tích quốc gia và 74 di tích cấp tỉnh. Các di tích này đã và đang phát huy giá trị trong công tác giáo dục truyền thống và phát triển du lịch về nguồn, góp phần gìn giữ những giá trị lịch sử quý báu của quê hương Bắc Kạn./.
Hồng Hạnh
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/nhung-dia-chi-do-tren-que-huong-bac-kan-post70056.html