Du lịch mạo hiểm mang tính độc lạ đang ngày càng nổi lên thu hút sự đam mê phiêu lưu trên toàn cầu. Có những điểm đến nổi tiếng với cảnh quan và văn hóa đặc sắc dù đã được cảnh báo nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với du khách. Họ tìm kiếm những bức ảnh “điên rồ nhất” ở những nơi... hoang dã nhất.
ĐẢO RẮN
Ilha da Queimada Grande là một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Brazil ở Đại Tây Dương. Nó được quản lý như một phần của đô thị Itanhaém thuộc Tiểu bang São Paulo. Hòn đảo này nổi tiếng với số lượng rắn dồi dào, do đó có tên là "Đảo Rắn".
Nằm cách bờ biển của tiểu bang São Paulo, Brazil khoảng 33km, hòn đảo có diện tích khoảng 430.000m2 và có độ cao từ 0 - 206m so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu ôn đới tương tự như đảo lân cận Nimer.
Hòn đảo là nơi sinh sống tự nhiên duy nhất của loài rắn độc Bothrops insularis (rắn lục đầu vàng), loài rắn này có chế độ ăn là chim. Những con rắn này đã bị mắc kẹt trên đảo hàng ngàn năm trước sau khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc khi mực nước biển dâng cao khiến hòn đảo tách biệt khỏi đất liền. Áp lực tiến hóa sau đó đã cho phép những con rắn thích nghi với môi trường mới của chúng, tăng nhanh về số lượng và khiến hòn đảo trở nên nguy hiểm đối với du khách.
Queimada Grande bị đóng cửa đối với công chúng để bảo vệ cả người và rắn; chỉ có Hải quân Brazil và các nhà nghiên cứu được Viện Bảo tồn Đa dạng sinh học Chico Mendes, đơn vị bảo tồn liên bang của Brazil, mới được phép vào.
“MẢNH ĐÁ THIÊN THẦN”
Skellig Michael còn được gọi là Great Skellig là một vách đá có 2 đỉnh nhọn nằm cách Bán đảo Iveragh 11,6km về phía tây ở quận Kerry, Ireland.
Hòn đảo được đặt theo tên của thiên thần Michael, trong đó "Skellig" (bắt nguồn bởi từ sceilig trong tiếng Ireland ) có nghĩa là một mảnh đá. Hòn đảo song sinh của nó, Little Skellig (Sceilig Bheag), nhỏ hơn và không thể tiếp cận được (không được phép hạ cánh).
Hai hòn đảo này hình thành vào khoảng 374 - 360 triệu năm trước trong thời kỳ hình thành núi cùng với dãy núi MacGillycuddy's Reeks. Sau đó, chúng bị tách khỏi đất liền do mực nước dâng cao.
Skellig Michael bao gồm khoảng 22 hecta đá, với điểm cao nhất, được gọi là Spit, cao 218m so với mực nước biển. Hòn đảo được xác định bởi 2 đỉnh núi song sinh và thung lũng xen kẽ (được gọi là Christ's Saddle), khiến cảnh quan của nó dốc và khắc nghiệt.
Nơi đây nổi tiếng nhất với tu viện Gaelic, được thành lập từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8 và nhiều loài sinh sống bao gồm chim điên, chim cánh cụt, chim mỏ nhọn và quần thể khoảng năm mươi con hải cẩu xám.
Hòn đảo này đặc biệt được các nhà khảo cổ học quan tâm vì khu định cư của tu viện ở trong tình trạng tốt “bất thường”. Tu viện nằm ở độ cao khoảng 180m, Christ's Saddle ở độ cao 129m và khu vực cột cờ ở độ cao 37m so với mực nước biển.
