Những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi

Những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi
4 giờ trướcBài gốc
Theo Phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ Hải Dương, việc bỏ quy định về thời gian tập sự với công chức là phù hợp với thực tiễn
Định nghĩa lại công chức, bỏ thời gian tập sự
Ngay tại điều 1 dự thảo về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, định nghĩa về cán bộ, công chức đã được sửa đổi.
Thay đổi lớn nhất là định nghĩa về cán bộ, công chức cấp huyện đã không còn và được thay thế bằng cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời, bỏ quy định riêng về định nghĩa cán bộ xã, phường, thị trấn để quy định chung với định nghĩa cán bộ, công chức cấp tỉnh; bổ sung đối tượng công chức tại Ủy ban MTTQ.
Cụ thể, dự thảo quy định "cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước".
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng vào vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã...
Theo bà Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nam Sách, việc sửa đổi này là cần thiết để phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp, tinh gọn tổ chức MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc MTTQ cấp tỉnh, cấp xã.
"Thay thế định nghĩa, quy định về công chức cấp huyện thành xã, bổ sung đối tượng công chức khối MTTQ sẽ bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định có liên quan và khi kết thúc hoạt động của cấp huyện, đúng với chủ trương, định hướng đưa cán bộ, công chức cấp huyện về xã", bà Ngọc đánh giá.
Dự thảo luật lần này cũng bỏ quy định về tập sự đối với công chức. Theo luật hiện hành, "người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ".
Hiện nay, thời gian tập sự là 6 tháng hoặc 1 năm, tùy trường hợp tuyển dụng vào công chức loại nào.
"Qua thời gian triển khai thực hiện tại tỉnh Hải Dương, có rất ít trường hợp đã qua được kỳ thi tuyển công chức mà không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự. Nếu có thì chủ yếu là trường hợp do yếu tố khách quan như sinh con, thời gian làm việc không bảo đảm...", ông Phạm Quốc Ân, Trưởng Phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ cho biết.
Do đó, việc bỏ quy định yêu cầu thời gian tập sự là cần thiết.
Thay đổi cách đánh giá
Phát biểu ở hội trường Kỳ họp thứ 9 về dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức
Theo dự thảo đang được Quốc hội xem xét, các ngạch công chức vẫn được giữ nguyên nhưng quy định về thi nâng ngạch công chức đã được lược bỏ.
Hiện nay, công chức muốn dự thi nâng ngạch lên ngạch chuyên viên chính phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên và tương đương từ đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) và nhiều điều kiện khắt khe khác.
Nếu dự thảo luật được thông qua, người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay các yêu cầu, nhiệm vụ của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển.
Dự thảo cũng quy định công chức được bổ nhiệm vào ngạch khi thuộc 1 trong 2 trường hợp. Trường hợp người được tuyển dụng công chức vào vị trí việc làm hoặc công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu về ngạch công chức khác với ngạch công chức đang giữ.
Chính sách này được đánh giá sẽ góp phần đổi mới, "cởi trói" cho nhiều công chức và tiết kiệm nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn nếu triển khai thực hiện.
Người ứng tuyển phải có điều kiện như nào mới được xếp ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp? Việc đánh giá, xem xét sẽ dựa theo tiêu chí gì, thời gian ra sao?
Nếu dự thảo luật được Quốc hội thông qua, những điều này cần được Chính phủ quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá, điều kiện, trình tự, thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch phù hợp với phân cấp quản lý công chức.
Phát biểu thảo luận ở Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV về dự thảo luật, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đã đề nghị về việc đánh giá cán bộ, công chức.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: "Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công. Tôi kiến nghị chính phủ cần quy định rõ một số cơ chế then chốt, trước tiên là thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ, chứ không chỉ dựa vào hình thức, quy trình".
Có thể thấy, đánh giá thực chất cán bộ, công chức qua KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc), bỏ những kỳ thi nâng ngạch, quy trình hình thức để đột phá, tạo cơ hội trọng dụng người tài là những điểm mới trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi lần này.
PHONG TUYẾT
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/nhung-diem-moi-quan-trong-trong-du-thao-luat-can-bo-cong-chuc-sua-doi-412134.html