Tái cơ cấu quý I
Dựa trên số liệu tính toán đến ngày 30-12-2024, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính chỉ số VN30 sẽ thêm mới cổ phiếu (CP) LPB và loại ra CP POW. Cụ thể, LPB kỳ vọng sẽ được thêm vào danh mục mới nhờ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tư cách tham gia chỉ số (free float và thanh khoản). Đồng thời khi xếp hạng ưu tiên về giá trị vốn hóa, LPB nằm trong Top 20 CP có giá trị vốn hóa nổi bật nhất.
Theo đó, LPB dự kiến sẽ chính thức được thêm vào danh mục VN30 trong kỳ cơ cấu lần này. Ngược lại, dù không vi phạm về các tiêu chí như thanh khoản, nhưng POW có nguy cơ bị loại ra khỏi danh mục khi xếp hạng về giá trị vốn hóa. POW hiện không nằm trong Top 30 doanh nghiệp được ưu tiên về chỉ số này.
Do vậy POW vẫn không đáp ứng đủ các tiêu chí nằm trong danh mục chỉ số VN30. Thay vào đó, CP này sẽ được nằm trong Top 5 CP dự bị của rổ VN30.
Hiện nay trên thị trường có 4 quỹ ETF sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu gồm DCVN30, KIMVN30, MASVN30 và BVFVN30, với tổng tài sản đạt hơn 9.400 tỷ đồng. Trong đó, DCVN30 là quỹ có tổng tài sản lớn nhất, đạt khoảng 6.784 tỷ đồng và đã giảm 10,14% so với đầu năm 2024. Trong đó quy mô quỹ bị rút ròng hơn 2.300 tỷ đồng và NAV ghi nhận tăng trưởng 20,7% trong năm 2024. Theo kế hoạch, các quỹ ETF này sẽ thực hiện tái cân bằng danh mục từ ngày 16-1 đến ngày 31-1.
Giống như rổ VN30, trong kỳ cơ cấu lần này, danh mục chỉ số VNFIN LEAD sẽ được tính toán lại các chỉ số thành phần. Kết quả tính toán đến ngày 31-12-2024, ước tính danh mục chỉ số VNFIN LEAD sẽ không có sự thay đổi về CP thành phần mà chỉ có điều chỉnh tỷ trọng danh mục CP.
Hiện nay có 1 ETF trên thị trường đang sử dụng chỉ số VNFIN LEAD làm tham chiếu là SSIAM VNFIN LEAD có tổng giá trị tài sản khoảng 482,8 tỷ đồng.
So với đầu năm nay, quỹ SSIAM VNFIN LEAD đã bị rút ròng đáng kể với giá trị lên đến khoảng 2.271 tỷ đồng, khiến tổng giá trị tài sản của quỹ đã giảm mạnh 79% mặc dù NAV tăng 19,6% so với đầu năm. Kết quả kỳ tái cơ cấu này sẽ được chính thức công bố vào ngày 20-1 và có hiệu lực vào ngày 3-2.
Bộ chỉ số HoSE Index phiên bản 4.0
Ngày 30-12-2024, HoSE đã ban hành Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số H0SE Index phiên bản 4.0 (phiên bản mới nhất hiện nay). Theo đó, quy tắc mới có những điểm cải tiến về yêu cầu chất lượng CP và tính độc lập. Cụ thể, quy tắc mới điều chỉnh các tiêu chí sẵn có như yêu cầu về thời gian công bố thông tin, thanh khoản, giới hạn tỷ trọng vốn hóa. Đồng thời, bộ chỉ số mới này bổ sung thêm định nghĩa và các yêu cầu về chất lượng CP.
Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế (LNST) được thu thập từ báo cáo tài chính (BCTC) bán niên được soát xét gần nhất hoặc BCTC năm được kiểm toán gần nhất của tổ chức niêm yết. Sử dụng LNST của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất đối với trường hợp tổ chức niêm yết là công ty mẹ. Sử dụng BCTC tổng hợp đối với trường hợp tổ chức niêm yết là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc.
CP được xem là hợp lệ khi LNST của doanh nghiệp (DN) là dương, đồng thời ý kiến kiểm toán trong kỳ là chấp nhận toàn phần. Trong trường hợp, ý kiến kiểm toán là chấp nhận toàn phần nhưng có nội dung vấn đề lưu ý/vấn để nhấn mạnh/vấn đề khác của đơn vị kiểm toán thì HoSE sẽ tiến hành lấy ý kiến tham vấn của Hội đồng Chỉ số về việc loại bỏ hay không loại bỏ các CP này ở bước này trước khi quyết định.
Theo VDSC, Bộ quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HoSE Index phiên bản 4.0 đã có nhiều cải tiến hơn so với bộ chỉ số phiên bản 3.1 trước đó, chủ yếu tập trung vào chất lượng CP và phân bổ danh mục. Việc nâng cao chất lượng CP sẽ được thực hiện thông qua các tiêu chí về thanh khoản và hiệu quả kinh doanh.
Quy tắc mới sẽ nâng cao ngưỡng sàn cho 2 tiêu chí khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch lên gấp 3 lần so với trước. Điều này, cho thấy yêu cầu khắt khe hơn từ các nhà điều hành chỉ số. Hiện tại, cả 2 chỉ số này được tính dựa trên trung bình của trung vị 12 tháng gần nhất. Vì vậy các DN cần duy trì mức thanh khoản tốt; nếu không, họ có thể bị loại khỏi danh mục xem xét.
Về yếu tố hiệu quả kinh doanh, tiêu chí về LNST sau kiểm toán của năm tài chính gần nhất đã được thêm vào quy trình sàng lọc. Điều này nhằm nâng cao chất lượng của các DN được xem xét và đảm bảo rằng DN có khả năng tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư thông qua hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, bổ sung thêm quy định về giới hạn tỷ trọng vốn hóa cùng ngành để tối ưu hóa phân bổ danh mục chỉ số.
Ngoài quy định giới hạn 15% đối với các DN có liên quan, quy tắc mới còn bổ sung giới hạn 40% cho các DN trong cùng ngành cấp 1 theo tiêu chuẩn phân ngành toàn cầu (GICS). Theo VDSC, nhóm ngành tài chính thường chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục VN30, với mức vốn hóa dao động từ 50-60% tổng danh mục.
Do đó, khi quy tắc mới có hiệu lực, VDSC ước tính tỷ trọng các CP nhóm tài chính sẽ phải điều chỉnh giảm xuống dưới mức 40%, trong khi tỷ trọng của các ngành khác sẽ được gia tăng để bù đắp cho sự điều chỉnh này.
Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HoSE Index phiên bản 4.0 này sẽ có hiệu lực và thay thế cho Quy tắc xây dựng và quản lý Bộ chỉ số HoSE Index phiên bản 3.1, sau 60 ngày kể từ ngày ban hành quyết định. Theo đó, trong kỳ cơ cấu danh mục chỉ số VN30 vào tháng 1 sẽ tiếp tục sử dụng quy tắc 3.1 và quy tắc 4.0 sẽ được áp dụng vào kỳ cơ cấu tháng 7.
Với yêu cầu khắt khe hơn từ các nhà điều hành chỉ số, cả 2 bộ chỉ số VN30 và VNFIN LEAD được tính dựa trên trung bình của trung vị 12 tháng gần nhất. Vì vậy các DN cần duy trì mức thanh khoản tốt, nếu không có thể bị loại khỏi danh mục xem xét.
HẢI HỒ