Có thể tiếp cận tu viện bằng những bậc đá hẹp và dốc, đi lên từ 3 điểm hạ cánh. Tu viện ẩn dật trên đỉnh phía nam có lối vào nguy hiểm và phần lớn đóng cửa với công chúng. Do đường đi từ đất liền thường khó khăn và bản chất lộ thiên của các điểm hạ cánh, nên hòn đảo này chỉ có thể tiếp cận được vào những tháng mùa hè.
Đây là địa điểm rất nổi tiếng của Ireland bởi đã xuất hiện trong bộ phim bom tấn Star Wars. UNESCO đã chỉ định Skellig Michael là Di sản Thế giới vào năm 1996.
THUNG LŨNG CHẾT
Death Valley là một thung lũng dài và hẹp nằm giữa 2 bang California và Nevada của Mỹ.
Thung lũng Chết có độ dài 209km chạy theo hướng Bắc - Nam và độ rộng từ 10 - 23km, tổng diện tích khoảng 1.400km2. Phía Tây của thung lũng là dãy núi Nevada và phía Đông là một lòng chảo rộng lớn. Nơi thấp nhất trong thung lũng so với mặt nước biển là 86m.
Thung lũng Chết có điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, nhiệt độ mùa hè thường trên 49 độ C. Theo báo cáo của NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ), Thung Lũng Chết hiện đang giữ kỉ lục về “Nơi có nhiệt độ không khí bề mặt cao nhất thế giới từng được ghi nhận trên Trái Đất” vì có thời điểm nhiệt độ lên tới 56,7 độ C.
Thung lũng rất sâu và hoang vu, đáy là dòng sông cạn Amagesa với những cồn cát lởm chởm khắp nơi và giữa thung lũng là một quần thể cồn cát rộng khoảng 155km2, là nơi hoang vu nhất trong thung lũng.
Thực vật trong Thung lũng Chết rất ít, ven đầm ao có một số loài cỏ như cỏ bấc. Động vật cũng chỉ có chó sói. Ở thung lũng hoang vu vừa khô vừa nóng này, sự sinh tồn của con người và động vật rất khó khăn.
Trong lòng thung lũng hoang tàn nhưng cảnh sắc quanh nó lại hoàn toàn khác biệt. Phía Tây thung lũng là chân núi phía đông dãy Nevada. Ở vùng tiếp giáp có nhiều khe núi dọc ngang và những cây cột bằng đá mọc lởm chởm. Dưới ánh trăng mờ cảnh tượng khu vực này âm u đáng sợ nhưng dưới ánh nắng mặt trời lại toát lộ vẻ đẹp rực rỡ, trở thành nơi có sức hấp dẫn khách du lịch nhất của thung lũng, được mệnh danh là "cái đĩa điều sắc của các họa sĩ".
Một trong những bí hiểm khác của Thung lũng Chết là sự dịch chuyển của những tảng đá và vệt đường đi của chúng trên cát, dù không phải do áp lực của mưa, gió hay dòng nước. Cho đến ngày nay, dù đã nhiều người cố gắng lý giải về sức mạnh thần bí của Thung lũng Chết đã gây nên cái chết của các đoàn thám hiểm nhưng chưa có sự giải đáp thỏa đáng.
CÔNG VIÊN CHẤT ĐỘC
Công viên quốc gia Madidi nằm ở vùng Tây Bắc Bolivia và chạy dọc theo sườn dãy núi Andes, tạo nên một dải đa dạng về độ cao và môi trường. Từ các khu rừng mưa nhiệt đới sôi động đến các cao nguyên và dãy núi cao, Madidi là nơi sinh sống của một loạt các loài động, thực vật quý hiếm.
Mới nhìn vào phong cảnh đẹp như tranh vẽ của nơi này, không ai nghĩ Madidi là một điểm đến rất nguy hiểm. Thực ra đây là nơi có hệ động vật và thực vật “độc” nhất thế giới.
Đụng chạm với bất kỳ loài cây nào trong công viên quốc gia này đều sẽ gây ngứa ngáy, nổi mụn và choáng váng. Một vết cắt hay vết thương nhỏ cũng có thể nhiễm các ký sinh trùng nhiệt đới.
