1. Tọa lạc tại trung tâm Quận 1, Dinh Độc Lập là một trong những biểu tượng lịch sử nổi bật nhất TP HCM. Vào trưa ngày 30/4/1975, xe tăng của lực lượng Giải phóng đã tiến vào khuôn viên dinh, chính thức kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài và mở ra thời kỳ độc lập, thống nhất đất nước.
Hiện nay, Dinh Độc Lập được bảo tồn như một di tích quốc gia đặc biệt, với các phòng họp, hầm ngầm, bản đồ tác chiến và hiện vật vẫn giữ nguyên trạng như trong thời điểm lịch sử 30/4/1975.
2. Nằm ở vùng ngoại ô phía Tây Bắc TP.HCM, Địa đạo Củ Chi là một công trình quân sự ngầm độc đáo và nổi tiếng trên toàn thế giới. Với chiều dài hơn 200 km, hệ thống địa đạo này từng là nơi sinh sống, chiến đấu và trú ẩn của lực lượng cách mạng trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.
Du khách khi đến đây có thể trực tiếp trải nghiệm cảm giác chui vào lòng đất, tận mắt thấy bếp Hoàng Cầm, kho vũ khí, phòng hội họp… tất cả tái hiện một "thành phố ngầm" kiên cường ngay cạnh trung tâm đầu não của kẻ thù.
3. Nằm trên đường Võ Văn Tần (Quận 3), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là nơi ghi lại những hậu quả tang thương của chiến tranh thông qua hàng nghìn hình ảnh, tư liệu và hiện vật gốc.
Các khu trưng bày ở Bảo tàng không chỉ cung cấp tư liệu lịch sử mà còn gợi lên sự đồng cảm mạnh mẽ, là không gian lắng đọng để người xem cảm nhận sâu sắc nỗi đau chiến tranh, từ đó trân trọng hơn giá trị của hòa bình.
4. Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một không gian hiện đại đầy tính biểu tượng tại trung tâm thành phố lớn nhất Việt Nam. Là không gian công cộng được người dân yêu thích, đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật vào mỗi dịp lễ lớn.
Tượng đài Bác Hồ được đặt vị trí trang trọng nhất của Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một lời nhắc nhở về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần cách mạng bất diệt mà thành phố mang tên Người luôn hướng về.
5. Cuối cùng, không thể không nhắc đến Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng, nằm bên sông Sài Gòn. Nơi đây chính là bến cảng mà từ đó, vào năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville.
Ngày nay, công trình kiến trúc mang phong cách Pháp - Việt kết hợp này được sử dụng làm bảo tàng lưu giữ hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là giai đoạn hoạt động quốc tế và công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Mời quý độc giả xem video: Tiến về Sài Gòn | VTV24.
Quốc Lê
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nhung-dia-diem-ghe-tham-day-y-nghia-o-tp-hcm-dip-304-2097466.html