Những điểm nghẽn làm miền Tây tụt hậu

Những điểm nghẽn làm miền Tây tụt hậu
2 ngày trướcBài gốc
Thách thức bao vây
Trong Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2024, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, năm vừa qua, GRDP của vùng tăng 7,3%, cao hơn bình quân cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 28 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI chỉ ra, đầu tư vào ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, khi tỷ lệ vốn đầu tư công vào vùng chỉ chiếm chưa đến 10% cả nước, trong khi đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn rất hạn chế (vốn FDI vào cả miền Tây không bằng 1 tỉnh miền Đông Nam bộ).
Vùng ĐBSCL đang chịu tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, kéo theo tình trạng xâm nhập mặn, sụt lún và sạt lở đất, thiếu nước ngọt. Hệ thống hạ tầng giao thông và logistics chưa đồng bộ, làm gia tăng chi phí vận chuyển và giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa.
Ở góc độ DN, ông Trần Chí Nguyện, Phó TGĐ Cty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau cho rằng, những thách thức lớn vùng ĐBSCL đang đối mặt gồm hạ tầng giao thông, logistics, vốn, nhân lực chất lượng cao đều chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi rủi ro ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu.
“Những yếu tố này không chỉ tác động đến nền kinh tế của vùng, còn đặt ra thách thức lớn đối với các DN khi mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Nguyện nói.
Nhìn nhận 3 góc độ chính tạo điểm nghẽn của ĐBSCL gồm việc làm, hạ tầng và nguồn lực, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL, phân tích, thiếu việc làm dẫn đến người lao động không có thu nhập, nên phải đi nơi khác tìm việc, khi DN đầu tư vào khu vực lại không có lao động, tạo vòng tròn kìm hãm nhau.
Với hạ tầng, sự yếu kém về hạ tầng khu công nghiệp, logistics làm cho chi phí vận hành cao, thiếu cạnh tranh, từ đó không hấp dẫn nhà đầu tư. Còn góc độ nguồn lực, việc có ít DN, nhà đầu tư tìm tới dẫn đến thu ngân sách thấp. “Đây là 3 vòng xoáy luẩn quẩn làm cho vùng ĐBSCL chậm phát triển”, ông Lam nói.
Vùng ĐBSCL còn nhiều thách thức, đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trần Văn Huyến, cho rằng, nếu gỡ được các điểm nghẽn về vốn, hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực, ĐBSCL có thể trở thành cực tăng trưởng mới.
Thậm chí trở thành vùng kiểu mẫu về phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghiệp chế biến hiện đại và kinh tế tuần hoàn. “Nếu giải được bài toán vốn, vùng sẽ có cú chuyển mình mang tính bước ngoặt”, ông Huyến nhận định.
Cần thay đổi tư duy quản lý
Để kích hoạt kinh tế vùng ĐBSCL, các DN, chuyên gia và nhà quản lý cùng nhìn nhận, vùng này cần được đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng giao thông (đường bộ, cảng biển), logistics, giúp giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản. Triển khai các chính sách tín dụng xanh và ưu đãi cho DN nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ DN và nông dân cùng đầu tư vào sản xuất hiện đại; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.
Khảo sát của VCCI với các DN tại vùng ĐBSCL vào quý 4/2024 cho thấy, gần 57% DN cho biết có dự định đầu tư tại vùng này trong 5 năm tới, 32% DN không có kế hoạch mở rộng đầu tư; hơn 11% DN dự kiến mở rộng nhưng sang vùng khác, chủ yếu lên vùng Đông Nam bộ. “Kết quả này cho thấy, ĐBSCL không chỉ gặp khó khăn trong việc thu hút DN mới, còn gặp thách thức trong huy động vốn từ các DN tư nhân hiện có và cạnh tranh với các vùng khác năng động hơn để giữ chân DN”, báo cáo của VCCI đánh giá. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất tập trung cải thiện hạ tầng giao thông, đi liền với cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh từ các địa phương.
Ông Nguyễn Phương Lam cho rằng, ngoài giải quyết điểm nghẽn hạ tầng, logistics, khu công nghiệp, cần đi kèm với chính sách đặc thù cho nhà đầu tư sơ cấp, đầu tư vào hạ tầng chiến lược. Đặc biệt, cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương cần thay đổi tư duy, quan điểm quản lý theo hướng hiểu DN, nhà đầu tư, từ đó thực thi thủ tục hành chính minh bạch, công bằng, đơn giản, hiệu quả.
Ông Jonathan London, cố vấn kinh tế Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), lo ngại, ĐBSCL có tỷ lệ đói nghèo gia tăng trong những năm gần đây, nhiều người trẻ vẫn đang rời đi tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.
Do đó, nếu không có sự thay đổi sâu sắc hơn, những thành quả tăng trưởng sẽ khó duy trì. Vấn đề không chỉ ở số lượng đầu tư, còn chất lượng và tác động của nguồn lực đầu tư. Từ đó, vị chuyên gia này đề xuất nên đầu tư và hạ tầng chống chịu biến đổi khí hậu, đào tạo nghề và đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh tạo nhiều việc làm và mang lại giá trị cho cộng đồng địa phương, và cần những tín hiệu rõ ràng hơn cho khu vực tư nhân.
Về môi trường kinh doanh vùng ĐBSCL, báo cáo của VCCI chỉ ra, điểm mạnh của vùng tiếp tục được duy trì như về chỉ số gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức... đều giữ và được cải thiện, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Ngược lại, các chỉ số về đào tạo lao động, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng vẫn là điểm yếu cố hữu của vùng. Tính đến cuối năm 2024, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 71.000 DN đang hoạt động, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số DN thành lập mới trong năm hơn 3.200 DN, trong khi số DN rút khỏi thị trường của vùng cũng cao, bình quân 100 DN thành lập mới lại có 88 DN giải thể.
Giai đoạn 2014-2023, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân của ĐBSCL tăng 1,7 lần, thấp hơn mức tăng bình quân cả nước (2,1 lần), vùng có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân thấp nhất cả nước.
“Cụm từ ‘gần như thấp nhất cả nước’ luôn gắn liền với ĐBSCL khi nhắc đến các chỉ tiêu về DN”, nhóm nghiên cứu của VCCI chỉ ra. Báo cáo dẫn chia sẻ từ Cty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, dù DN có cổ phần nhà nước vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Cụ thể, DN này đang thực hiện Dự án khoa học - công nghệ tại Long An, ban đầu dự kiến hoàn thành trong 1 năm, nhưng tới nay đã gần 2 năm trôi qua chỉ để xin quyết định đầu tư.
Trong quá trình này, DN nhận thấy nhiều nhiêu khê và lúng túng từ phía các cơ quan Nhà nước, đặc biệt đối với các dự án nghiên cứu phát triển do DN thực hiện. Dù các sở, ngành Long An rất ủng hộ, nhưng do sự chồng lấn trong cách hiểu của cơ quan thực thi pháp luật, nên mất rất nhiều thời gian của DN.
CẢNH KỲ
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/nhung-diem-nghen-lam-mien-tay-tut-hau-post1729585.tpo