Nơi đây được coi là một trong những vùng đa dạng sinh học nhất của hành tinh. Có 3 vùng khí hậu riêng biệt: Khí hậu lạnh ở các đỉnh núi phủ tuyết trắng, ôn đới ở khu vực độ cao trung bình và khí hậu nhiệt đới ở vùng đất thấp.
Công viên còn là nơi có đa dạng các loài mới gây sự thu hút các nhà khoa học. Để tồn tại, gần như tất cả các loài ở Madidi đã phát triển cho riêng mình một số loại... chất độc. Rắn, báo đốm, gấu và lợn rừng cũng tấn công người đi trong rừng rậm để ăn thịt. Các loài nấm độc và thậm chí cả lá và hạt cây đều có độc.
Ngoài ra, khu vực này còn đầy rẫy ký sinh trùng và một vết thương nhỏ có thể gây tử vong trong thời gian ngắn. Nhiều người ta cũng nói rằng họ đã từng bị nhện độc khổng lồ tấn công, vì vậy công viên quốc gia xinh đẹp này có thể không phải là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng.
THUNG LŨNG “TỬ THẦN”
Thung lũng có địa hình gồ ghề, đá cheo leo khó đi lại, nó nằm tại bán đảo Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông Nga, phía trên của sông Geyser. Nơi này chiếm diện tích không quá lớn, chỉ dài chừng 2km và rộng 500m.
Là vùng đất của “tử thần” nhưng nơi này lại tập trung các loài động vật hoang dã như gấu xám, tuần lộc, cừu tuyết, cáo, đại bàng... Địa danh nguy hiểm này còn sở hữu nhiều điểm tham quan thú vị, bao gồm núi lửa, hồ nước, mạch nước phun.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lịch sử của nơi này được bắt đầu từ rất lâu trước khi nó được phát hiện. Tài liệu cũ ghi lại, thung lũng được một người kiểm lâm có tên VS Kalyaev và nhà nghiên cứu núi lửa Leonov V tìm ra.
Tại đây, các nhà nghiên cứu thu thập được nhiều mẫu phân tích. Cũng trong khoảng thời gian đó, họ tìm thấy số lượng lớn xác động vật bỏ mạng tại vùng đất chết người. Thậm chí ngay cả các nhà khoa học cũng trở thành nạn nhân của nơi này khi họ tới nghiên cứu mà không có mặt nạ dưỡng khí.
Thực chất, nguyên nhân dẫn tới những cái chết khó hiểu tại khu vực này là các thành phần đặc biệt của khí được giải phóng từ vết nứt của vỏ trái đất, bao gồm hydrogen sulfide, carbon disulfide và carbon dioxide.
Trong nhiều thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy triệu chứng nghiêm trọng thường xuất hiện nhất như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, thậm chí tê liệt cơ quan hô hấp dẫn tới tử vong. Điều đặc biệt, khu vực này trở nên nguy hiểm hơn trong những ngày thời tiết bình thường, bởi khi đó lượng chất độc tích tụ tập trung hơn.
ĐẢO PHÓNG XẠ
Đảo san hô Bikini (đôi khi được gọi là Đảo san hô vòng Eschscholtz) được phát hiện từ giữa những năm 1800 - 1946, là một rạn san hô vòng bao gồm 23 hòn đảo bao quanh một đầm phá trung tâm có diện tích khoảng 594km2 thuộc Quần đảo Marshall (Thái Bình Dương). Cư dân đảo san hô được di dời vào năm 1946, sau đó các đảo và đầm phá là nơi diễn ra 23 vụ thử hạt nhân của Mỹ cho đến năm 1958.
Đảo san hô nằm ở cuối phía bắc của Chuỗi đảo Ralik, cách khoảng 850km về phía tây bắc thủ đô Majuro (Cộng hòa Quần đảo Marshall). Ba gia đình đã được tái định cư trên đảo Bikini vào năm 1970, với tổng số khoảng 100 cư dân.
Trong chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên đảo Bikini, đã có tổng cộng 23 vụ thử nghiệm từ năm 1946 - 1958 tại 7 địa điểm. Các loại vũ khí thử nghiệm đã được kích nổ ngay tại rạn san hô, trên biển, trên không và cả dưới nước.
Tại đây, các nhà khoa học đã tìm thấy nồng độ phóng xạ Strontium-90 nguy hiểm cao trong nước giếng vào tháng 5/1977 và các cư dân trên đảo mang trong người Caesi-137 nồng độ cao bất thường. Đảo san hô ngày nay thỉnh thoảng được các thợ lặn và một số nhà khoa học ghé thăm và trên đảo chỉ có một số ít người chăm sóc.
Cũng chính tại đây, Mỹ đã sản xuất ra 2 quả bom "Fat Man" và "Little Boy", 2 quả bom mà sau này được thả xuống Hiroshima và Nagasaki.
NGỌN NÚI “THẤT THƯỜNG”
Núi Washington là một ngọn núi cực kỳ nổi bật ở tiểu bang New Hampshire, Mỹ. Đây là đỉnh núi cao nhất ở Đông Bắc nước Mỹ với độ cao gần 2.000m và là ngọn núi nổi bật nhất về mặt địa hình ở phía đông Sông Mississippi.
Ngọn núi nằm trong Dãy núi Tổng thống của White Mountains ở Quận Coös, New Hampshire. Thời tiết của Núi Washington nổi tiếng là thất thường. Một phần là do sự hội tụ đường đi của bão, chủ yếu từ Đại Tây Dương về phía nam, vùng Vịnh và Tây Bắc Thái Bình Dương. Độ cao thẳng đứng của Dãy núi Presidential, kết hợp với hướng bắc-nam của nó, khiến nó trở thành một rào cản đáng kể đối với gió tây.
Núi Washington từng giữ kỷ lục thế giới và vẫn giữ kỷ lục ở Bắc bán cầu và Tây bán cầu về tốc độ gió bề mặt được đo trực tiếp là 372km/h (được ghi nhận vào chiều ngày 12/4/1934). Ngoài ra, còn có một đài quan sát trên núi thường được phủ một lớp băng. Mặc dù có bản chất nguy hiểm, các vận động viên vẫn đổ xô đến khu vực này để trượt tuyết, trượt ván và đi bộ đường dài.
BÃI BIỂN CÁ MẬP
Praia de Boa Viagem là bãi biển đô thị nổi tiếng nhất ở thành phố Recife, thủ phủ bang Pernambuco của Brazil. Dài khoảng 8km nằm trong khu phố cùng tên, Khu phía Nam của thủ đô Pernambuco, giáp Praia do Pina ở phía bắc và Praia de Piedade ở phía nam.
Khi thủy triều xuống, một số hồ tự nhiên nông được hình thành dọc theo bãi biển với làn nước ấm áp và trong suốt. Du khách có thể đi bộ trên các rạn san hô tương đối bằng phẳng và rộng (nhưng trơn). Khi thủy triều lên, các rạn san hô bị nước bao phủ hoàn toàn.
Hầu hết bãi biển Boa Viagem được bảo vệ bởi hàng rào rạn san hô tự nhiên và chính quyền không khuyến khích bơi ra ngoài các rạn san hô để tránh bị cá mập tấn công. Hơn nữa, việc lướt sóng hiện bị cấm mặc dù cựu thống đốc bang đã cho phép vào đầu năm 2006 với việc lắp đặt lưới bảo vệ cá mập.
Theo các chuyên gia, các vụ cá mập tấn công bờ biển là kết quả của tác động môi trường do việc xây dựng Cảng Suape. Vì con người không nằm trong “thực đơn” của cá mập nên hầu hết các cuộc tấn công đều xảy ra do nhầm lẫn: khi nước đục, cá mập đang săn mồi không thể phân biệt được đâu là người và đâu là cá lớn.
Là một trong những bãi biển nguy hiểm nhất thế giới, Boa Viagem tạo điều kiện lý tưởng cho sự hiện diện của loài cá mập hung dữ nhất hành tinh: Cá mập bò. Là sinh vật có mức testosterone cao nhất trên Trái đất, cá mập bò thích những vùng cửa sông có nước ấm, chẳng hạn như Recife. Một loài rất hung dữ khác hiện diện trên bãi biển Boa Viagem là cá mập hổ.
HỒ “CHÁY”
Natron là một hồ nước mặn hoặc kiềm nằm ở phía bắc Quận Ngorongoro của Vùng Arusha ở Tanzania. Hồ nằm trong Đới tách giãn Gregory, là nhánh phía đông của Đới tách giãn Đông Phi.
Hồ nằm trong Lưu vực Hồ Natron, một vùng đất ngập nước thuộc Khu Ramsar có tầm quan trọng quốc tế. Đây là khu vực sinh sản thường xuyên duy nhất của loài hồng hạc nhỏ của Châu Phi, mặc dù môi trường sống này không được bảo vệ và đang bị đe dọa bởi các dự án phát triển đã được lên kế hoạch.
Hồ chủ yếu được cung cấp nước bởi sông Ewaso Ng'iro phía Nam, bắt nguồn từ miền trung Kenya và các suối nước nóng giàu khoáng chất. Hồ khá nông, sâu chưa đến 3m và có chiều rộng thay đổi tùy thuộc vào mực nước.
Hồ dài tối đa 57km và rộng 22km, khu vực xung quanh có lượng mưa theo mùa không đều. Nhiệt độ tại hồ thường xuyên trên 40 độ C.
Mức độ bốc hơi cao đã để lại natron (natri cacbonat decahydrat) và trona (natri sesquicarbonat dihydrat). Độ kiềm của hồ có thể đạt tới độ pH lớn hơn 12. Nền đá xung quanh bao gồm các dung nham trachyte kiềm, có natri chiếm ưu thế được hình thành trong thời kỳ Pleistocene. Các dung nham có lượng cacbonat đáng kể nhưng hàm lượng canxi và magiê rất thấp . Điều này đã cho phép hồ cô đặc thành nước muối kiềm ăn da.
Các tính chất hóa học của nước được biết là có thể làm vôi hóa cơ thể của bất kỳ sinh vật sống nào chết trong hồ.
“CỔNG VÀO ĐỊA NGỤC”
Erta Ale là một ngọn núi lửa hình khiên bazan hoạt động liên tục và mạnh nhất ở Vùng Afar phía đông bắc Ethiopia. Núi lửa nằm ở vùng trũng Danakil, khu vực nằm ở biên giới giữa Ethiopia và Eritrea và nằm dưới mực nước biển.
Erta Ale cao 613m, có 1 hoặc đôi khi là 2 hồ dung nham đang hoạt động trên đỉnh, thỉnh thoảng tràn ra phía nam của núi lửa. Nó đáng chú ý vì có hồ dung nham tồn tại lâu nhất, có từ ít nhất năm 1906. Đồng thời, các núi lửa có hồ dung nham rất hiếm: chỉ có 8 núi lửa trên thế giới được báo cáo vào năm 2019.
Erta Ale có nghĩa là "ngọn núi bốc khói" trong tiếng Afar địa phương và hố cực nam của nó được người dân địa phương gọi là "Cổng vào địa ngục". Một vụ phun trào lớn xảy ra vào ngày 25/9/2005 đã giết chết 250 gia súc và buộc hàng nghìn cư dân gần đó phải di tản.
Nam Anh